Không ra tay cứu giúp người bị hại mà quay video đăng lên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?

5:00 PM

     Không ra tay cứu giúp người bị hại mà quay video đăng lên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?


VANTHONGLAW - Mạng xã hội hiện nay được xem là công cụ lan truyền thông tin nhanh nhất. Khi có một sự kiện nào đó bị tung lên mạng xã hội thì hầu như tất cả mọi người dùng trên nền tảng xã hội đó đều sẽ dễ dàng tiếp cận được thông tin sự việc một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, những thông tin được lan truyền trên mạng lại là những thông tin không được kiểm chứng, và đôi lúc còn là những thông tin tiêu cực, phản cảm gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.

Bài liên quan:

Vừa qua, trên mạng xã hội đang lan truyền chóng mặt các thông tin cũng như những video ghi lại cảnh hành hung, giết người của hung thủ. Điều đáng nói ở đây là tại hiện trường nạn nhân bị hành hung, có rất nhiều người ở đó chứng kiến, nhưng thay vì tìm cách cứu giúp nạn nhân thì họ dùng điện thoại để quay lại cảnh tượng kinh hoàng và dã man đó tung lên mạng xã hội nhằm mục đích câu like.

Hành vi trên thể hiện sự thờ ơ, vô cảm trước sức khỏe và tính mạng người khác. Ngoài ra, hành vi trên cũng được xem là hành động gián tiếp gây nên thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của nạn nhân trong trường hợp người chứng kiến có đủ khả năng để cứu giúp nạn nhân.

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp người dân chứng kiến nạn nhân đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nhưng không cứu giúp khiến cho nạn nhân không còn cơ hội sống sót. Theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hành vi thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Các khung hình phạt cụ thể như sau:

Khung hình phạt thứ 1: Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với hành vi thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết.

Khung hình phạt thứ 2: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu phạm tội thuộc trường một trong các trường hợp:

- Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

- Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

Khung hình phạt thứ 3: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với trường hợp phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết.

Hình phạt bổ sung: ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi tại khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Như vậy, hành vi quay video cảnh bạo lực, chém giết đăng lên mạng xã hội mà không cứu giúp người bị hại trong trường hợp có đủ điều kiện cứu giúp dẫn đến nạn nhân chết thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời bị xử phạt hành chính.

Nói về thực trạng nhiều người có mặt tại hiện trường, chứng kiến nạn nhân bị tai nạn nhưng không ra tay cứu giúp mà đứng quay video, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bức xúc cho rằng: “Đây là hành động không có tình người, thể hiện sự vô cảm đến tột cùng. Đây cũng không phải lần đầu, trước đó có nhiều vụ học sinh bị đánh hội đồng, nhưng vẫn có nhiều người đứng ngoài quay clip, thậm chí phát trực tiếp trên mạng xã hội mà không hề can ngăn”

Cùng trao đổi vấn đề này, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên), Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu: “Thực sự đây là điều rất đáng buồn, giá như có sự can thiệp sớm hơn, có lẽ vụ việc đã không thương tâm đến vậy và cũng giảm được sự kích động về mặt tinh thần của đối tượng, hoặc ít ra nạn nhân sẽ không cảm thấy mình quá cô đơn đến tuyệt vọng khi trong hoàn cảnh nguy hiểm và không nhận được sự can thiệp, giúp đỡ”, ông Nghĩa còn cho rằng hành động này xuất phát từ chính tâm lý “vô can, né tránh” hoặc sợ hãi khi thấy đối tượng sử dụng hung khí, sợ bản thân gặp phải rủi ro nếu can thiệp.

Từ thực tiễn trên, có thể thấy rằng sự quan tâm đến sức khỏe tinh thần là cần thiết trong xã hội ngày nay. Theo đó, Nhà nước và xã hội cần đặc biệt quan tâm hơn đến việc giáo dục các thanh thiếu niên có tinh thần lạc quan, tích cực để hạn chế sự kích động về tinh thần. Ngoài ra, gia đình và nhà trường cũng cần phải chú trọng hơn đến các vấn đề về tâm sinh lý của giới trẻ để có hướng giáo dục, giải quyết các vấn đề tâm lý xảy ra trong độ tuổi bốc đồng, chưa chín chắn nhằm tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra như các vụ việc xảy ra trong khoảng thời gian gần đây.

Bích Trâm
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Không ra tay cứu giúp người bị hại mà quay video đăng lên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào? Không ra tay cứu giúp người bị hại mà quay video đăng lên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?
910 1

Bài viết Không ra tay cứu giúp người bị hại mà quay video đăng lên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »