Những lưu ý khi ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật

5:00 PM

  

VANTHONGLAW - Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Chính bởi có vai trò đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp như thế nên theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam, khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Và việc ủy quyền này cần được lưu ý những vấn đề gì, xin mời quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.

Bài liên quan:

            
            1. Văn bản ủy quyền:

Đầu tiên, về hình thức văn bản, theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 thì việc ủy quyền giữa người đại diện theo pháp luật với cá nhân khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật phải được lập thành văn bản. Tuy nhiên, pháp luật về doanh nghiệp nói chung lại không có quy định cụ thể về nội dung cần có trong loại văn bản ủy quyền này là gì gây nên tình trạng khi có tranh chấp phát sinh việc thiếu những nội dung cần thiết như: phạm vi ủy quyền, thời hạn ủy quyền,.... khiến cho việc xác định cơ sở, chứng cứ để giải quyết gặp rất nhiều khó khăn. 

Chính vì vậy, khi lập văn bản ủy quyền các bên có thể tham khảo những nội dung quy định tại Bộ luật dân sự 2015, vì hoạt động ủy quyền cũng được xem như hoạt động dân sự và hoàn toàn có thể tham khảo những quy định cơ bản trong Bộ luật này. Cụ thể, căn cứ tại Mục 13 về Hợp đồng ủy quyền nói riêng và Phần thứ ba về Nghĩa vụ và Hợp đồng nói chung thì các nội dung cần có có thể tham khảo là: Thời hạn ủy quyền, ủy quyền lại, phạm vi ủy quyền, quyền và nghĩa vụ các bên, đơn phương chấm dứt ủy quyền, phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh,...


2. Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật:


Tại khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 ghi nhận rằng dù cho có ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện pháp luật thì người đại diện pháp luật phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền. Như vậy, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải luôn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với doanh nghiệp một cách không gián đoạn. Chính vì thế, cần lưu ý đối với những người đại diện pháp luật khi chọn người để ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình nên có sự chọn lựa kỹ lưỡng, an toàn để có thể hạn chế tối đa phát sinh những thiệt hại cho doanh nghiệp do người được ủy quyền gây ra trong giai đoạn thực hiện việc được ủy quyền.


3. Hướng giải quyết khi hết thời hạn ủy quyền:


Trường hợp hết thời hạn ủy quyền mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau: 

“a) Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;

b) Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.”

Nhìn chung, với vai trò tương đối quan trọng và trách nhiệm phải thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp thì việc cẩn trọng trong việc thực hiện cùng với lựa chọn cá nhân để thực hiện việc ủy quyền nêu trên là vô cùng cần thiết đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trên đây là những lưu ý mà người đại diện pháp luật của doanh nghiệp khi muốn thực hiện việc ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với doanh nghiệp có thể xem xét qua để thực hiện trách nhiệm của mình đối với doanh nghiệp một cách cẩn trọng và chu toàn nhất. 

Ánh Tuyết
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Những lưu ý khi ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật Những lưu ý khi ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật
910 1

Bài viết Những lưu ý khi ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »