Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là gì? Xác nhận thường trú, tạm trú từ 1/1/2023 như thế nào?
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là gì? Xác nhận thường trú, tạm trú từ 1/1/2023 như thế nào?
VANTHONGLAW - Từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu chính thức không còn giá trị pháp lý trong các thủ tục hành chính nhằm làm cơ sở để thực hiện các yêu cầu hành chính của người dân và cơ quan Nhà nước. Với thói quen sử dụng trải qua hàng chục năm liên quan đến sổ hộ khẩu, người dân từ năm 2023 trở đi cần làm quen và hiểu rõ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là gì. Đồng thời, cần biết được thủ tục mới để xác nhận thường trú, tạm trú thay thế cho sổ hộ khẩu từ ngày 01/01/2023.
Bài liên quan
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Căn cứ theo quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cụ thể hơn, căn cứ theo Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân, có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 5 năm 2021, thì Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một hệ cơ sở dữ liệu duy nhất được xây dựng tại Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an được kết nối thống nhất, đồng bộ đến Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Công an xã, phường, thị trấn.
Như vậy, "Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" là một thuật ngữ pháp lý và đồng thời là một thực thể pháp lý được pháp luật bảo hộ nhằm khái niệm, luật hóa việc lưu trữ, khai thác và phổ biến dữ liệu, thông tin cá nhân của người dân Việt Nam. Do đó, có thể nói, "Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" là sự phát triển vượt bậc hơn so với hộ khẩu để mang đến những lợi ích thiết thực nhất cho người dân Việt Nam trong kỷ nguyên số, trong thời đại mới hôm nay.
Xác nhận thường trú, tạm trú từ 01/01/2023 như thế nào?
Căn cứ Điều 9 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 về Thẩm quyền cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người dân cần biết cơ quan công an cấp nào được phép cung cấp thông tin dân cư như sau:
1. Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có thẩm quyền cho phép cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp trung ương; tổ chức tín dụng; tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động; tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, định danh điện tử khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
2. Giám đốc Công an cấp tỉnh có thẩm quyền cho phép cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh; tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện các dịch vụ công trên địa bàn quản lý khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
3. Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền cho phép cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp huyện, cấp xã và tổ chức khác có trụ sở chính trên địa bàn quản lý quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định này khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
4. Trưởng Công an cấp xã có thẩm quyền cho phép cá nhân đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn quản lý quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 Nghị định này khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Như vậy, một người dân sinh sống tại Hà Nội, sau đó chuyển vào TP. Hồ Chí Minh tạm trú hoặc thường trú, để thực hiện thủ tục xác nhận đăng ký thường trú, tạm trú tại TP. HCM từ ngày 01/01/2023, họ phải liên hệ Công an cấp xã/phường/thị trấn nơi mình sinh sống tại TP. HCM để được cấp văn bản xác nhận thường trú, tạm trú tại TP. HCM.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gửi người có thẩm quyền quy định tại Điều 9 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015.
Văn bản đề nghị cung cấp thông tin phải nêu rõ lý do cần khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thời gian khai thác, thông tin cần khai thác và cam đoan về việc chịu trách nhiệm trong sử dụng thông tin khi được cung cấp.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người có thẩm quyền quy định tại Điều 9 Nghị định này xem xét, quyết định cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp đồng ý cho phép khai thác thông tin thì có văn bản trả lời và cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trường hợp không đồng ý cho phép khai thác thông tin thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2016 và thay thế Nghị định số 90/2010/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2010 quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
LUẬT VẠN THÔNG
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:
Địa chỉ: 284 Lê Văn Qưới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG