Người giải quyết tố cáo tiết lộ danh tính người tố cáo thì bị xử lý như thế nào?

8:30 PM

        Người giải quyết tố cáo tiết lộ danh tính người tố cáo thì bị xử lý như thế nào?



VANTHONGLAW - Phạm vi điều chỉnh trong Luật Tố cáo là giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ hoặc hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước. Từ đó có thể thấy, người bị tố cáo là cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao một phần quyền lực nhất định để thực hiện nhiệm vụ, công vụ hoặc quản lý nhà nước trong các lĩnh vực khác nhau. Thế nên việc người bị tố cáo có thể lạm dụng quyền lực mình có để tạo áp lực cho người tố cáo là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Hiểu được điều này, Luật Tố cáo luôn có các điều khoản quy định để bảo đảm an toàn, quyền lợi hợp pháp của người bị tố cáo. Một trong số đó là giữ bí mật danh tính người tố cáo. Vậy trong trường hợp người giải quyết tố cáo để lộ thông tin người tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo thì bị xử lý như thế nào? Người tố cáo làm cách nào để bảo vệ quyền lợi bản thân? Kính mời quý độc giả theo dõi bài viết dưới đây. 

Bài liên quan:


Theo quy định tại Điều 8 Luật Tố cáo 2018 thì những hành vi dưới đây bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo:

“Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo

1. Cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo.

2. Thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc giải quyết tố cáo.

3. Tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo.

4. Làm mất, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu vụ việc tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

5. Không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho người tố cáo, người bị tố cáo.

6. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.

7. Can thiệp trái pháp luật, cản trở việc giải quyết tố cáo.

8. Đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo.

9. Bao che người bị tố cáo.

10. Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo.

11. Mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo.

12. Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

13. Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.”

Qua quy định trên có thể thấy, việc tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo là vi phạm pháp luật về tố cáo. Người giải quyết tố cáo nào làm lộ danh tính người tố cáo khiến người tố cáo bị thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường và căn cứ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ khoản 2 Điều 22 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Tố cáo thì người giải quyết tố cáo khi tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo sẽ bị xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo. 


Nếu phát hiện người giải quyết tố cáo làm lộ thông tin của bản thân thì người tố cáo có thể thực hiện việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo của người giải quyết tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo được xác định theo Mục 1 Chương III của Luật Tố cáo 2018 về Thẩm quyền giải quyết tố cáo. Việc tố cáo hành vi tiết lộ thông tin người tố cáo được thực hiện theo thủ tục quy định tại Luật Tố cáo 2018.


Ví dụ: người có thẩm quyền giải quyết tố cáo là Chủ tịch UBND phường A làm lộ thông tin người tố cáo thì người tố cáo có thể tố cáo hành vi tiết lộ thông tin người tố cáo của chủ tịch UBND phường A lên Chủ tịch UBND quận B, cấp trên trực tiếp quản lý Chủ tịch UBND phường A.


Ngoài ra, tại chương VI Luật Tố cáo 2018 có quy định về các biện pháp và thủ tục áp dụng biện pháp tố cáo, theo đó, khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết. Vì vậy, người tố cáo có thể chủ động yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết như: Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin; Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm; Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm. Căn cứ vào nội dung của từng biện pháp cụ thể và tình hình hiện trạng của bản thân và gia đình, người tố cáo có thể chọn áp dụng biện pháp bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật. Sau đó người tố cáo thực hiện thủ tục đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết như sau:


- Người tố cáo làm văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết. Văn bản gồm các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ;

b) Họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, địa chỉ của người cần được bảo vệ;

c) Lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ;

d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.


- Sau khi chuẩn bị đầy đủ, người tố cáo gửi đơn để nghị trên cho người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. 


- Khi xét thấy đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ của  người tố cáo là có căn cứ, có tính xác thực thì người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền, hoặc nếu biện pháp bảo vệ không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.  


- Trường hợp đề nghị của người tố cáo không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng thì cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người tố cáo hoặc gửi thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích lý do cho người tố cáo.


- Thời gian bảo vệ được tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ cho đến khi việc áp dụng biện pháp bảo vệ được chấm dứt theo quy định tại khoản 2 Điều 54 của Luật Tố cáo 2018 như sau:

“a) Người giải quyết tố cáo đã ra kết luận nội dung tố cáo hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo;

b) Cơ quan đã quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ khi xét thấy căn cứ áp dụng biện pháp bảo vệ không còn hoặc theo đề nghị bằng văn bản của người được bảo vệ.”

Ánh Tuyết
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Người giải quyết tố cáo tiết lộ danh tính người tố cáo thì bị xử lý như thế nào? Người giải quyết tố cáo tiết lộ danh tính người tố cáo thì bị xử lý như thế nào?
910 1

Bài viết Người giải quyết tố cáo tiết lộ danh tính người tố cáo thì bị xử lý như thế nào?

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »