Thẩm quyền của trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp

12:00 AM
VANTHONGLAW.COM - Ngày nay, trong một xã hội bận rộn và năng động, hoạt động kinh doanh và mục tiêu phát triển kinh tế trở thành một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng cũng như được xã hội quan tâm đặc biệt. Khi phát triển, những bất đồng bắt đầu phát sinh và có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa những người hoạt động kinh doanh với nhau. Theo truyền thống, các tranh chấp trong xã hội sẽ được giải quyết tại cơ quan Tòa án, tuy nhiên, vì tính chất quan trọng của các hoạt động kinh doanh đóng góp cho sự phát triển và giàu có của xã hội, một hình thức giải quyết tranh chấp khác đã ra đời: giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Như vậy, một vấn đề sẽ nảy sinh, là thẩm quyền của Tòa án và Trọng tài sẽ được quy định như thế nào?
Bài liên quan

Trước hết, cần phân biệt rõ phạm vi thẩm quyền của Tòa án và Trọng tài thương mại (TTTM). Tòa án là cơ quan tối cao giải quyết tất cả các tranh chấp của xã hội và là cơ quan có quyết định cuối cùng buộc các bên phải thi hành. Đối với trọng tài và cụ thể là trọng tài thương mại, đây là tổ chức chỉ giải quyết duy nhất một loại tranh chấp là tranh chấp về thương mại, do đó, tên gọi chính thức và duy nhất của tổ chức trọng tài là "Trọng tài thương mại". Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài có một cơ chế tố tụng riêng và nếu trình tự, thủ tục này được thực hiện đúng sẽ có hiệu lực thi hành bắt buộc như bản án, quyết định của Tòa án. Vì vậy, điểm khác biệt cơ bản trước hết giữa Tòa án và Trọng tài thương mại chính là phạm vi giải quyết của Tòa án là toàn bộ các vấn đề của xã hội, còn TTTM chỉ giải quyết các vấn đề về thương mại.

Thứ hai, các bên khi tham gia hoạt động thương mại nếu muốn để tổ chức trọng tài là nơi giải quyết tranh chấp thì ý muốn này phải được thể hiện thông qua một văn bản có nội dung chính thức về việc yêu cầu tên chính xác một tổ chức TTTM là nơi giải quyết tranh chấp. Thông thường, điều này được gọi là thỏa thuận trọng tài và được thể hiện bằng một điều khoản cụ thể trong hợp đồng do các bên ký kết với nhau. Điều này thể hiện bản chất vấn đề giải quyết tranh chấp của trọng tài. Trọng tài chỉ tham gia giải quyết tranh chấp khi có sự thỏa thuận chính thức giữa các bên tức là ý chí chọn lựa của các bên và Tòa án sẽ từ chối giải quyết tranh chấp nếu các bên đã thỏa thuận chính xác về vấn đề này. Là một thỏa thuận - nên các bên buộc phải tôn trọng và chấp hành, đó cũng chính là nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

Thứ ba, thỏa thuận trọng tài rất phù hợp với bản chất của hoạt động thương mại và phán quyết trọng tài có giá trị như bản án phúc thẩm để thi hành. Vì vậy, khi bắt đầu giải quyết tranh chấp, một trong những thủ tục tố tụng trọng tài đầu tiên mà các bên phải thực hiện là lựa chọn trọng tài viên cho riêng mình. Việc lựa chọn trọng tài viên là bắt buộc và nếu không thực hiện việc này, hiệu lực của thỏa thuận trọng tài vẫn không bị mất mà ngược lại sẽ là phần nào đó bất lợi cho bên không lựa chọn. Vì có thể ví von trọng tài viên như chính người của mỗi bên tham gia vào hội đồng trọng tài để giải quyết tranh chấp. Tất nhiên trọng tài viên vẫn tuân theo pháp luật và sự thật khách quan của vụ án, nhưng nếu có sự tin tưởng ngay từ đầu, các bên sẽ có thể trình bày nhiều vấn đề hơn nhằm giải quyết tốt nhất tranh chấp của mình.

Lý do để các bên tham gia hoạt động thương mại lựa chọn tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp, là vấn đề thời gian. Trong vấn đề thời gian, các yếu tố về thủ tục được rút gọn tối đa có thể dựa trên nỗ lực tham gia giải quyết tranh chấp giữa các bên. Theo đó, khi đã lựa chọn trọng tài là nơi giải quyết tranh chấp, các bên phải nắm rõ quy trình tố tụng trọng tài và các cách thức giải quyết tranh chấp như thụ lý đơn, gửi đơn, hồ sơ, chọn trọng tài viên, trình bày chứng cứ, thi hành phán quyết... Chính việc rút gọn các vấn đề này trên tinh thần bắt buộc các bên tôn trọng thỏa thuận lựa chọn trọng tài phải tích cực thực hiện trong thời gian nhanh nhất, sẽ giúp việc giải quyết tranh chấp được diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm thời gian - là tài sản quý nhất của hoạt động thương mại.

Mặc dù vậy, cần lưu ý vấn đề rằng Tòa án với vai trò của cơ quan tối cao giải quyết toàn bộ các tranh chấp của xã hội vẫn có một cơ chế để xem xét về phán quyết của trọng tài. Tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010, pháp luật quy định về việc Tòa án sẽ hủy các phán quyết của TTTM nếu những phán quyết này vi phạm các điều khoản trong điều luật này. Ngoài ra, tại Điều 69 LTTTM 2010 quy định về cơ chế thi hành phán quyết của trọng tài thông qua cơ quan Thi hành án dân sự. Những quy định này đã thể hiện vai trò của Tòa án đối với các phán quyết của trọng tài nếu có sai sót hoặc đủ điều kiện thi hành.

LUẬT VẠN THÔNG
Thẩm quyền của trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp Thẩm quyền của trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp
910 1

Bài viết Thẩm quyền của trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »