Một số vấn đề khác biệt trong giao kết hợp đồng điện tử. - Phần 1

12:00 AM

Một số vấn đề khác biệt trong giao kết hợp đồng điện tử.


VANTHONGLAW -  Quan hệ hợp đồng điện tử thiết lập qua mạng Internet có nhiều đặc điểm khác biệt. Vì những yếu tố khác biệt đó mà một khuôn khổ pháp lý về hợp đồng điện tử đã dần dần hình thành. Do đó, ở nhiều nước trên thế giới, bên cạnh các đạo luật về hợp đồng truyền thống, người ta đã phải sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những quan hệ hợp đồng được giao kết bằng phương tiện điện tử.


Về chủ thể 

Trong giao kết hợp đồng điện tử, ngoài các bên tham gia giao kết (bên đề nghị và bên chấp nhận đề nghị) còn có một chủ thể khác liên quan mật thiết, đóng vai trò quan trọng, đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng điện tử. Đó là các tổ chức cung cấp dịch vụ mạng và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử. Các tổ chức này thực hiện việc gửi, lưu trữ thông tin giữa các bên tham gia giao kết hợp đồng điện tử, cung cấp những thông tin cần thiết để xác nhận độ tin cậy của thông điệp dữ liệu trong giao kết hợp đồng điện tử. Họ không tham gia vào quá trình đàm phán, giao kết hay thực hiện hợp đồng điện tử, mà tham gia với tư cách là người hỗ trợ nhằm đảm bảo tính hiệu quả và giá trị pháp lý cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. 

Chừng nào đường truyền Internet và hệ thống mạng có trục trặc, chừng nào tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chưa đi vào hoạt động, thì chừng đó việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử sẽ khó có thể thành công và gặp nhiều rủi ro. Với vai trò quan trọng như vậy, các quy định về quyền và nghĩa vụ pháp lý của bên thứ ba này luôn là chế định pháp luật không thể thiếu trong hệ thống pháp luật về giao dịch điện tử của mỗi quốc gia. Ngoài ra, trong giao kết hợp đồng điện tử, do mạng Internet là một môi trường ảo, nên việc xác định các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng điện tử thông qua môi trường như thế này nhiều khi rất khó khăn. Các chủ thể tham gia hợp đồng điện tử thường là các bên không hề quen biết nhau, có thể ở cách xa nhau hàng nghìn cây số, có thể ký kết hợp đồng và ngay cả khi thực hiện xong hợp đồng cũng chưa biết mặt nhau. Việc xác định chính xác năng lực chủ thể và thông tin về đối tác giao kết hợp đồng là điều không đơn giản. 

Về quy trình giao kết 

Thông thường hợp đồng được hình thành bởi quá trình mà trong đó các bên tự do thể hiện ý chí thông qua đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khó có thể xác định bên nào đưa ra đề nghị giao kết và bên nào chấp nhận đề nghị giao kết khi mà cả hai bên cùng ký hợp đồng được soạn thảo bởi Công chứng viên hoặc bởi một người hay cơ quan có thẩm quyền nào khác. Khái niệm “đề nghị giao kết” và “chấp nhận đề nghị” cũng không thích hợp đối với trường hợp khi hai bên cùng bàn bạc, cùng đưa ra điều kiện, yêu cầu với nhau và cuối cùng đi đến sự nhất trí giao kết hợp đồng. 

Hợp đồng điện tử đặc trưng cho các giao dịch được thiết lập từ xa. Nếu như hợp đồng trên giấy là những tài liệu giao dịch “giấy tờ”, “vật chất”, thì hợp đồng điện tử lại là một quá trình và có hai giai đoạn xác định về mặt lý thuyết: Chào hàng và chấp nhận chào hàng. Các giai đoạn này được tạo ra thông qua quá trình gửi và nhận các thông điệp dữ liệu khác nhau về ý định của các bên. Theo Uỷ ban Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc, hợp đồng điện tử bao gồm hai phần: 

Công cụ chào, nhờ vào đó một bên chào tham gia vào mối quan hệ hợp đồng thương mại bằng các phương tiện điện tử và gửi cho bên kia; hoặc sắp đặt để bên kia có các điều khoản mà theo đó công cụ chào được chuẩn bị để thực hiện. Công cụ này có thể được một số người sử dụng, họ thấy các điều khoản ban đầu đưa ra không chấp nhận được và gửi một công cụ chào mới cho người gửi đầu tiên cùng với những thay đổi được đề nghị. 

- Công cụ chấp nhận được đệ trình bởi người chấp nhận các điều khoản đã đề nghị trong công cụ chào nếu như các điều khoản này được chấp nhận. Các bên có thể chọn tham gia vào đàm phán nội dung của hợp đồng điện tử trước khi chuyển công cụ chào dưới hình thức cả hai bên có thể chấp nhận được và ghi lại các điều khoản đã thống nhất. Hợp đồng điện tử được ký kết bởi sự kết hợp/trao đổi của công cụ chào, chấp nhận và không yêu cầu một thủ tục nào nữa. Việc ký kết không bắt buộc do các điều khoản của hợp đồng giữa các bên đã rõ ràng từ việc trao đổi hai công cụ này. 

Tuy nhiên, cần thận trọng trong việc lưu giữ các công cụ này để thực thi. Cả hai công cụ phải được các bên ghi nhận và lưu giữ. Các điều khoản về bằng chứng và trọng tài ở một số nước đòi hỏi phải có tài liệu bằng văn bản và phải được ký kết. Do vậy, những điều khoản này cần được quan tâm khi thực hiện. Như đã đề cập ở trên, hợp đồng điện tử đặc trưng cho các giao dịch được thiết lập từ xa. Trong mối quan hệ này, người tiêu dùng luôn ở thế yếu so với nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa. Thế yếu này bắt nguồn từ chính phương thức giao kết hợp đồng: phải sử dụng biện pháp liên lạc từ xa (qua website, email, ứng dụng trên điện thoại thông minh hay ứng dụng nhắn tin…). 

Người tiêu dùng có thể thiếu thông tin về tình hình thực tế hay pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng. Đặc điểm này là nguyên nhân gây ra bất bình đẳng giữa các bên. Dễ dàng nhận thấy rằng, khi mua một mặt hàng bất kỳ (ví dụ như quần áo) thông qua một website, người tiêu dùng không có dịp kiểm tra màu sắc, kích cỡ hay chất liệu quần áo như khi mua ở một cửa hàng thời trang, có thể trực tiếp thử, sờ vào mặt hàng hay giơ ra ánh sáng. Khi giữa người mua hàng và người bán hàng không trực tiếp gặp nhau thương lượng, kiểm tra hàng hóa mua bán, người tiêu dùng rất có khả năng gặp rủi ro từ giao dịch này. Chẳng hạn, do thông tin trao đổi giữa hai bên không rõ ràng, người tiêu dùng có thể nhận những loại hàng hóa không như suy nghĩ và kỳ vọng ban đầu của mình. 

Mặt khác, trên thực tế, các hợp đồng điện tử đa phần tồn tại dưới dạng là hợp đồng theo mẫu, do đó vị thế của người tiêu dùng từ xa đã yếu thế lại càng yếu thế vì họ không có quyền thỏa thuận, thương lượng. Mặc dù có sự bất bình đẳng giữa các bên, mặc dù có tình trạng bất cân xứng về thông tin và khả năng thương lượng giữa các bên, và mặc dù quy trình, phương thức giao kết hợp đồng điện tử có khác biệt như vậy, nhưng không phải “cư dân mạng” nào cũng nắm rõ. Do đó, cần thiết phải có sự can thiệp của pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng điện tử.

Về xác định thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng 

Nếu như một hợp đồng soạn thảo dưới hình thức văn bản thường được giao kết bằng cách hai bên gặp gỡ nhau trực tiếp để thương thảo các điều khoản hoặc trao đổi với nhau bằng các tài liệu giao dịch và ký bằng chữ ký tay, thì đối với giao kết hợp đồng điện tử, các bên giao tiếp với nhau trong một môi trường ảo, có vị trí địa lý xa nhau, ở bất kỳ đâu và vào bất kỳ thời điểm nào đều có thể truy cập vào mạng để gửi hoặc nhận một thông điệp dữ liệu đề nghị hay chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. 

Đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử, thường không có sự can thiệp trực tiếp của con người, do đó, việc xác định thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng sẽ trở nên khó khăn hơn so với hợp đồng được giao kết bằng phương thức truyền thống. Pháp luật hợp đồng truyền thống thường quy định: đối với các hợp đồng bằng văn bản, thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản; còn đối với các hợp đồng được ký kết từ xa, thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên được đề nghị đưa ra trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng (thuyết tống phát) hoặc bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng (thuyết tiếp thu). 

Trong môi trường mạng, nếu áp dụng quy tắc xác định thời điểm giao kết hợp đồng căn cứ vào thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản là điều khó thực hiện bởi các bên ký kết không có mặt trực tiếp vào thời điểm ký kết hợp đồng chính thức. Mặc dù cùng là hợp đồng được ký kết từ xa, nhưng chúng ta cũng không thể căn cứ vào dấu bưu điện như đối với hợp đồng được ký kết thông qua thư tín để xác định thời điểm giao kết hợp đồng điện tử. Phương tiện điện tử đã xóa nhòa khoảng cách về không gian và thời gian, nó ảnh hưởng trực tiếp tới việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng, khiến cho vấn đề trở nên phức tạp, thậm chí là ngăn cản áp dụng các quy tắc xác định thời điểm giao kết hợp đồng tồn tại phổ biến từ lâu của luật hợp đồng. Phức tạp tương tự cũng sẽ phát sinh khi xác định địa điểm giao kết hợp đồng. 

Các bên trong giao kết hợp đồng điện tử tiếp xúc với nhau qua một môi trường ảo, mọi nơi, mọi lúc đều có thể đăng nhập vào mạng để gửi và nhận thông điệp dữ liệu chào hàng hoặc chấp nhận chào hàng, mà không nhất thiết phải ở tại trụ sở hay nơi cư trú của mình. Như vậy, địa điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu (nhằm xác định địa điểm giao kết hợp đồng) có phải là địa điểm các bên có mặt thực tế khi gửi và nhận thông điệp dữ liệu hay không? Một địa điểm như vậy sẽ được xác định và chứng minh như thế nào? Điều này dường như là khó thực hiện do môi trường mạng là một môi trường ảo và không biên giới. Và khi đã xác định được một địa điểm như vậy thì sẽ xảy ra trường hợp địa điểm này lại không có mối liên hệ với các chủ thể tham gia, với nơi phát sinh nghĩa vụ hay với nơi thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. 

Trên thực tế, một doanh nghiệp ở Việt Nam có thể đặt máy chủ website kinh doanh tại Hoa Kỳ tiến hành ký kết hợp đồng qua mạng với một doanh nghiệp ở Singapore để mua hàng vận chuyển tới Thái Lan. Khi đó, vấn đề xác định yếu tố địa điểm ký kết hợp đồng là không hề đơn giản. Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra là cần xác định địa điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu như thế nào và theo nguyên tắc nào? Một sự thiếu tin tưởng sẽ bao trùm khi chúng ta chỉ nói rằng, một hợp đồng đang tồn tại ở đâu đó, vào một thời điểm nào đó trong không gian số, bởi vì để một hợp đồng có hiệu lực pháp lý người ta cần biết khi nào, ở đâu và cách thức hợp đồng đó được ký kết. Câu trả lời sẽ dành cho các nhà lập pháp.

---

Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Qưới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Một số vấn đề khác biệt trong giao kết hợp đồng điện tử. - Phần 1 Một số vấn đề khác biệt trong giao kết hợp đồng điện tử. - Phần 1
910 1

Bài viết Một số vấn đề khác biệt trong giao kết hợp đồng điện tử. - Phần 1

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »