Ý nghĩa, chức năng và quá trình phát triển thành “án lệ” trong chế độ pháp luật của Hàn Quốc.

12:00 AM

 Ý nghĩa, chức năng và quá trình phát triển thành “án lệ” trong chế độ pháp luật của Hàn Quốc.


VANTHONGLAW - Vì không có thủ tục bãi bỏ án lệ riêng nên các án lệ bị bãi bỏ không được thể hiện rõ ràng ra bên ngoài. Do đó, khi áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử, cần phải lưu ý về điều này.

Về ý nghĩa của thuật ngữ “án lệ” trong thực tiễn xét xử: 

Thông thường, ở Hàn Quốc thuật ngữ án lệ mang ý nghĩa là những phán quyết của Tòa án tối cao - cơ quan xét xử cao nhất. 

- Án lệ là quan điểm của Tòa án, không phải bản thân phán quyết sẽ trở thành án lệ mà chỉ nội dung quan điểm của Tòa án được chỉ ra trong phán quyết đó mới là án lệ. 

- Án lệ là phần quan điểm được nêu ra trong việc “xét xử một vụ án nhất định”: Là quan điểm của Tòa án được nêu tra trong phán quyết của một vụ án nhất định. Do đó, để kháng cáo với lý do đã đưa ra quan điểm trái ngược với án lệ của Tòa án tối cao, người kháng cáo phải chỉ ra những án lệ cụ thể của Tòa án tối cao trước đó. 

- Án lệ là quan điểm mang “tính pháp lý”, “tính chung, phổ biến” được thể hiện tại phần lý do của phán quyết, là những quan điểm có thể trở thành tiền lệ khi xét xử những vụ án khác trong tương lai, để có thể áp dụng cho những vụ án khác. Nội dung về việc công nhận sự thật, tính toán số tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần, mức hình phạt của phán quyết hình sự không phải là án lệ. 

- Một phán quyết riêng lẻ cũng là án lệ. Quan điểm được đưa ra trong một phán quyết cũng là án lệ. Tóm lại, ý nghĩa của án lệ là “phán quyết bao gồm quan điểm về vấn đề pháp lý (giải thích pháp luật) mang tính chung, phổ biến mà nó có thể áp dụng cho các vụ án tương tự”. 

Về chức năng của án lệ 

- Cụ thể hóa những quy định mang tính trừu tượng của luật thông qua việc giải thích pháp luật, thông qua việc giải thích án lệ, ý nghĩa của các quy phạm pháp luật trừu tượng được cụ thể hóa, phạm vi áp dụng quy phạm pháp luật, mối quan hệ với các quy phạm pháp luật khác sẽ trở nên rõ ràng hơn. Luật không chỉ thiết lập dưới hình thức những quy phạm mang tính trừu tượng nhằm điều chỉnh những hiện tượng xã hội đa dạng, mà còn có những quy phạm pháp luật được giao cho Thẩm phán quyết định về mặt nội dung như “phúc lợi công cộng”, “thuần phong mỹ tục, các trật tự xã hội khác” và “lý do chính đáng” v.v... 

- Bổ sung khiếm khuyết của luật, có những vấn đề không thể dự đoán trước được tại thời điểm ban hành luật. Thậm chí, đối với những vấn đề đã được dự đoán trước thì vẫn tồn tại những vấn đề không phải là đối tượng quy định của luật, điều này xuất phát từ những hạn chế về mặt kỹ thuật lập pháp trong khi Thẩm phán lại không thể từ chối xét xử với lý do chưa được quy định trong luật. Án lệ bổ sung được khiếm khuyết của luật bằng việc đưa ra vấn đề pháp lý hoặc áp dụng tương tự các quy phạm pháp luật khác, ví dụ án lệ bổ sung khiếm khuyết cho pháp luật như: nguyên tắc mất hiệu lực, quyền yêu cầu bồi thường hậu quả của việc không thi hành và lý luận lạm dụng quyền đại diện v.v... 

- Đảm bảo tính ổn định của pháp luật thông qua việc thống nhất cách giải thích và áp dụng pháp luật. Án lệ có thể thống nhất việc giải thích và áp dụng luật của Tòa án. Theo đó, Tòa án có thể đối xử một cách bình đẳng đối với đương sự của vụ án, giảm thiểu chi phí cũng như nỗ lực của đương sự và Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp, đảm bảo tính ổn định của pháp luật. 

Về việc lựa chọn và công bố án lệ 

Trong pháp luật Hàn Quốc, phán quyết không cần phải được tiến hành một thủ tục đặc biệt (lựa chọn, công bố) để phát triển thành “án lệ”. Sau khi được đưa ra, phán quyết của Tòa án tối cao sẽ có hiệu lực ngay và thực hiện chức năng với tư cách là án lệ, do đó không xảy ra việc trì hoãn trở thành án lệ hoặc bị gián đoạn trong quá trình phát triển thành án lệ. Việc lựa chọn, công bố án lệ ở Hàn Quốc là để lựa chọn ra các phán quyết chính trong số hàng trăm nghìn phán quyết của Tòa án tối cao đưa ra để phán hành thành ấn phẩm Công báo án lệ. 

Việc phát hành Công báo án lệ chỉ có mục đích phổ biến rộng rãi án lệ của Tòa án tối cao (bao gồm các quan điểm mới) đến cả trong và ngoài Tòa án, chứ không phải là thủ tục phát triển thành án lệ. Cho dù phán quyết của Tòa án tối cao không được nêu trong Công báo án lệ thì cũng không ảnh hưởng tới việc viện dẫn, áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử. Trong thực tiễn xét xử, không có chế định riêng nào nhằm bảo đảm cho việc áp dụng án lệ trong quá trình xét xử. Chỉ có Tòa án cấp trên mới có thể điều chỉnh thông qua cơ chế các cấp xét xử. Và thực tiễn xét xử, các Thẩm phán có truyền thống nghiên cứu không ngừng về án lệ. 

Về áp dụng án lệ trong thực tiễn 

Dù không có hiệu lực ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng trong thực tiễn xét xử, án lệ của Tòa án tối cao có hiệu lực ràng buộc lớn trên thực tiễn. Không tồn tại một chế định riêng nào nhằm bảo đảm việc áp dụng án lệ trong quá trình xét xử. Chỉ có Tòa án cấp trên mới có thể điều chỉnh thông qua cơ chế các cấp xét xử. Việc tra cứu các án lệ mà Tòa án tối cao đã đưa ra về vấn đề tranh chấp tương tự với vụ việc đang giải quyết là một trong những công việc cần thiết của Thẩm phán. Thông thường Thẩm phán đưa ra quan điểm sau khi áp dụng nội dung phán quyết của Tòa án tối cao. 

Nhưng nếu Thẩm phán nhận định rằng, sẽ có kết luận không thỏa đáng khi áp dụng án lệ hoặc cần thay đổi nội dung án lệ thì có thể đưa ra quan điểm một cách tự do mà không phải tuân theo án lệ cho vụ việc này và   trong trường hợp này, Thẩm phán không có nghĩa vụ giải thích lý do không tuân theo án lệ. Tuy nhiên, nếu Thẩm phán giải thích lý do không tuân theo án lệ một cách thuyết phục thì có thể nâng cao khả năng Tòa án cấp trên giữ nguyên phán quyết. Đa số các trường hợp này, Thẩm phán giải thích luận cứ chi tiết hơn so với những trường hợp thông thường. 

Cho dù Thẩm phán tiến hành xét xử không kiểm tra án lệ có thể áp dụng cho vụ việc đang phụ trách, thì bản thân việc này cũng không ảnh hưởng đến sự đánh giá của Thẩm phán cũng như tính đúng sai của phán quyết đó. Tuy nhiên, nếu Thẩm phán nhiều lần đưa ra kết luận sai do không tuân theo án lệ và dẫn đến tình trạng tỷ lệ hủy phán quyết ở Tòa án cấp trên tăng lên thì có thể gây ảnh hưởng xấu đến kết quả đánh giá công việc của Thẩm phán đó. Ở Hàn Quốc, cùng với sự phát triển của xã hội, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, kéo theo sự xuất hiện ngày càng nhiều hình thức giao dịch mới ẩn chứa các thủ đoạn lừa đảo. 

Điều này tạo ra nhu cầu pháp luật phải thường xuyên được sửa đổi và ban hành nhằm đối phó với những trường hợp đó. Để giải quyết vấn đề vừa nêu, khi các vụ án liên tục xuất hiện mà chưa có án lệ của Tòa án tối cao thì các Tòa án có thể áp dụng trực tiếp để giải quyết vụ án, nghĩa là khi hình thành án lệ mới trong trường hợp vừa nêu, án lệ cũng có thể được lựa chọn, áp dụng tương tự hoặc áp dụng mở rộng từ một quan điểm pháp lý vốn đã có trong lĩnh vực tương tự hoặc lựa chọn quan điểm pháp lý của nước ngoài. Có nghĩa là một án lệ không nhất thiết phải được hình thành theo phương thức “sáng tạo mới từ không”. 

Như vậy, điều cần thiết là phải nắm bắt được phạm vi áp dụng vốn có của án lệ và xem xét khả năng áp dụng tương tự hoặc áp dụng mở rộng. Tòa án Hàn Quốc có đội ngũ nghiên cứu viên xét xử làm nhiệm vụ kiểm tra xem án lệ của Tòa án tối cao đồng nhất hoặc tương tự với vụ án đang giải quyết hay không. Công tác kiểm tra xuất phát từ việc phán quyết của Tòa án cấp dưới hoặc phán quyết của Tòa án tối cao được viện dẫn trong tài liệu đương sự đã giao nộp. Khi xem xét, đôi khi có thể nhận thấy sự giống nhau về quan điểm pháp lý được nêu trong các phán quyết. Tuy nhiên, cũng có trường hợp có sự thêm bớt từ ngữ (text), hàm ý theo các tình tiết cụ thể. 

Vì vậy, cần phải áp dụng linh hoạt, đối chiếu kỹ lưỡng các tình tiết trên thực tế và từ ngữ pháp lý được nêu trong các phán quyết. Khi nhận thấy có sự giống nhau của các yếu tố quan trọng về mặt pháp luật giữa án lệ với vụ án đang giải quyết và xét rằng thỏa đáng tại thời điểm đang xem xét thì có thể áp dụng án lệ đó ngay. Khi đưa quan điểm pháp lý trong án lệ vào phán quyết của vụ án đang giải quyết, yêu cầu được đặt ra là phải ghi nhận: 

(a) số vụ án của phán quyết gốc nhằm làm rõ nguồn gốc của án lệ 

(b) số vụ án của phán quyết mới nhất áp dụng quan điểm pháp lý đó với mục đích chứng minh Tòa án tối cao đã liên tục xác nhận tính thỏa đáng của quan điểm pháp lý này. Theo nội dung trên, khi một quan điểm pháp lý nào đó được áp dụng liên tục trong phán quyết của Tòa án tối cao thì được gọi là “án lệ được thiết lập”. 

Trường hợp không tìm được án lệ có thể áp dụng trực tiếp cho vụ án đang giải quyết thì áp dụng án lệ tương tự ví dụ: vụ án dang giải quyết bao gồm các yếu tố a+b+c; Án lệ A đã áp dụng cho một vụ án có các yếu tố a+b+d; Án lệ B áp dụng cho một vụ án có các yếu tố a+c+e...Như vậy, ba vụ án đều có cùng yếu tố a. Nhiệm vụ đặt ra trong trường hợp này là xác định giữa yếu tố b và c yếu tố nào quan trọng hơn. Nếu b là yếu tố quan trọng hơn thì án lệ A sẽ trở thành lệ mang tính định hướng cho việc áp dụng. 

Mặc dù vậy, vẫn cần phải cân nhắc đến điểm khác nhau giữa hai vụ án bên cạnh việc xem xét cách áp dụng quan điểm pháp lý của án lệ B trong vụ án giải quyết. Tòa án tối cao đã nhiều lần đối mặt với những trường hợp tương tự như trên. Để khắc phục khó khăn có thể phát sinh trong các vụ án tương tự ở tương lai, những quan điểm pháp lý hoàn chỉnh (mang tính khép kín) thường có hình thức như “trong trường hợp này thì phải áp dụng như thế nào, trong trường hợp khác thì áp dụng ra sao, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt nào”. 

Qua đó, khi tình tiết và các yếu tố của vụ án bị thay đỏi thì việc áp dụng quan điểm pháp lý có trước sẽ trở nên linh hoạt hơn. Đối với các trường hợp: không tìm được án lệ có thể áp dụng trực tiếp hoặc án lệ của một vụ án tương tự với vụ án đang giải quyết; khi áp dụng án lệ một cách máy móc vào vụ án đang giải quyết, sẽ dẫn đến đưa ra kết quả không thỏa đáng thì phải rà soát, đối chiếu lại với các trường hợp của những nước khác. Dựa trên kiến thức về Luật so sánh, người thực hiện sẽ phân tích vụ án đó theo tiêu chí tìm kiếm những khía cạnh mới trong cách giải quyết. 

Ý nghĩa của hoạt động này nhằm tham khảo cách giải quyết vấn đề của quốc gia đó. Trong trường hợp có nhiều giải pháp phù hợp với một vấn đề pháp lý, điều cần thiết phải thực hiện đó là so sánh để lựa chọn ra một giải pháp tối ưu nhất. Công tác tuyển chọn giải pháp được thực hiện bằng cách phân tích những ưu và khuyết điểm có thể phát sinh khi áp dụng. Giải pháp mang đến nhiều ưu điểm và tồn tại ít khuyết điểm nhất sẽ là lựa chọn cuối cùng. Thẩm phán tối cao là người có thẩm quyền quyết định lựa chọn cuối cùng. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và thế giới quan của Thẩm phán đó. 

Cấu trúc cơ bản của phán quyết của Tòa án tối cao 

Xuất phát từ truyền thống của hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, phán quyết của Tòa án tối cao được soạn thảo theo cấu trúc tam đoạn luận (tiền đề lớn đến tiền đề nhỏ rồi đưa ra kết luận). 

1. Tiền đề lớn: Đưa ra cơ sở pháp lý - giải quyết vấn đề pháp lý:   

1.1. Nêu ra điều khoản cụ thể của văn bản quy phạm pháp luật, quy định của cấp trên, quy định pháp luật liên quan hoặc cơ sở pháp lý vốn chứa đựng vấn đề về việc phân tích, áp dụng. 

1.2. Lập luận: Xem xét các nội dung như: từ ngữ, mục đích, hệ thống pháp luật, tình hình xã hội và tính thỏa đáng của kết quả từ việc áp dụng. 

1.3. Kết luận của vấn đề pháp lý: Ý kiến về việc phân tích, áp dụng pháp luật (án lệ với ý nghĩa hẹp) 

2. Tiền đề nhỏ: Quan hệ sự thật (tình tiết vụ án) 

3. Kết luận của vụ án tương ứng: Quan điểm pháp lý áp dụng vào tình tiết vụ án. 

Nội dung có hiệu lực ràng buộc là “quan điểm về việc phân tích và áp dụng pháp luật trong phán quyết trước đó ( phần 1.3 trên đây) do Tòa án tối cao đưa ra mà không phải là toàn văn phán quyết, đó được gọi là “án lệ” hoặc “quan điểm pháp lý”. “Án lệ” hoặc “quan điểm pháp lý” khi được đề cập, phải được ghi nhận về ngày tuyên án và số vụ án ghi nhận phán quyết của Tòa án tối cao nhằm làm rõ nguồn gốc. 

Phần 1.1 là phần xác định và đưa ra quy phạm sẽ áp dụng cho vụ án đang giải quyết. Phần này tương ứng với “tình hình quy phạm, mạch lạc” để đưa ra quan điểm pháp lý. 

Phần 1.2) giải thích lý do đưa ra quan điểm pháp lý từ 1) đến 3) trên đây. Đây không phải kết luận (quan điểm) mà là một quá trình lập luận nên bản thân nội dung này không có hiệu lực ràng buộc. Tuy nhiên, đây được xem là tài liệu quan trọng bởi: nó cung cấp cho Tòa án cấp dưới cách thức đưa ra quan điểm của Tòa án tối cao, nó cũng là cơ sở để các học giả kiểm chứng mức độ thỏa đáng của quan điểm pháp lý do Tòa án tối cao đưa ra. 

Thông thường phần 1.2) sẽ ghi nhận một cách chi tiết nếu thuộc các trường hợp sau: có sự thay đổi án lệ trước thông qua phán quyết của Hội đồng xét xử lớn Tòa án tối cao, đưa ra quan điểm pháp lý mới khi chưa có tiền lệ hoặc đưa ra quan điểm pháp lý đối với vụ án đặc biệt quan trọng/nghiêm trọng trong xã hội. Ngược lại, nếu tồn tại nhiều án lệ tương tự hoặc nhận thấy kết luận đã rõ ràng thì có thể rút gọn hoặc lược bỏ phần 1.2) 

Phạm vi áp dụng án lệ: 

Phạm vi hiệu lực của án lệ theo nghĩa hẹp (quan điểm của Tòa án tối cao về việc phân tích, áp dụng pháp luật trong một vụ án nhất định) được đánh giá dựa trên: (1) từ ngữ được ghi trong án lệ; (2) tình tiết cụ thể của vụ án mà từ ngữ trong văn bản nhấn mạnh; (3) mối quan hệ với các án lệ tương tự khác có liên quan đến quy định của pháp luật thực định 8.     Để Tòa án cấp dưới áp dụng án lệ của Tòa án tối cao cho một vụ án nhất định, hoặc chính Tòa án tối cao xác nhận án lệ gốc của mình và áp dụng lại cho vụ án nào đó; thì yếu tố quan trọng về mặt pháp lý đó là giữa vụ án đang giải quyết và vụ án trước đó phải đồng nhất hoặc tương tự về mặt bản chất. Nếu đương sự đưa ra quan điểm phải áp dụng án lệ của Tòa án tối cao cho vụ án đang giải quyết, thì điều quan trọng mà đương sự này cần làm là chứng minh có sự đồng nhất hoặc tương tự về mặt bản chất giữa vụ án đang giải quyết và vụ án trước dựa trên yếu tố quan trọng về mặt pháp lý. Ngược lại, nếu Tòa án không áp dụng án lệ đương sự đã viện dẫn cho vụ án đang giải quyết, thì Tòa án có nghĩa vụ phải phân biệt sự khác nhau của các yếu tố quan trọng về mặt pháp lý giữa vụ án đang giải quyết và vụ án trước đó.
---

Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Qưới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Ý nghĩa, chức năng và quá trình phát triển thành “án lệ” trong chế độ pháp luật của Hàn Quốc. Ý nghĩa, chức năng và quá trình phát triển thành “án lệ” trong chế độ pháp luật của Hàn Quốc.
910 1

Bài viết Ý nghĩa, chức năng và quá trình phát triển thành “án lệ” trong chế độ pháp luật của Hàn Quốc.

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »