Bàn về quyền im lặng trong tố tụng hình sự

5:00 PM

       Bàn về quyền im lặng trong tố tụng hình sự


VANTHONGLAW - Hình phạt được quy định trong pháp luật hình sự được xem là một trong những hình phạt nghiêm khắc nhất và tước đoạt đi một hoặc một số quyền con người của người bị kết án. Do đó, khi buộc tội, kết án một người, cơ quan có thẩm quyền cần phải đảm bảo tuyên án đúng người, đúng tội để tránh xảy ra oan sai. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại khá nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng kết án oan khiến cho người vô tội phải chịu oan sai hằng chục năm có khi là cả đời người. Quyền im lặng ra đời chính là giải pháp hữu hiệu trong vấn đề này với cơ chế trao nhiều quyền hơn cho người bị buộc tội, từ đó giúp họ có thể tự bảo vệ mình và tránh các tình trạng bức cung trong quá trình điều tra.

Bài liên quan:

1. Nguồn gốc quyền im lặng:

Quyền im lặng (Right to remain silent) là một trong các quyền con người được sự quan tâm và thừa nhận rộng rãi của các quốc gia trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Nguồn gốc của “quyền im lặng” được cho là bắt nguồn từ pháp luật Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế, quyền im lặng không phải là một quyền được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật mà được tạo ra trong quá trình tố tụng hình sự và được ghi nhận trong án lệ của Tòa án Tối cao liên bang Hoa Kỳ có tên gọi là Miranda v. Arizona(1)Do đó, quyền im lặng còn được gọi là cảnh báo Miranda.

Chắc hẳn, chúng ta đã từng nghe qua câu nói này “Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa”. Đây là câu nói thường được bắt gặp trong các cảnh phim cảnh sát Mỹ bắt người và câu nói trên cũng chính là thể hiện lời cảnh báo Miranda. Cụ thể, bối cảnh ra đời của quyền im lặng xuất phát từ hai vụ án Gideon kiện Wainwright năm 1963 và vụ Miranda kiện bang Arizona năm 1966.

Theo đó, năm 1961, Clarence Earl Gideon bị bắt giữ vì đã đột nhập vào phòng bỏ phiếu tại Florida. Khi ấy, Gideon yêu cầu Tòa cử một luật sư bào chữa cho ông thì Thẩm phán đã khước từ yêu cầu của ông và nói rằng luật pháp bang chỉ yêu cầu cử Luật sư trong những vụ án liên quan đến cái chết của một người hoặc đòi hỏi một án tử hành. Chính vì thế, Gideon phải tự bào chữa cho mình và cuối cùng bị kết án là có tội. Khi ở trong tù, ông đã dành nhiều thời gian tự nghiên cứu pháp luật. Sau đó, ông đã gửi kiến nghị đến Tòa án Tối cao Hoa Kỳ yêu cầu xem xét trường hợp của mình. Tòa Tối Cao khi đó cho rằng Gideon đã bị tước đi quyền có một cuộc xét xử công bằng và ra quyết định rằng các bang đều phải cung cấp Luật sư cho những người bị tố cáo phạm tội mà không có khả năng thuê luật sư. Một khoảng thời gian sau, Gideon được xử lại với Luật sư bào chữa và kết quả là ông đã được trắng án.

Ba năm sau, vụ án Miranda kiện bang Arizona đã càng khẳng định giá trị mạnh mẽ của quyền im lặng trong tố tụng hình sự của pháp luật Hoa Kỳ. Nội dung vụ án là do Ernesto Miranda bị kết tội ăn cắp và hiếp dâm căn cứ vào một lời thú tội mà Miranda khai với cảnh sát sau hai giờ bị thẩm vấn mà không được thông báo về việc Miranda có quyền yêu cầu sự có mặt của Luật sư. Khi Miranda kiện bang Arizona, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra quyết định là yêu cầu các sĩ quan cảnh sát khi bắt người phải thông báo cho người bị bắt giữ biết về lời cảnh báo Miranda.

Tuy nhiên, năm 1999, một Tòa phúc thẩm liên bang đã không thừa nhận quyết định trên của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trong vụ Dickerson kiện Hợp chủng quốc. Cụ thể, trong vụ án đó, một tên tội phạm cướp nhà băng đã cho rằng hắn không được biết đầy đủ về các quyền của hắn. Do đó, vào tháng 6/2000, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã một lần nữa khẳng định mạnh mẽ về giá trị pháp lý của lời cảnh báo Miranda bằng việc ra quyết định đảo ngược bản án của Dickerson.

Qua đó có thể thấy rằng quyền im lặng trong pháp luật Hoa Kỳ được hiểu như sau:

- Cơ quan điều tra phải thông báo cho người bị buộc tội rằng họ có quyền được im lặng khi xét hỏi, có quyền mời Luật sư trước khi hoạt động thẩm vấn được thực hiện, ngoài ra người bị buộc tội còn có quyền tự nguyện từ bỏ quyền này;

- Mọi sự tự nhận tội của người bị buộc tội đều không có ý nghĩa trước tòa khi quyền im lặng của họ bị xâm phạm.

2. Quyền im lặng trong tố tụng hình sự Việt Nam

Kể từ khi quyền im lặng được công nhận và khẳng định ở Hoa Kỳ đã chứng minh được rằng đây là một quyền quan trọng trong tố tụng hình sự, có tác dụng giúp bảo vệ người bị bắt, người bị tố cáo không bị bức cung, đồng thời đảm bảo được sự xét xử công minh. Do đó, quyền im lặng ngày càng được đông đảo các quốc gia thừa nhận và Việt Nam cũng là một trong số đó. Quyền im lặng lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tuy nhiên không quy định trực tiếp về quyền im lặng mà chỉ quy định về nội dung quyền thông qua những nguyên tắc sau:

- Nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015);

- Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án (Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015);

- Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015);

- Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015);

Ngoài ra, quyền im lặng còn được nội dung hóa trong các quy định về quyền của người bị buộc tội từ Điều 57 đến Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cụ thể như sau: 

Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền:

- Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ;

- Được trình bày lời khai, ý kiến và không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

- Được tự bảo vệ, bào chữa hoặc nhờ người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp hoặc bào chữa cho mình.

Ngoài ra, Thông tư số 46/2019/TT-BCA còn quy định về trách nhiệm của của lực lượng công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về việc giải thích, thông báo quyền nhờ người bào chữa hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội như sau:

- Trong lần đầu tiên lấy lời khai bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích quyền, nghĩa vụ của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và hỏi họ xem có nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hay không, phải ghi ý kiến của họ vào biên bản. Trường hợp họ nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra hướng dẫn họ viết đơn nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Trường hợp họ không nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra giải thích quyền tự bảo vệ;

- Khi tiếp nhận người bị bắt, giao Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Quyết định tạm giữ cho người bị tạm giữ, Quyết định khởi tố bị can cho bị can, người thực hiện lệnh, quyết định, tiếp nhận người bị bắt phải đọc, giải thích rõ về quyền, nghĩa vụ của họ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và ghi vào biên bản giao nhận. Trong biên bản phải ghi rõ ý kiến của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can về việc có nhờ người bào chữa hay không và đề nghị thông báo cho người đại diện, người thân thích để cơ quan có thẩm quyền thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có liên quan đến người đại diện hoặc người thân thích của họ. 

Như vậy, có thể thấy rằng quyền im lặng trong tố tụng hình sự của nước ta không chỉ là quyền được giữ im lặng mà còn có các quyền khác như là:

- Không phải chứng minh bản thân vô tội;

- Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ;

- Được trình bày lời khai, ý kiến;

- Không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

- Được tự bào chữa hoặc người người khác bào chữa.

Từ những quy định trên, ta có thể thấy rằng quyền im lặng trong tố tụng hình được thể hiện được xem là có vai trò to lớn đối với việc hạn chế sự bức cung của cơ quan điều tra, chống oan sai trong xét xử và trao cho người bị buộc tội nhiều quyền hơn để tự bảo vệ chính mình.

(1) Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam (28/5/2022), "Quyền im lặng trong tố tụng hình sự dưới góc nhìn so sánh", Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam.

Bích Trâm
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Bích Trâm
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Bàn về quyền im lặng trong tố tụng hình sự Bàn về quyền im lặng trong tố tụng hình sự
910 1

Bài viết Bàn về quyền im lặng trong tố tụng hình sự

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »