Bình luận án lệ 04/2016/AL: Về sự ưng thuận trong giao dịch dân sự

12:00 AM
Công ty luật, luật sư uy tín, sách luật, văn phòng luật sư tphcm, hà nội, đà nẵng, uy tín, tranh chấp, di chúc thừa kế, nhà đất, thành lập doanh nghiệp, bảo vệ tại tòa án, lý lịch tư pháp, sách luật hay, thư viện trường học, ly hôn, phần mềm quản lý công ty luật, bình luận án lệ

VANTHONGLAW.COM - Ý chí chủ thể là một trong những điều kiện quan trọng quyết định hiệu lực của một giao dịch dân sự.

Đối với những giao dịch liên quan đến tài sản chung, sự đồng thuận giữa các đồng sở hữu chủ là điều không thể thiếu. Trong một số trường hợp nhất định, pháp luật quy định về hình thức cụ thể đối với sự thỏa thuận giữa các chủ sở hữu. Khó khăn đặt ra khi giao dịch được xác lập mà không thỏa mãn yêu cầu về hình thức của sự đồng thuận. Việc tìm hiểu nội dung Án lệ số 04/2016/AL sẽ phần nào giải quyết vấn đề kể trên.

Xem nội dung Án lệ số 04/2016/AL - Về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” tại đây

Bài liên quan
>>> Thủ tục Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng.
>>> Phân biệt tài sản chung, riêng của vợ chồng trước và sau khi kết hôn
>>> Các quy định về thừa kế trong Bộ Luật dân sự năm 2015
>>> Mua bán nhà đất bằng vi bằng là gì? Nhà nước có cấm không?
>>> Lập di chúc như thế nào để đúng luật năm 2021

1. Dẫn nhập 

Xét ở khía cạnh lịch sử, tài sản chung và định đoạt tài sản chung của vợ chồng là nội dung khó trong pháp luật. “Bộ luật nhà Lê cũng như luật Gia Long đều không đề cập đến vấn đề quản trị tài sản gia đình” và với tư cách gia trưởng người chồng có quyền quản trị và có cả quyền sử dụng. Dần dần về sau, khi thực hiện các hành vi sử dụng, người chồng cần phải có sự thỏa thuận, hoặc minh thị hoặc mặc nhiên của người vợ.[1] 

Ở thời kỳ Pháp thuộc, chúng ta có 03 Bộ luật điều chỉnh quan hệ dân sự ở 03 miền với những nội dung khác nhau liên quan đến tài sản của vợ chồng. Cụ thể, ở miền Nam, chúng ta có Bộ Dân luật giản yếu 1883 nhưng “riêng về tài sản trong gia đình thì tập giản yếu không nói gì đến hôn sản, di sản và tự sản” nên “án lệ tại Nam phần đã thay đổi nhiều lần, khi thì công nhận người vợ có tài sản riêng, khi thì cho rằng tất cả tài sản của gia đình thuộc quyền sở hữu duy nhất của người chồng. Tùy theo án lệ chấp nhận hay không chấp nhận người đàn bà có của riêng, quyền quản trị trên tài sản gia đình sẽ thay đổi khác nhau”.[2] 

Ở miền Bắc và miền Trung, thời kỳ Pháp thuộc có Bộ Dân luật Bắc kỳ và Bộ Dân luật Trung kỳ trong đó Điều 106 Bộ luật thứ nhất và Điều 104 Bộ luật thứ hai ghi nhận “nếu hai vợ chồng không có lập hôn ước riêng, thì hai người sẽ theo chế độ cộng đồng toàn sản bao gồm cả của cải và hoa lợi của chồng cũng như của vợ”. Theo hai Bộ luật vừa nêu (lần lượt ở Điều 109 và Điều 107), “ngoài công việc quản trị thông thường, vợ chồng chỉ có thể sử dụng của cải chung với nhau hoặc với sự ưng thuận công nhiên hay mặc nhiên của cả hai người”.[3]  

Sau khi giành được độc lập, chúng ta đã có một đạo luật về hôn nhân và gia đình trong đó có quy định về tài sản chung của vợ chồng. Cụ thể, theo Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, “vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”. Về sau, chúng ta có Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, năm 2000 và năm 2014. Ở các đạo luật này cùng với Bộ luật Dân sự, chúng ta có quy định về tài sản chung và sự bình đẳng giữa vợ chồng trong định đoạt tài sản chung. Trong thực tế, khi áp dụng các quy định về định đoạt tài sản chung của vợ chồng, chúng ta gặp một số khó khăn trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập giao dịch mà không có sự tham gia của người còn lại trong giao dịch. 

Chính vì vậy, Án lệ số 04/2016/AL (sau đây viết ngắn là Án lệ số 04) rất đáng lưu tâm và, để hiểu rõ về giá trị của án lệ, chúng ta điểm lại tình tiết hình thành án lệ: Việc chuyển nhượng nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng ông Ngự, bà Phấn (bên bán) diễn ra năm 1996 và ông Tiến, bà Tý (bên mua) đã trả đủ tiền, nhận nhà đất, tôn nền đất, sửa lại nhà và cho các cháu đến ở trong khi đó gia đình ông Ngự, bà Phấn vẫn ở trên diện tích đất còn lại, liền kề. Sau khi bán nhà, đất, ông Ngự và bà Phấn đã phân chia vàng cho các con và có thời điểm ông Ngự còn viết “giấy cam kết” có nội dung mượn lại phần nhà đất đã sang nhượng để ở khi xây dựng lại nhà trên phần đất còn lại. Khi các bên có tranh chấp, ông Ngự, bà Phấn yêu cầu hủy hợp đồng chuyển với lý do “việc ký hợp đồng, nhận tiền mua bán nhà, đất chỉ do ông Ngự thực hiện, bà Phấn là vợ không biết”.  

Toà án nhân dân tối cao đã giám đốc thẩm vụ việc trên và từ quyết định giám đốc thẩm đã hình thành Án lệ số 04 với hai nội dung xoay quanh sự ưng thuận (đồng ý) của người còn lại.  I- Xác định sự ưng thuận của người còn lại 

2. Đòi hỏi phải có sự thỏa thuận của vợ chồng 

Giao dịch chuyển nhượng diễn ra (năm 1996) ở thời điểm Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 đang có hiệu lực và Luật này đòi hỏi phải có sự “thỏa thuận” của vợ chồng.  Cụ thể, Điều 15 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định: “Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản chung. Việc mua bán, đổi, cho, vay, mượn, và những giao dịch khác có quan hệ đến tài sản mà có giá trị lớn thì phải được sự thỏa thuận của vợ, chồng”. 

Cụ thể hơn, điểm a Mục 3 Nghị quyết số 01/1988/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo hướng “những việc mua, bán, cho hoặc vay, mượn và những giao dịch khác có quan hệ đến tài sản có giá trị lớn (như: nhà ở, gia súc chăn nuôi như trâu, bò, tư liệu sinh hoạt có giá trị lớn như máy thu hình, tủ lạnh, xe máy…) thì phải có sự thỏa thuận của cả hai vợ chồng”. Đòi hỏi sự ưng thuận của vợ chồng tiếp tục được duy trì trong các Luật Hôn nhân và gia đình sau đó. Thực tế, khoản 3 Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và khoản 1 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 lần lượt quy định “việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thỏa thuận” và “việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận”.     

Như vậy, văn bản đòi hỏi sự “thỏa thuận” của vợ và chồng khi định đoạt tài sản chung như nhà, đất trong vụ việc được bình luận. Thực ra, hướng đòi hỏi sự thỏa thuận của vợ chồng không phải là đặc thù của Việt Nam vì nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới cũng theo hướng này như Canada,[4] Mỹ,[5] Pháp (Điều 215,[6] Điều 1424[7] Bộ luật Dân sự Pháp).  

3. Xác định sự ưng thuận của người còn lại 

Với quy định trên, việc định đoạt tài sản chung như trong vụ việc được phân tích đòi hỏi phải có sự “thỏa thuận” của cả vợ và chồng nên khi vợ hay chồng định đoạt tài sản chung cho người khác thì cần có sự ưng thuận (đồng ý) của người còn lại. Trong vụ việc được phân tích, chỉ có ông Ngự xác lập giao dịch chuyển nhượng, không có sự tham gia của bà Phấn (vợ) nên, để hợp pháp, cần có sự ưng thuận của bà Phấn để đáp ứng yêu cầu cần có sự “thỏa thuận” của vợ và chồng.  

Trong vụ việc tạo lập Án lệ số 04, khi nhà đất được chuyển nhượng bởi người chồng, người vợ không thể hiện ý chí một cách minh thị trong hợp đồng chuyển nhượng (như không ký tên hay điểm chỉ trên văn tự chuyển nhượng). Tuy nhiên, tình tiết vụ việc cho thấy bà Phấn biết có việc chuyển nhượng và nội dung Án lệ số 04 cũng khẳng định điều này vì chúng ta thấy nêu “việc bà Phấn khiếu nại cho rằng ông Ngự chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng bà Tý bà không biết là không có căn cứ”. Việc án lệ xác định người còn lại (vợ, bà Phấn) “biết” giao dịch do một người xác lập (chồng, ông Ngự) như nêu trên là hoàn toàn thuyết phục vì người còn lại này sống ngay bên cạnh nhà đất được chuyển nhượng trong khi đó người nhận chuyển nhượng đã tiến hành một loạt các hành vi thể hiện vai trò của chủ sở hữu đối với phần tài sản nhận chuyển nhượng như “tôn nền đất, sửa lại nhà và cho các cháu đến ở”. 

Tuy nhiên, biết giao dịch do chồng xác lập chưa đủ để khẳng định vợ đã thống nhất với chồng (tương tự như vậy trong trường hợp vợ xác lập giao dịch) vì nếu biết mà phản đối ngay thì không thể coi là có “thỏa thuận”.  Do đó, vấn đề đáng quan tâm là người còn lại có “đồng ý” với giao dịch do người kia xác lập hay không khi biết có sự tồn tại của giao dịch. Án lệ số 04 đã theo hướng có sự đồng ý của người còn lại vì đã khẳng định “có cơ sở xác định bà Phấn biết có việc chuyển nhượng nhà, đất giữa ông Ngự với vợ chồng ông Tiến và bà Tý, bà Phấn đã đồng ý”. Ở đây, yếu tố thể hiện sự “đồng ý” của người còn lại tập trung vào việc bà Phấn ngoài việc “biết” giao dịch còn “đã phân chia vàng cho các người con” và sử dụng phần nhà đất đã chuyển nhượng với vai trò “người mượn”, tức đã thừa nhận người nhận chuyển nhượng là chủ sở hữu.  

4. Tác động của án lệ trong xác định sự ưng thuận 

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp giao dịch chuyển nhượng được xác lập mà thiếu đi chữ ký của vợ hay chồng và vụ việc tạo thành Án lệ số 04 là một ví dụ điển hình. Trước hoàn cảnh trên, để đảm bảo quyền lợi giữa các chủ thể có liên quan và tính ổn định của giao dịch dân sự, Tòa án nhân dân tối cao đã xác định ý chí của người còn lại (người không tham gia trực tiếp vào giao dịch) thông qua những sự kiện liên quan đến việc thực hiện giao dịch. Theo tinh thần của Án lệ số 04, trong trường hợp theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản của vợ chồng phải do cả hai cùng thỏa thuận mà một bên không thể hiện sự đồng ý trong văn bản thể hiện giao dịch nhưng sau đó có căn cứ cho thấy người này biết và không phản đối đồng thời triển khai các công việc phát sinh từ giao dịch thì được xem là đồng ý. 

Ở đây, sự không tham gia trực tiếp của người vợ hay chồng vào giao dịch do người kia xác lập không đồng nghĩa với không có sự đồng thuận của người không trực tiếp tham gia và tất cả còn phụ thuộc vào hoàn cảnh. Với Án lệ số 04, sự hiện diện về mặt vật lý cũng như việc ưng thuận đồng thời ở cùng một thời điểm và trong cùng một văn bản không cần thiết nếu có căn cứ xác định họ thực sự đồng ý với giao dịch. Hướng này tạo ra sự an toàn pháp lý cho các giao dịch đồng thời hạn chế được sự tự mâu thuẫn của người không trực tiếp tham gia vào giao dịch.     

Thực ra, hướng nêu trên của Án lệ số 04 không xa lạ trên thế giới. Vụ án sau đây ở nước ngoài cho thấy hướng trong Án lệ số 04 cũng tồn tại trong thực tiễn xét xử nước ngoài và điều này càng cho thấy tính thuyết phục của Án lệ. Cụ thể như sau: trong một văn tự năm 1976 có nội dung vợ chồng Brunet bán cho ông Sivignon một căn nhà ở nhưng trong giao dịch chỉ có chữ ký của người chồng (ông Brunet). Sau đó bà Brunet (vợ ông Brunet, người không có chữ ký trong giao dịch) yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán vô hiệu nhưng không được Tòa án địa phương chấp nhận. 

Khi xem xét giám đốc thẩm, Tòa án tối cao Pháp đã chấp nhận hướng giải quyết của Tòa địa phương (Tòa thượng thẩm Besancon) vì “Tòa thượng thẩm đã xem xét nhân chứng thể hiện bà Brunet đã biết rõ việc mua bán, cả điều kiện mua bán, và bà ấy đã mời những người muốn thuê nhà gặp chủ sở hữu mới, vợ chồng ông bà Sinvigon, sau khi nêu mức tiền thuê do chủ sở hữu mới đưa ra nên đã khẳng định chính xác tồn tại việc chấp thuận giao dịch”.[8] Khi bình luận quyết định giám đốc thẩm vừa nêu, một tác giả đã viết rằng ở đây “chỉ có chữ ký của người vợ bị thiếu. Giải pháp như vậy cần được ủng hộ”.[9]  

Nội dung Án lệ số 04 đề cập tới đánh giá sự tồn tại của ưng thuận của vợ hay chồng đối với giao dịch do chồng hay vợ xác lập. Tuy nhiên, không có lý do gì mà không theo hướng xác định tương tự đối với trường hợp đánh giá sự ưng thuận của người không là vợ chồng vì đây là vấn đề xác định có hay không có sự ưng thuận của một chủ thể nên không là đặc thù riêng chỉ dành cho vợ, chồng. Trong thực tế trên cơ sở Án lệ số 04, Tòa án đã theo hướng vừa nêu khi đánh giá sự ưng thuận của người con người xác lập giao dịch (tức áp dụng cho cả trường hợp không là vợ chồng). Chẳng hạn, theo một bản án, “các con của ông I và bà Nh cho rằng không biết việc ông bà chuyển nhượng đất cho ông A là không có cơ sở. Bởi lẽ khi ông A xây dựng chuồng trại chăn nuôi trên đất gia đình bà Nh không ai có ý kiến gì, năm 2014 chính anh S xây một bức tường làm ranh giới giáp với phần đất đã chuyển nhượng cho ông A về phía đông nam (BL 93-94). 

Tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện theo ủy quyền của anh S xác nhận nội dung này. Tại biên bản xác minh ngày 09/3/2017, Ủy ban nhân dân xã T cung cấp sau khi nhận chuyển nhượng, ông A xây chuồng nuôi lợn, bà Nh và các con không ai có ý kiến gì. Năm 2014, ông A và bà Nh làm thủ tục chuyển nhượng để ông A được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gia đình bà Nh không ai có ý kiến gì (BL 88). Điều này phù hợp với Án lệ số 04/2016/AL ngày 06/4/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”.[10]  

II- Hình thức thể hiện sự ưng thuận của người còn lại 

5. Yêu cầu thể hiện bằng văn bản  

Phần trên đã cho thấy sự cần thiết có sự thỏa thuận của vợ chồng và việc xác định sự tồn tại của thỏa thuận này (thông qua việc một người xác lập giao dịch và người còn lại đồng ý). Sự  thỏa thuận này có thể cùng thể hiện trong một giao dịch nhưng cũng có thể tồn tại không cùng lúc, không trên cùng một văn tự giao dịch, tức sự ưng thuận của mỗi bên có thể được thể hiện dưới hình thức khác nhau.  Liên quan đến hình thức thể hiện sự ưng thuận, quy định đòi hòi hình thức văn bản. Cụ thể, khi cụ thể Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, điểm a Mục 3 Nghị quyết số 01/1988/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo hướng “nếu là việc mua, bán, cầm cố tài sản mà pháp luật quy định phải có hợp đồng viết (như việc mua, bán nhà) thì vợ và chồng đều phải ký vào hợp đồng và nếu chỉ có một bên ký thì phải có sự uỷ nhiệm của vợ, chồng cho mình ký thay”. 

Ở đây, đòi hỏi vợ và chồng “ký” vào giao dịch cho thấy quy định đòi hỏi việc ưng thuận phải được thể hiện dưới dạng văn bản. Thực tế, đòi hòi này còn được duy trì trong Nghị định áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, cụ thể là khoản 1[11] và khoản 2[12] Điều 4 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001. Yêu cầu thỏa thuận thể hiện dưới dạng văn bản còn được luật hóa trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 tại khoản 2 Điều 35. Theo đó, “việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: 

a) Bất động sản; 

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; 

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”.  

Thực ra, yêu cầu sự ưng thuận của vợ chồng bằng văn bản đã tồn tại trong Bộ dân luật Bắc kỳ và Bộ dân luật Trung kỳ được nêu ở trên. Ở đây, “đối với những hành động quan trọng thì sự ưng thuận hay cho phép của chồng phải làm bằng giấy tờ: đó là việc cho, chuyển dịch, cầm cố bất động sản, thủ đắc hữu thường hay vô thường (DLB 102; DLT 101)”.[13]     

6. Không có văn bản thể hiện sự ưng thuận 

Nội dung trên cho thấy pháp luật về hôn nhân và gia đình đòi hỏi sự thỏa thuận của vợ chồng phải thể hiện dưới dạng “văn bản” và việc đòi hỏi hình thức này nhằm tạo ra sự an toàn cho các giao dịch, nhất là khi cần chứng minh sự tồn tại thỏa thuận. Thực tế, nếu đòi hỏi trên là hợp lý và cần thiết để bảo vệ quyền lợi của vợ, chồng (với tư cách là đồng sở hữu chủ) và chủ thể thứ ba có liên quan thì chính đòi hỏi này lại tạo ra sự bất ổn đối với trường hợp sự thỏa thuận của vợ chồng không được thể hiện dưới dạng văn bản như trong vụ việc được bình luận. Bởi lẽ, chúng ta đã xác định có sự “đồng ý” của vợ nhưng sự “đồng ý” này không được thể hiện dưới dạng văn bản. Đối với trường hợp như vừa nêu, cần phải xử lý như thế nào? Giá trị của giao dịch do vợ hay chồng xác lập có bị ảnh hưởng không?  

Các tài liệu liên quan đến chủ đề đang được phân tích không thực sự đầu tư vào câu hỏi trên. Chẳng hạn, trong một tài liệu công bố năm 2004,[14] chúng ta thấy nêu “trong trường hợp người chồng không đạt được sự thỏa thuận với vợ thì hợp đồng dân sự bị coi là vô hiệu, không có giá trị pháp lý” nhưng không thấy đề cập tới hệ quả của việc có sự ưng thuận nhưng thiếu văn bản thể hiện sự ưng thuận. Tương tự, trong một tài liệu được công bố năm 2016, chúng ta thấy viết[15] “…trong trường hợp thiếu sự thống nhất ý chí của một bên vợ hoặc chồng thì bên còn lại có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu” và cũng không thấy đề cập đến trường hợp có sự ưng thuận (đồng ý) nhưng thiếu văn bản thể hiện sự ưng thuận. Về phía mình, Nghị quyết số 01/1988/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đòi hỏi “văn bản” nhưng không cho biết chế tài khi có sự ưng thuận nhưng thiếu sự “văn bản” thể hiện sự ưng thuận. Án lệ số 04 không thực sự rõ về nội dung này vì chỉ tập trung vào xác định có sự ưng thuận (chính xác là “đồng ý”) hay không của người còn lại. 

Tuy nhiên, nếu thừa nhận sự đồng ý của người còn lại thông qua việc biết và không phản đối cùng với việc sử dụng tiền thu được từ giao dịch (nói cách khác là “ngầm” đồng ý) mà đòi hỏi sự đồng ý này phải thể hiện dưới dạng văn bản là tự mâu thuẫn. Do đó, cần hiểu rằng Án lệ số 04 đã ngầm thừa nhận sự ưng thuận không cần phải thể hiện bằng văn bản, sự ưng thuận trong thực tế là đủ.[16] Thực tế, Tòa án địa phương đã theo hướng chấp nhận giao dịch mặc dù không thấy sự đồng ý của người còn lại được thể hiện bằng văn bản khi áp dụng Án lệ số 04. Chẳng hạn, ngày 26/12/1992, ông Đặng Xuân B chuyển nhượng diện tích đất 294,3m2 cho ông Bùi Thanh V, ông V trả đủ tiền, ông B giao đất, đầu năm 1993 ông V làm nhà sử dụng ổn định không có ai tranh chấp. Đến ngày 22/7/1999, ông V lại chuyển nhượng cho vợ chồng bà Đ, vợ chồng bà Đ sử dụng ổn định đến năm 2016 và trong thời gian này vợ chồng bà Đ có yêu cầu vợ chồng ông B, bà P hoàn tất thủ tục sang tên cho vợ chồng bà Đ không thông qua ông V nữa. Vợ chồng ông B, bà P đã giao các loại giấy tờ gốc về cấp đất của ông B, chứng minh nhân dân và hộ khẩu của mình cho bà Đ từ năm 2006. 

Từ đó, Tòa án đã xét rằng “có cơ sở xác định bà P có biết việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông B với ông V, giữa ông V với vợ chồng bà Đ. Căn cứ vào án lệ số: 04/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06/4/2016 và được công bố theo Quyết định số: 220/QĐ-CA ngày 06/4/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giữa ông Đặng Xuân B với ông Bùi Thanh V, giữa ông Bùi Thanh V với vợ chồng bà Bùi Thị Đ và ông Lê Mạnh H có hiệu lực. Việc Ủy ban nhân dân thành phố M cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Đặng Xuân B và bà Nguyễn Thị P là không đúng với quy định của pháp luật. Bởi vì tại thời điểm cấp GCNQSDĐ cho ông Đặng Xuân B và bà Nguyễn Thị P đối với diện tích đất nói trên, gia đình ông V đã làm nhà và các công trình phụ sử dụng ổn định từ 1992. Đến năm 1999 thì chuyển nhượng cho gia đình bà Đ, gia đình bà Đ sử dụng ổn định, nộp thuế đầy đủ được chính quyền địa phương xác nhận. 

Do vậy đơn kháng cáo của bà Bùi Thị Đ là có căn cứ cần chấp nhận. Bác toàn bộ đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị P về việc yêu cầu vợ chồng bà Bùi Thị Đ và ông Lê Mạnh H giao trả lại diện tích đất 294,3m2”.[17]  

Qua phân tích, nội dung của Án lệ số 04 đề cao việc tôn trọng ý chí đích thực của chủ thể hơn là đặt nặng vấn đề về hình thức thể hiện ý chí đó và một người không thể viện dẫn vi phạm về hình thức để phủ nhận ý chí của mình. Ở đây, sự không hoàn thiện về hình thức (không có văn bản thể hiện sự thỏa thuận, đồng ý của bên còn lại) không cho phép phủ nhận sự tồn tại và giá trị của sự ưng thuận (đồng ý) nếu tồn tại căn cứ khác cho thấy sự ưng thuận (đồng ý) đó. Trong trường hợp này, Án lệ số 04 đã thể hiện đường lối xử lý thỏa đáng và có tác động tích cực trước việc quy định đòi hỏi thái quá các giao dịch phải thể hiện dưới dạng văn bản. 

Thực ra, việc không đòi hỏi sự ưng thuận phải thể hiện bằng văn bản để chấp nhận giá trị của sự ưng thuận không là đặc thù của Việt Nam và ở nước ngoài thì thực tiễn xét xử cũng theo hướng vừa nêu.  Để hiểu rõ hơn, chúng ta nghiên cứu vụ việc sau: Bà Pierre trên danh nghĩa cá nhân và chồng mình lập ủy quyền cho đại diện một tổ chức bất động sản để bán căn nhà nhưng trong ủy quyền này không có chữ ký của ông Pierre. Sau đó, phía ông Pierre phản đối giao dịch với lập luận rằng, trên cơ sở Điều 215 Bộ luật dân sự đòi hỏi “vợ chồng không thể định đoạt mà không có người còn lại” (đã nêu ở trên) cần có sự ưng thuận bằng văn bản. Tuy nhiên, lập luận đó đã không được Tòa án tối cao Pháp đồng ý. Bởi lẽ, Tòa án tối cao Pháp đã xét rằng “Điều 215 Bộ luật Dân sự không đòi hỏi rằng sự ưng thuận của vợ chồng được thể hiện bằng văn bản đối với giao dịch định đoạt nhà ở của gia đình, chỉ cần sự ưng thuận này chắc chắn là đủ”.[18] Theo một tác giả, “giải pháp này là thuyết phục vì nó cho phép loại bỏ sự không thiện chí của các cặp vợ chồng (dựa vào việc thiếu chữ ký của một người đôi khi để che giấu việc rút lại ý định sau này”.[19]  

7. Phạm vi ảnh hưởng của án lệ liên quan đến hình thức 

Án lệ số 04 được ban hành trên cơ sở tình tiết được điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 và câu hỏi đặt ra là hướng đó có được áp dụng đối với tình tiết tương tự được điều chỉnh bởi văn bản khác Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 không? Phần trên đã cho thấy Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có Nghị định số 70/2001/NĐ-CP hướng dẫn. Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP theo hướng “trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà không có sự đồng ý của một bên, thì bên đó có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu”. Ở đây, giao dịch vô hiệu khi “không có sự đồng ý của một bên” trong khi đó ở tình huống trong Án lệ số 04 đã có sự đồng ý của người còn lại nên không vô hiệu cho dù sự đồng ý này không được thể hiện bằng văn bản (quy định vừa nêu chỉ áp dụng vô hiệu cho trường hợp thiếu sự đồng ý chứ không áp dụng cho thiếu hình thức văn bản). Do đó, Án lệ số 04 hoàn toàn có thể được áp dụng đối với giao dịch tương tự được điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.     

Vấn đề phức tạp hơn nếu tình huống tương tự như Án lệ số 04 chịu sự điều chỉnh của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Bởi lẽ, khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng” và khoản 2 Điều 13 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định “trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu”. 

Ở đây, Nghị định theo hướng “vi phạm quy định” tại khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 làm cho giao dịch vô hiệu trong khi đó “vi phạm quy định” này có thể được hiểu là thiếu “sự thỏa thuận” của vợ chồng hoặc không thiếu “sự thỏa thuận” của vợ chồng nhưng sự thỏa thuận này không được thể hiện “bằng văn bản”. Trước đây, chúng ta coi “văn bản” (không có công chứng, chứng thực) là một loại hình thức bắt buộc cho giao dịch[20] nhưng Bộ luật Dân sự năm 2015 đã theo hướng đây chỉ là yêu cầu về chứng cứ, không là điều kiện có hiệu lực nên không đưa “văn bản” vào danh sách hình thức của giao dịch dân sự nữa.[21] 

Vì vậy rất khó để cho rằng việc chỉ thiếu văn bản (tức đã có sự đồng ý) dẫn tới giao dịch vô hiệu[22] khi áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015.  Thực ra, tình tiết hình thành Án lệ số 04 được điều chỉnh bởi văn bản có hiệu lực ở thời điểm năm 1996, nhưng trong phần Khái quát án lệ, chúng ta không thấy Tòa án nhân dân tối cao giới hạn về thời gian xác lập giao dịch. Điều đó cho phép hiểu rằng Hội đồng Thẩm phán không muốn giới hạn Án lệ số 04 cho giao dịch xác lập năm 1996 mà áp dụng cho giao dịch được xác lập ở bất kỳ thời điểm nào, kể cả ở thời điểm Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 hay năm 2014 đang có hiệu lực và thực tế đã có Tòa án áp dụng Án lệ số 04 cho giao dịch được xác lập năm 2004.[23]  

8. Phạm vi ảnh hưởng của án lệ liên quan đến loại giao dịch 

Theo khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng thẩm phán Toa án nhân dân tối cao “khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau”. Giao dịch trong Án lệ số 04 là giao dịch chuyển nhượng tài sản chung của vợ chồng là nhà, đất. Nếu không là giao dịch chuyển nhượng mà là giao dịch khác như thế chấp (chồng thế chấp mà không có sự tham gia của vợ hay ngược lại) thì hướng trong Án lệ số 04 có được áp dụng không? Nói cách khác, tình tiết trong Án lệ số 04 được nghiên cứu có được coi là “tương tự” khi có giao dịch khác như thế chấp tài sản không? Trong thực tiễn đã có Tòa án nước ta theo hướng giống như Án lệ số 04.[24] Thiết nghĩ Án lệ số 04 cũng cần được áp dụng cho cả giao dịch khác giao dịch chuyển nhượng vì nội dung của Án lệ số 04 tập trung vào sự ưng thuận của vợ chồng trong khi đó giao dịch khác cũng cần sự ưng thuận của vợ và chồng. Thực ra, kinh nghiệm nước ngoài cho thấy thực tiễn cũng theo hướng vừa nêu như án lệ của Mỹ.[25]  

Nếu không là giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng nhưng là giao dịch liên quan đến tài sản chung của chủ thể khác không là vợ chồng như trường hợp tài sản là di sản của những người thừa kế đều thừa nhận di sản, trường hợp tài sản chung của hộ gia đình thì hướng trong Án lệ số 04 có được áp dụng không? Nói cách khác, tình tiết trong Án lệ được nghiên cứu có được coi là “tương tự” không khi không là giao dịch về tài sản chung của vợ chồng mà là giao dịch về tài sản chung của thành phần khác? Trước khi công bố Án lệ số 04, thực tiễn xét xử cũng theo hướng tương tự[26] và không có lý do gì mà không áp dụng hướng của Án lệ số 04 cho những giao dịch như vừa nêu vì nội dung của Án lệ số 04 tập trung vào sự ưng thuận của vợ chồng đối với tài sản chung trong khi đó tài sản chung của chủ thể khác cũng cần sự ưng thuận của các đồng sở hữu chung khi có việc định đoạt. 

Thực tế, Tòa án đã theo hướng áp dụng Án lệ số 04 cho cả giao dịch đối với tài sản của Hộ gia đình (tức không phải là tài sản chung của vợ chồng). Chằng hạn, theo một bản án, “phần đất tranh chấp là cấp cho hộ ông Đặng Văn T1, nhưng khi chuyển nhượng cho bà A chỉ có ông T1 và ông M ký tên vào tờ giao kèo. Mặc dù phần đất là cấp cho hộ nhưng xét thấy diện tích đất ông T1 chuyển nhượng cho bà A là nhỏ so với tổng diện tích hộ ông T1 được cấp, nên việc ông T1 tự định đoạt đối với diện tích đất chuyển nhượng cho bà A, bà T cùng các con biết việc chuyển nhượng đất này nhưng không ngăn cản. Bà A đã sử dụng phần đất này trong thời gian trên 15 năm và hiện nay ngoài phần đất này ra thì bà A không còn phần đất nào khác ở nên việc cấp sơ thẩm căn cứ theo quy định điểm b.3 tiểu mục 2.3 mục 2 phần II của Nghị quyết 02/2004/NQ/HĐTP, ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và nhu cầu sử dụng đất của bà A chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị A, công nhận Hợp đồng chuyển nhượng đất lập ngày 10/4/2000 là có cơ sở, phù hợp với nội dung Án lệ số 04/2016/AL của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”.[27]  

Án lệ số 04 liên quan đến định đoạt tài sản chung của vợ chồng đòi hỏi sự ưng thuận của cả vợ và chồng nhưng thực tế có xu hướng không đòi hỏi sự ưng thuận của cả vợ và chồng đối với một số tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân[28] như tiền[29] hay cổ phiếu.[30] Ở đây, khi không cần sự ưng thuận của cả vợ và chồng thì Án lệ số 04 trên không được áp dụng..     

CHÚ THÍCH 

[1] Bùi Tường Chiểu, Chế định tài sản trong gia đình Việt Nam, Sài Gòn năm học 1974-1975, tr. 137 và 138.  

[2] Bùi Tường Chiểu, Sđd, tr. 138 và 151.  

[3] Võ Văn Hiền, Chế độ tài sản trong gia đình Việt Nam, Bộ quốc gia giáo dục xuất bản 1960, tr. 73.  

[4] Pháp luật Nova Scotia (Canada) có quy định tương tự. Ở đây, một bên không được phép định đoạt hoặc thế chấp tài sản là nhà ở của gia đình, trừ khi (i) có sự đồng ý bằng cách ký vào văn bản định đoạt hoặc cầm cố tài sản của bên còn lại (tất nhiên việc đồng thuận này không thể bị từ chối một cách không chính đáng); hoặc (ii) việc từ bỏ quyền của một bên thông qua một thỏa thuận độc lập hoặc một hợp đồng hôn nhân; hoặc (iii) có một lệnh chấp thuận từ phía Tòa án hoặc một lệnh khác không xác định vai trò của tài sản là nơi cư trú của gia đình; hoặc (iv) tài sản không được xác định là nhà ở của gia đình và có một cơ sở để xác định tài sản khác là chỗ ở của gia đình, điều này cũng đã được công chứng và không được hủy bỏ (Điều 8 Luật về tài sản thuộc hôn nhân, Nova Scotia – Canada).  

[5] Pháp luật Bang Nevanda (Hoa Kỳ) quy định: không bên vợ, chồng nào được bán, trao đổi, thế chấp tài sản chung là bất động sản, nếu như cả hai không cùng nhau xác lập chứng thư, hoặc bất cứ một dạng thỏa thuận nào. Theo đó, bất động sản được bán, trao đổi hoặc cầm cố. Đồng thời, hợp đồng hoặc thoả thuận phải được cả vợ và chồng chấp nhận (Điều 123.230 Control of community property, Chương 123 – Rights of husband and wife).     

[6] “Vợ, chồng không được tự động thực hiện các quyền liên quan đến việc bảo đảm nơi ở của vợ chồng và đồ đạc trong nhà khi không có sự đồng ý của người kia. Người vợ hoặc chồng không đồng ý với giao dịch của người kia có thể yêu cầu tuyên bố giao dịch đó vô hiệu: thời hạn yêu cầu là một năm kể từ ngày biết có giao dịch và quyền yêu cầu chấm dứt sau một năm kể từ khi chấm dứt quan hệ tài sản trong hôn nhân”.  

[7] “Vợ hoặc chồng, nếu không được sự đồng ý của người kia thì không được chuyển nhượng hoặc xác lập vật quyền đối với bất động sản, sản nghiệp thương mại, cơ sở kinh doanh thuộc khối tài sản chung của vợ chồng, cổ phần hông thể chuyển nhượng và các động sản hữu hình mà việc chuyển nhượng phải được công bố. Vợ hoặc chồng, nếu không được sự đồng ý của người kia, thì cũng không được thu tiền phát sinh từ những hoạt động này”.  

[8] Cass. civ. 1re, 17 mars 1987, époux Brunet c. consorts Sivignon: JCP 1988, éd. N, II, 26, 1re esp., note Ph. Simler.  

[9] Ph. Simler, Pouvoirs des époux. Cogestion. Acte accompli par un époux sans le consentement de l’autre. Ratification, JCP 1988, éd. N, II, 26.  

[10] Bản án số 40/2017/DS-PT ngày 19/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.  

[11] “Trong trường hợp việc xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn của vợ chồng hoặc tài sản chung là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng nhưng tài sản đó đã đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức phát sinh là nguồn sống duy nhất của gia đình mà pháp luật quy định giao dịch đó phải tuân theo hình thức nhất định, thì sự thỏa thuận của vợ chồng cũng phải tuân theo hình thức đó (lập thành văn bản có chữ ký của vợ, chồng hoặc phải có công chứng, chứng thực…)”.  

[12]  Đối với các giao dịch dân sự mà pháp luật không có quy định phải tuân theo hình thức nhất định, nhưng giao dịch đó có liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình hoặc giao dịch đó có liên quan đến việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng nhưng đã đưa vào sử dụng chung và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó là nguồn sống duy nhất của gia đình, thì việc xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch đó cũng phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng”.  

[13] Võ Văn Hiền, Sđd, tr. 75.  

[14] Đinh Thị Mai Phương, Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000, Nxb. Chính trị quốc gia 2004, tr. 194.  

[15] Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam 2016, tr. 228.     

[16] Về nhận diện các yếu tố “minh thị” và “ngầm định” của Án lệ, xem Đỗ Văn Đại, “Nhận diện giá trị của các nội dung trong quyết định tạo lập án lệ”, Tạp chí Tòa án nhân dân số 12/2016.  

[17] Bản án số 96/2017/DS-PT ngày 30/8/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.  

[18] Civ. 1re, 13 avril 1983, Bull. civ. I, n° 120; Gaz. Pal. 1983, II, pan. jur., V° Mariage, p. 308, obs. M. Grimaldi; Rép. Defrénois 1983, art. 33158, p. 1340, obs. G. Champenois.  

[19] J. Flour và G. Champenois, La gestion conjointe de la communauté, Defrénois 15 mars 1996, n°5.  

[20] Khoản 2 Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2005 về hình thức giao dịch dân sự quy định “trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó”.  

[21] Khoản 2 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 về hình thức giao dịch dân sự quy định “trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”.  

[22] Xem Đỗ Văn Đại (Chủ biên), Bình luận khoa học những điểm mới BLDS 2015, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam 2016 (xuất bản lần thứ hai), phần số 129 và tiếp theo.  

[23] Chẳng hạn, trong một vụ tranh chấp xuất phát từ việc chuyển đổi ruộng xác lập vào tháng 11/2004, sau khi khẳng định “trong biên bản chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp chỉ có đại diện hai chủ hộ ký và xác nhận của Ban quản lý thôn, việc chuyển đổi đất giữa hai hộ được Ủy ban nhân dân xã đồng ý và cho thực hiện chuyển đổi để ông D xây dựng mô hình đa canh. Các thành viên trong hộ cũng nhất trí thực hiện canh tác trong nhiều năm, không có ý kiến gì (BL380). Như vậy đủ căn cứ xác định thành viên trong hộ được giao đất nông nghiệp đông y viêc chuyên đổi đất như biên bản đã ký giữa ông D và bà V”, Tòa án đã quyết định “Áp dụng tương tự án lệ số 04/2016/AL của Tòa án nhân dân tối cao” để “Công nhận việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa hộ bà Trần Thị V và hộ ông Cao Văn D theo “Biên bản chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp” lập ngày 18/11/2004. Hộ bà Trần Thị V và hộ ông Cao Văn D có trách nhiệm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục sang tên phần diện tích đất nông nghiệp đã được chuyển đổi theo “Biên bản chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp” lập ngày 18/11/2004” (Bản án số 09/2017/DS-PT ngày 28/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam).  

[24] Chẳng hạn, theo Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao (Quyết định số 439/2011/DS-GĐT ngày 16/6/2011), “khối tài sản anh Đạt thế chấp cho Ngân hàng là tài sản chung của anh Đạt và chị Linh (vợ anh Đạt) nhưng các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên mới chỉ có chữ ký của anh Đạt nên cũng cần phải xem xét chị Linh có biết việc chuyển nhượng hay không? Nếu chị Linh biết mà không phản đối thì coi chị Linh cũng đồng ý”.  

[25] United States Court of Appeals, Eighth Circuit. Joel KARNITZ; Tanya Karnitz, Appellees, v. WELLS FARGO BANK, N.A., Appellant (nội dung án lệ tại: http://caselaw.findlaw.com/us-8th-circuit/1425224.html, truy cập lần cuối ngày 20/7/2017). Ở đây, năm 2001, ông bà Karnitze đã xây nhà dựa trên khoản tiền vay được từ ngân hàng. Cả vợ chồng Joel, Tanya đều ký tên trong hợp đồng thế chấp. Tuy vậy, sau đó Joel đã ký tên trong một hợp đồng thế chấp khác với Wells Fargo. Nhờ vậy Joel và Tanya đã có tiền để trả cho Ngân hàng. Mặc dù không ký tên trong hợp đồng mới, Tanya thừa nhận rằng cô ấy biết việc vay tiền và thế chấp mới để trả cho khoản nợ trước đó. Vào năm 2005, Karnitzes đã đệ đơn yêu cầu bảo hộ phá sản theo Luật Phá sản Hoa Kỳ. Họ liệt kê căn nhà là tài sản bảo đảm cho Wells Fargo và liệt kê khoản vay với Wells Fargo là một nghĩa vụ chung. Karnitzes đã nhận được tuyên bố phá sản vào ngày 8/8/2005. Một thời gian ngắn sau đó, Wells Fargo xúc tiến các thủ tục để tịch thu nhà. Trong thời gian chờ đợi, Joel đã biết được rằng luật Minnesota yêu cầu một hợp đồng thế chấp đối với nhà ở của vợ chồng phải được ký bởi cả hai (Luật Minnesota § 507.02). Vợ chồng Karnitzes cho rằng: việc tịch thu tài sản thế chấp là không hợp lệ vì Tanya đã không ký vào hợp đồng. Họ đã đưa vụ kiện này lên Tòa án Bang Minnesota để yêu cầu tuyên bố thỏa thuận vô hiêu. Tòa án Quận kết luận rằng ngôn ngữ rõ ràng của Điều 507.02 yêu cầu chữ ký của Tanya và Joel và việc thiếu đi chữ ký của một bên làm cho hợp đồng không thể phát sinh hiệu lực. Về phần mình, Wells Fargo đã kiện lên Tòa án cấp cao và Tòa án cấp cao sau đó đã chấp thuận đơn kháng cáo của Wells Fargo.     

[26] Đỗ Văn Đại, Luật Hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam 2017, Bản án số 18 – 19.  

[27] Bản án số 122/2017/DS-PT ngày 04/7/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang.  

[28] Theo khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân”.  

[29] Ví dụ, ông Bình và ông Thái ký thỏa thuận giao nhận tiền cọc 500 triệu đồng nhưng sau đó có tranh chấp. Phía ông Bình cho rằng “số tiền đặt cọc 500 triệu đồng là tài sản chung của vợ chồng ông Bình và bà Lê, ông Bình tự ý đem đi đặt cọc khi chưa có sự đồng ý của bà Lê, việc làm này của ông Bình làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Lê” nên “yêu cầu tuyên bố hợp đồng đặt cọc ngày 06/12/2015 xác lập giữa ông Bình và ông Thái vô hiệu, buộc ông Thái trả lại tiền cọc”. Ông Thái không đồng ý và cho rằng nếu ông Bình không thực hiện hợp đồng thì mất tiền cọc. Thời điểm ngày 25/01/2016 là chưa hết thời hạn 60 ngày theo thỏa thuận ngày 06/12/2015 giữa ông Bình và ông Thái. Mặt khác theo quy định tại Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc ông Bình tự đem số tiền 500 triệu đồng (tài sản không phải đăng ký và tài khoản ngân hàng đứng tên cá nhân) xác lập giao dịch với ông Thái là không trái pháp luật. Tức là, khi chưa hết hạn theo thỏa thuận thì giao dịch giữa ông Bình và ông Thái vẫn còn giá trị ràng buộc trách nhiệm giữa hai bên” (Bản án số 222/2016/DS-PT ngày 28-9-2016).  

[30] Ví dụ, trước yêu cầu theo đó “đây là tài sản chung của 2 vợ chồng, do đó ông Thái khi định đọat không thỏa thuận bàn bạc với bà Đào là vi phạm vào điều 27, 28 Luật Hôn nhân gia đình và Điều 233 sở hữu chung trong Luật Dân sự. Việc VP Bank thỏa thuận và hiện đang cầm giữ số tiền này là trái pháp luật”, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã xét rằng “việc ông Thái đứng tên sở hữu 350 cổ phiếu có số seri từ EA 2201 đến EA 2550 chuyển giao cho VP Bank để trả nợ thi hành bản án hình sự cho cha ruột là ông Sanh là hoàn toàn tự nguyện, không trái với quy định của pháp luật. Trong các quy định về việc chuyển nhượng cổ phiếu cũng như thay đổi chủ sở hữu cổ phiếu của VP Bank cũng như  Điều lệ của VP Bank đều không có quy định việc chuyển nhượng, thay đổi chủ sở hữu phải có sự đồng ý của những người có liên quan là đồng sở hữu. Thực chất cổ phiếu ở đây là chứng chỉ do Ngân hàng phát hành để xác nhận quyền sở hữu số tiền mặt đã mua cổ phần của Ngân hàng. Nó không phải là nhà cửa, đất đai phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nó được đăng ký nội bộ của chính Ngân hàng bán cổ phần) do đó thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu chỉ cần tuân theo Điều lệ của Ngân hàng. Ở đây vấn đề thực chất không phải là mua bán cổ phiếu mà phải hiểu là ông Thái tự nguyện thay mặt ông Phạm Sanh thi hành bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật để trả nợ cho VP Bank bằng số tiền 3.500.000.000 đồng mà mình đứng tên sở hữu (để ông Phạm Sanh có điều kiện được xét giảm thời gian chấp hành án phạt tù). Do đó Tòa cấp sơ thẩm đã bác yêu cầu của nguyên đơn bà Đào đòi VP Bank là có cơ sơ, đúng pháp luật” (Bản án số 1547/2005/DS-PT ngày 30/9/2005).  

Tác giả: PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Ngô Thị Anh Vân 

Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01(113)/2018 – 2018, Trang 71-80

Bình luận án lệ 04/2016/AL: Về sự ưng thuận trong giao dịch dân sự Bình luận án lệ 04/2016/AL: Về sự ưng thuận trong giao dịch dân sự
910 1

Bài viết Bình luận án lệ 04/2016/AL: Về sự ưng thuận trong giao dịch dân sự

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »