Quy định pháp luật về kê biên tài sản đang tranh chấp và một số vướng mắc trong quá trình áp dụng

10:30 AM

 Quy định pháp luật về kê biên tài sản đang tranh chấp và một số vướng mắc trong quá trình áp dụng


VANTHONGLAW - Kê biên tài sản đang tranh chấp là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Kê biên tài sản đang tranh chấp được áp dụng khi có căn cứ cho thấy người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản. Khi tài sản bị kê biên sẽ được cơ quan thi hành án dân sự thu giữ, bảo quản hoặc lập biên bản giao cho một bên đương sự hoặc người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án.

Bài liên quan:

Kê biên nghĩa là tạm thời cấm vận chuyển, chuyển đổi, định đoạt hoặc chuyển dịch tài sản của người vi phạm pháp luật. Như vậy, kê biên tài sản được hiểu là việc ghi lại từng tài sản, cấm việc tẩu tán, phá hủy, để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án.

1. Trình tự và điều kiện để Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp

Bước 1: Phải có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Mẫu đơn):

- Trong quá trình giải quyết vụ án: do cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 BLTTDS 2015 yêu cầu để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án (được hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP).

- Nộp đồng thời với đơn khởi kiện: do cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra (được hướng dẫn tại Điều 3 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP).

Bước 2: Tòa án xem xét các điều kiện theo hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời:

- Tài sản đang tranh chấp là đối tượng của quan hệ tranh chấp mà Tòa án đang thụ lý giải quyết;

- Có tài liệu, chứng cứ chứng minh người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản đó.

Ví dụ: Có vi bằng của Thừa phát lại xác định việc người giữ tài sản có hành vi đập phá tài sản đang tranh chấp.

Bước 3: Nếu có đủ điều kiện nêu trên, Tòa án sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản. Thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp kê biên tài sản:

- Trước khi mở phiên tòa: việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do một Thẩm phán xem xét, quyết định.

- Tại phiên tòa: việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.

2. Trách nhiệm của người yêu cầu áp dụng biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp

Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.

Trường hợp Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp mà người yêu cầu yêu cầu hoặc áp dụng không đúng thời hạn hoặc không áp dụng mà không có lý do chính đáng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì Tòa án phải bồi thường.

3. Tài sản không được áp dụng biện pháp kê biên

- Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng;

- Tài sản của cá nhân gồm: Lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu; thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh; vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm; đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương; công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống thiết yếu của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; đồ dùng sinh hoạt thiết yếu;

- Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm: Thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động; nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh; trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

4. Thực tiễn áp dụng và một số vướng mắc trong quá trình áp dụng1

Biện pháp khẩn cấp tạm thời có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong tố tụng dân sự. Ngoài mục đích đảm bảo cho quá trình giải quyết vụ án, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hợp tình, hợp lý còn giúp thực thi hóa pháp luật nói chung và đảm bảo việc thực thi phán quyết của Tòa án nói riêng. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, cũng tồn tại song song đó những mặt tiêu cực do quy định pháp luật còn tồn tại một số bất cập cũng như là một số hạn chế cần được khắc phục, hoàn thiện.

a)   Có sự trùng lặp về mục đích giữa biện pháp “kê biên tài sản đang tranh chấp” và “cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp”

Cụ thể, khoản 1 Điều 120 và Điều 121 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về mục đích của hai biện pháp trên như sau:

Điều 120. Kê biên tài sản đang tranh chấp

1. Kê biên tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản.

Điều 121. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp

Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác.”

Mặc dù pháp luật cho rằng biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp áp dụng trong trường hợp có căn cứ cho thấy người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản; còn biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp áp dụng trong trường hợp nếu có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác. Tuy nhiên, về bản chất, hành vi chuyển dịch quyền về tài sản thực chất cũng là một dạng hành vi nhằm mục đích tẩu tán tài sản. Bên cạnh đó, tài sản khi bị kê biên thì cũng mặc nhiên không thể bị chuyển dịch về quyền tài sản.

Đồng thời, luật quy định chủ thể bị áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản là người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản tranh chấp; còn chủ thể bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp là người giữ tài sản đang tranh chấp. Nhưng trên thực tế, người đang chiếm hữu tài sản đang tranh chấp mà có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản thì cũng cần phải áp dụng biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp. Hơn nữa, “kê biên tài sản” là ghi lại từng tài sản, cấm vận chuyển, chuyển đổi, định đoạt hoặc chuyển dịch tài sản của người vi phạm pháp luật; còn “chuyển dịch quyền về tài sản” là làm thay đổi quyền về tài sản. Do đó, xét về mặt ngôn ngữ thì “kê biên tài sản” có nội hàm rộng hơn và bao trùm cả “cấm chuyển dịch quyền về tài sản”.

b)    Quy định thiếu về chủ thể quản lý tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Như đã được phân tích ở trên, chủ thể bị áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản là người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản tranh chấp; còn chủ thể bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp là người giữ tài sản đang tranh chấp. Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định về chủ thể là chủ sở hữu đối với tài sản đang tranh chấp. Do đó, trong trường hợp chủ sở hữu tài sản đang tranh chấp nhưng đang không chiếm hữu hoặc đang giữ tài sản đang tranh chấp thì không có cơ sở để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

c)     Chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xác định “tài sản đang tranh chấp”

Trên thực tế, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn về việc xác định tài sản đang tranh chấp. Từ đó, dẫn đến trên thực tế tồn tại hai cách hiểu khác nhau:

Cách 1: “Tài sản đang tranh chấp” là tài sản đang bị tranh chấp quyền sở hữu, đang bị đòi lại, bị yêu cầu hoàn trả, không bao gồm tài sản là đối tượng của các giao dịch đang tranh chấp.

Cách 2: “Tài sản đang tranh chấp” được hiểu theo nghĩa rộng hơn bao gồm tài sản đang có tranh chấp về việc ai là người có quyền sở hữu, sử dụng, chiếm hữu và tài sản là đối tượng của các giao dịch đang tranh chấp.

Như vậy, từ những phân tích trên có thể thấy rằng, để áp dụng một cách thống nhất và hiệu quả biện pháp kê biên tài sản nói riêng và các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác nói chung đòi hỏi pháp luật phải có quy định chặt chẽ hơn và bổ sung thêm một số quy định còn thiếu, chưa rõ ràng.

(1) Tham khảo thêm tại bài viết "Khó khăn, vướng mắc qua việc áp dụng một vài biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự và kiến nghị hoàn thiện" của ThS. Thái Chí Bình đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 12 (412), tháng 6/2020.

Bích Trâm
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Quy định pháp luật về kê biên tài sản đang tranh chấp và một số vướng mắc trong quá trình áp dụng Quy định pháp luật về kê biên tài sản đang tranh chấp và một số vướng mắc trong quá trình áp dụng
910 1

Bài viết Quy định pháp luật về kê biên tài sản đang tranh chấp và một số vướng mắc trong quá trình áp dụng

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »