Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành

2:30 PM

 Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành

VANTHONGLAWCho vay là hoạt động xảy ra thường xuyên và phổ biến nhất trong các giao dịch dân sự. Mục đích của việc cho vay là giúp bên đi vay có nguồn tiền để thực hiện các hoạt động sinh hoạt, kinh doanh,… Bên cho vay là những chủ thể có nguồn vốn nhàn rỗi, cho vay nhằm mục đích hưởng lợi về kinh tế. Ngoài ra, hoạt động cho vay còn có ý nghĩa trong việc lưu thông dòng tiền, thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động này lại là hoạt động có khả năng phát sinh tranh chấp không nhỏ, hầu hết những tranh chấp đều bắt nguồn từ việc áp dụng lãi suất trong cho vay.

Bài liên quan:

Cụ thể, rất nhiều chủ thể khi cho vay đã áp dụng một mức lãi suất rất cao, khiến bên đi vay không có khả năng chi trả, mục đích vay không đạt được mà còn dẫn đến các hậu quả khôn lường, gây ảnh hưởng cho xã hội. Chính vì vậy, pháp luật hình sự đã có những quy định nhằm điều chỉnh vấn đề này tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:

“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Các yếu tố cấu thành tội phạm:

Khách thể: xâm phạm đất trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ.

Mặt khách quan: Có 03 hành vi khách quan:
- Hành vi cho vay với lãi suất gấp 05 lần lãi suất cao nhất quy định trọng Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
- Hành vi cho vay với lãi suất gấp 05 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về hành vi này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;
- Hành vi cho vay với lãi suất gấp 05 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên.

Hậu quả của hành vi cho vay lãi nặng là gây thiệt hại đến nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản,… của người vay và gia đình. Ngoài ra còn gây thiệt hại đến an ninh trật tự, an toàn xã hội,… Tuy nhiên, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

Chủ thể: Chủ thể thường:
- Từ đủ 16 tuổi trở lên;
- Có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự;
→ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Mặt chủ quan: 
Yếu tố lỗi trong tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự luôn là lỗi cố ý vì người cho vay bao giờ cũng mong muốn thực hiện hành vi nhằm hưởng lợi về mặt kinh tế.|
Để làm rõ các quy định về tội này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 12 năm 2021 hướng dẫn áp dụng Điều 201 Bộ luật Hình sự. Theo đó, Nghị quyết này làm rõ các từ ngữ được sử dụng trong Điều 201 như sau:
- "Cho vay lãi nặng" là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên với mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp cho vay không phải là tiền thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
- "Thu lợi bất chính" là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và khoản thu trái pháp luật khác của người vay. Trường hợp thu lợi bất chính là tài sản khác, không phải tiền thì phải quy đổi thành tiền tại thười điểm chuyển giao tài sản. 

Hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015 quy định mức lãi suất cao nhất trong giao dịch cho vay là 20%/năm. Như vậy, có thể hiểu trong thời điểm hiện nay, người nào cho vay với mức lãi suất từ 100%/năm trở lên mà có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo phân tích nêu trên thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP cũng quy định nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:

- Xem xét áp dụng nghiêm khắc hình phạt tiền là hình phạt chính cho người thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, hoạt động dưới hình thức băng, ổ nhóm thì xem xét áp dụng hình phạt tù là hình phạt chính.
- Trường hợp hình phạt chính thức được áp dụng không phải là hình phạt tiền thì xem xét áp dụng nghiêm khắc hình phạt bổ sung là hình phạt tiền.

Theo đó, mục đích của hình phạt trong luật hình sự là nhằm trừng trị người phạm tội, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật, đồng thời ngăn ngừa tội phạm mới. Với mục đích nêu trên, việc Tòa án tập trung áp dụng nghiêm khắc hình phạt tiền đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, những người thực hiện hành vi phạm tội trong trường hợp này chủ yếu là nhằm mục đích hưởng lợi về mặt kinh tế nên việc áp dụng hình phạt tiền sẽ có giá trị trong việc trừng trị và ngăn ngừa tội phạm.

Các hình phạt được quy định cụ thể như sau:

Phạt từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với hành vi cho vay lãi nặng thuộc một trong các trường hợp sau:
- Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích.

Phạt từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với trường hợp cho vay lãi nặng mà thu lợi bất chính trên 100.000.000 đồng.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 03 năm.

Bích Trâm

Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hoá nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...vui lòng liên hệ: 



Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành
910 1

Bài viết Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »