Chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng theo pháp luật Việt Nam

Chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng theo pháp luật Việt Nam
Chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng theo pháp luật Việt Nam.

VANTHONGLAW - Thờ cúng tổ tiên, người đã khuất là một trong những truyền thống quý báu và đặc sắc của người Việt Nam. Truyền thống này có nguồn gốc từ xa xưa và vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Thông qua việc thờ cúng, những người còn sống thể hiện sự thương tiếc, hiếu nghĩa và kính trọng với người đã khuất từ xa xưa cả trăm năm, ngàn năm hoặc chỉ vừa mới qua đời vài năm hay vài chục năm. 

Tổng quan 

Trong các thời kỳ chế độ quân chủ Việt Nam trước đây, vấn đề thờ cúng tổ tiên là một điều bắt buộc và được quy định chính thức, cụ thể, kỹ lưỡng trong một số luật cổ như Quốc triều hình luật đời nhà Hậu Lê, Hoàng Việt luật lệ thời Nhà Nguyễn, trong các Bộ luật dân sự thi hành tại Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ nói chung trước ngày 02/9/1945. Qua đó, chúng ta nhận thấy được theo quan điểm lập pháp trước đây, thờ cúng là vấn đề cực kỳ quan trọng và phải được quy định cụ thể trong luật xưa với mục tiêu truyền tải nghĩa vụ thờ cúng đến vĩnh viễn.

Tuy nhiên, kể từ sau ngày 02/9/1945, Việt Nam bước vào một giai đoạn mới với việc đề cao quyền công dân, “dân làm chủ” đã đòi hỏi chúng ta phải có những nhìn nhận, đánh giá về những quy định cũ xưa có còn phù hợp và cần được duy trì trong thời đại mới hay không? Do đó, sau khi đất nước thống nhất vào ngày 30/4/1975, Việt Nam lần lượt ban hành các Bộ luật dân sự năm 1995, Bộ luật dân sự năm 2005 và Bộ luật dân sự năm 2015. Cả ba Bộ luật dân sự đều quy định về việc thờ cúng thông qua tên gọi của quy định này là Di sản dùng vào việc thờ cúng.

Tuy nhiên, cả ba Bộ luật dân sự đều chỉ dành duy nhất một điều luật để điều chỉnh toàn bộ các vấn đề liên quan đến việc thờ cúng, mặc dù trong thực tiễn, vấn đề này bao gồm rất nhiều vấn đề khác nhau chưa được quy định cụ thể, như: xác định một phần di sản dùng vào việc thờ cúng là bao nhiêu, quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng, khi nào thì di sản dùng vào việc thờ cúng bị chấm dứt, di sản thờ cúng có khác với di sản thường không… Với chỉ một điều luật duy nhất quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng đã khiến cho một vấn đề quan trọng của xã hội vừa mang tính truyền thống đặc sắc cần được duy trì, vừa mang yêu cầu phải được quy định phù hợp trong thời đại mới chưa có những quy định cụ thể để điều chỉnh.

Tiếp theo, không có điều luật riêng nào trong cả ba Bộ luật dân sự có quy định cụ thể về vấn đề chấm dứt việc thờ cúng đối với tất cả các loại di sản dùng vào việc thờ cúng. 

Cả ba Bộ luật dân sự đều có đoạn thứ 3 thuộc Khoản 1 quy định về trường hợp có khả năng dẫn đến chấm dứt di sản thờ cúng. Đây là căn cứ chấm dứt duy nhất được quy định trong luật nhưng còn nhiều vấn đề mà điều luật này chưa quy định rõ ràng, thậm chí chưa phù hợp với tập quán về di sản thờ cúng.
Đặc biệt, khi pháp luật không điều chỉnh những vấn đề về hệ quả khi chấm dứt sử dụng di sản dùng vào việc thờ cúng, sẽ dẫn đến việc phát sinh tranh chấp giữa những người thừa kế, gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hoặc đăng ký quyền sở hữu. Quan trọng hơn hết, xuất phát từ bản chất thiêng liêng và nhân văn của việc thờ cúng, từ một truyền thống thờ cúng tổ tiên tốt đẹp cần được duy trì và phát huy, lại dẫn đến một hệ quả tranh chấp, khiếu kiện giữa chính những người cùng dòng máu, cùng tổ tiên. Khi vấn đề này xảy ra, xã hội không những bất ổn mà một truyền thống tốt đẹp của dân tộc còn có nguy cơ bị mai một, mất đi ý nghĩa cao quý từ đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam.

Dựa vào những đặc điểm từ thực tiễn và quy định của pháp luật về di sản thờ cúng nêu trên, tác giả chọn đề tài “Chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng theo pháp luật Việt Nam” để làm vấn đề nghiên cứu cho luận văn cao học của mình.

Thông qua quá trình nghiên cứu vấn đề chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng, tác giả đưa ra những bất cập và kiến nghị giải quyết những bất cập này trên khía cạnh căn cứ chấm dứt và hệ quả của vấn đề chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng theo pháp luật Việt Nam. Qua đó, giải quyết được một vấn đề về mặt chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng từ nghiên cứu thực tiễn và theo quy định của pháp luật.

Tình hình nghiên cứu 

Vấn đề chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng đã được nghiên cứu tại Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Tuy nhiên, tác giả nhận thấy vẫn chưa có một công trình nghiên cứu toàn diện các vấn đề của đề tài. Một số tài liệu có giá trị được trích dẫn như dưới đây.

Theo giáo trình “Pháp luật về tài sản, quyền sở hữu và thừa kế” của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh do tác giả Lê Minh Hùng chủ biên, tái bản có sửa chữa, bổ sung năm 2019, những vấn đề mang tính chất nội hàm, cơ bản của di sản dùng vào việc thờ cúng được làm rõ, như xác định ý nghĩa của hương hỏa sơ lập, hương hỏa tổ truyền, người thừa tự, đích tử, ngành trưởng, hợp tôn ti, hợp thế thứ, chung thân chi tang, ngũ đại mai thần chủ… Giáo trình làm rõ các nội hàm của di sản dùng vào việc thờ cúng dựa trên những quy định của cổ luật và tục lệ truyền thống Việt Nam từ xưa đến nay, qua đó làm sáng tỏ nguồn gốc của việc hình thành và quy định vể di sản dùng vào việc thờ cúng trong pháp luật dân sự hiện đại.

Mối quan hệ trong việc ấn định thuật ngữ di sản dùng vào việc thờ cúng tại thời điểm hiện tại đối với các thuật ngữ trong cổ luật và tục lệ được làm rõ về ý nghĩa và nội dung truyền tải. Những nhận định, đánh giá về di sản dùng vào việc thờ cúng trong giáo trình mang tính chất nền tảng, định hướng cho việc nghiên cứu những vấn đề chuyên sâu hơn trong lĩnh vực di sản dùng vào việc thờ cúng, trong đó có vấn đề chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng.

Trong giới hạn một giáo trình có nội dung nền tảng của pháp luật về tài sản, quyền sở hữu và thừa kế, vấn đề chấm dứt của di sản dùng vào việc thờ cúng không được phân tích một cách chuyên sâu nhưng qua nhận định“với bốn nội dung như vừa nêu trên (theo Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2015), pháp luật không thể điều chỉnh hết các vấn đề xã hội – pháp lý đặt ra trong loại việc này. Để giải quyết tốt vấn đề này, nhà làm luật cần có những sửa đổi, bổ sung thích hợp các quy định về hương hỏa và di sản thờ cúng”  , có thể nhận định vấn đề chấm dứt của di sản dùng vào việc thờ cúng là một lĩnh vực chưa được quy định cụ thể trong pháp luật hiện hành và cần được nghiên cứu chuyên sâu hơn nhằm áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn cũng như quy định của pháp luật hiện tại.

Trong sách chuyên khảo “Luật thừa kế Việt Nam – Bản án và bình luận bản án – Tập 1” (2019) do tác giả Đỗ Văn Đại chủ biên đã có phần nghiên cứu chung về di sản dùng vào việc thờ cúng và đặc biệt là việc chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng. 

Theo đó, dẫn chiếu một bản án của Tòa thượng thẩm Sài Gòn vào năm 1896 , tác giả cho rằng có thể áp dụng quyết định của hướng xét xử này vào thời điểm hiện tại khi di sản dùng vào việc thờ cúng có thể được chấm dứt theo quyết định của toàn bộ thành viên hội đồng gia tộc, nhưng chỉ trong trường hợp di sản dùng vào việc thờ cúng được hình thành trên cơ sở ý chí của người thừa kế. Tác giả đã cân nhắc cẩn trọng khi đưa ra nhận xét giới hạn trên đây, vì đối với di sản thờ cúng đã được truyền qua nhiều đời sẽ rất khó áp dụng được điều này.

Với định hướng nghiên cứu và bình luận vấn đề trên cơ sở các bản án, quy định của cổ luật, tác giả đã nêu lên nhiều vấn đề còn bất cập của di sản dùng vào việc thờ cúng và cụ thể là việc chấm dứt. Trong phạm vi và giới hạn của một công trình nghiên cứu tổng quát, tác giả không đi sâu vào nghiên cứu căn cứ, hệ quả của vấn đề chấm dứt của di sản dùng vào việc thờ cúng. Mặc dù vậy, các vấn đề được nêu trong tác phẩm sẽ là định hướng cho việc nghiên cứu vấn đề chấm dứt của di sản dùng vào việc thờ cúng, đặc biệt là việc nghiên cứu sâu hơn cổ luật để cân nhắc vận dụng vào thời điểm hiện nay.

Tiếp theo, hai tác giả Nguyễn Văn Cừ và Trần Thị Huệ trong tác phẩm “Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa  Việt Nam”  đã có những bình luận về Điều 645: Di sản dùng vào việc thờ cúng. Các tác giả nhận định điều luật này hoàn toàn giữ nguyên theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005. Do đó, trong quá trình bình luận về Điều 645, các tác giả tiếp tục bàn luận về vấn đề xác định “một phần” của di sản là bao nhiêu, vấn đề cắt giảm của di sản dùng vào việc thờ cúng, quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng hay người đại diện trước pháp luật của loại di sản này…

Tuy nhiên, các tác giả đưa ra kiến nghị về việc cần có quy định người đại diện cho dòng tộc trước cơ quan pháp luật khi di sản thờ cúng có tranh chấp là một kiến nghị cần được tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn. Vì dòng tộc không phải chủ thể cụ thể tham gia tố tụng, phải là người thừa kế hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền tham gia tố tụng khi có tranh chấp. Nhưng trong thực tế, vai trò của dòng tộc khi quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng là rất lớn, có vai trò quyết định để định đoạt số phận của những di sản này, trong đó có việc chấm dứt. Mặt khác, việc thống nhất ý kiến của những người thừa kế cũng có phạm vi tương đồng với quyết định của chủ thể là đại diện dòng tộc hay Hội đồng gia tộc theo tập quán, tục lệ. Do đó, đây là kiến nghị phù hợp với thực tế nhưng cần nghiên cứu chuyên sâu hơn để có cơ sở pháp lý vận dụng vào thực tiễn hiện nay.

Đối với một công trình nghiên cứu chuyên biệt về lĩnh vực thừa kế, luận văn của tác giả Lê Minh Hùng thực hiện tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh với tên đề tài “Hoàn thiện chế định quyền thừa kế trong bộ luật dân sự Việt Nam hiện hành”(2003) đã nghiên cứu gần như toàn bộ phạm vi của chế định quyền thừa kế được quy định trong BLDS vào thời điểm nghiên cứu, tức BLDS năm 1995. Trong nội dung luận văn, tác giả cũng đã dành một phần tại các Chương 1, 2, 3 để nghiên cứu, đánh giá và đưa ra kiến nghị chung về di sản dùng vào việc thờ cúng.

Tác giả nhận định vấn đề di sản dùng vào việc thờ cúng là một lĩnh vực phức tạp nhưng điều luật quy định còn quá ít. Sự phức tạp liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng nằm ở việc có nhiều vấn đề diễn ra trong thực tiễn liên quan đến di sản thờ cúng như xác lập, chấm dứt, loại hình, người quản lý… nhưng pháp luật hiện hành không quy định đầy đủ. Do đó tác giả cho rằng cần có một nghiên cứu riêng về lĩnh vực này để đưa ra những nhận định và kiến nghị mang tính chất chuyên sâu hơn và giải quyết được triệt để hơn các vấn đề phát sinh từ di sản dùng vào việc thờ cúng.

Riêng đối với vấn đề chấm dứt sử dụng di sản thờ cúng được tác giả nhận định và kiến nghị thông qua việc cho rằng cần “bổ sung một điều luật quy định về các sự kiện làm chấm dứt việc thờ cúng và hậu quả của việc chấm dứt việc thờ cúng. Tức xác định rõ di sản không dùng để thờ cúng có được chia cho những người thừa kế hay do người đang trực tiếp quản lý, thờ cúng được thụ hưởng.”  

Như vậy, dựa trên một phạm vi nghiên cứu tổng quát về chế định thừa kế trong Bộ luật dân sự năm 1995, đối với phần thừa kế liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng, từ những nghiên cứu thực tiễn và quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu, tác giả Lê Minh Hùng đã dừng lại ở việc kiến nghị cần có một điều luật riêng đối với việc chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng và chưa đưa ra kiến nghị về nội dung cụ thể của điều luật.

Tiếp đến, tác giả Võ Thị Cẩm Tú đã có công trình nghiên cứu chuyên sâu cũng thực hiện tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh với đề tài luận văn thạc sỹ mang tên “Di sản dùng vào việc thờ cúng theo pháp luật Việt Nam” (2013). Trong phạm vi công trình nghiên cứu chuyên sâu về một vấn đề, tác giả đã tìm hiểu và làm rõ nhiều vấn đề hơn về trường hợp chấm dứt di sản dùng vào việc thờ cúng.

Tác giả có sự so sánh về quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, Pháp lệnh thừa kế năm 1990, Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp lệnh thừa kế và cho rằng quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng theo Bộ luật dân sự năm 2005 có sự tiến bộ, hợp lý hơn so với Pháp lệnh thừa kế năm 1990, tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ và với một điều luật thì không đủ để điều chỉnh những mối quan hệ liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng.

Trong phần nghiên cứu về chấm dứt di sản dùng vào việc thờ cúng, tác giả đưa ra những căn cứ và hậu quả từ việc chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng theo Bộ luật dân sự năm 2005 và theo tục lệ, truyền thống. Tuy nhiên, đối với trường hợp di sản dùng vào việc thờ cúng đã được lưu truyền qua nhiều đời, nếu phải chấm dứt vì một lý do bắt buộc thì vẫn chưa có quy định về giải quyết hệ quả của việc này. Tác giả đã dừng lại ở việc nêu lên vấn đề vướng mắc nêu trên mà chưa có hướng đề xuất xử lý ở phần kiến nghị tiếp theo.

Tại phần kiến nghị, tác giả đã đề xuất bổ sung một điều luật “670A: Chấm dứt và xử lý di sản dùng vào việc thờ cúng” với ba mục a, b, c nhằm xác định những căn cứ chấm dứt và xử lý di sản dùng vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, phần đề xuất chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng từ thỏa thuận của những người thừa kế, nếu áp dụng đối với những di sản đã lưu truyền qua nhiều đời sẽ là một điều luật khó khả thi trong thực tiễn. Mặc dù vậy, nội dung luận văn đã đi sâu vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng và có nội dung chuyên sâu cũng như kiến nghị bổ sung vào luật đối với quy định chấm dứt sử dụng di sản dùng vào việc thờ cúng.

Ngoài ra, nhóm tác giả Trần Thị Cẩm Nhung, Lâm Thị Thu Thảo, Võ Nguyễn Nam Trung, với bài viết “Di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015” đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 04 năm 2019 đưa ra nhiều ví dụ liên quan đến việc chấm dứt của di sản dùng vào việc thờ cúng. Theo đó, tại phần “1.4 Chấm dứt việc thờ cúng”, các tác giả đưa ra ví dụ di sản thờ cúng là giấy tờ có giá có thời hạn như trái phiếu Chính phủ, tài sản phát sinh gắn với nhân thân người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng như “tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp”… thì di sản dùng vào việc thờ cúng trong những trường hợp này sẽ chấm dứt nhưng hệ quả của việc chấm dứt là gì thì chưa có quy định cụ thể. Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, các tác giả kiến nghị cần “bổ sung quy định các trường hợp chấm dứt việc sử dụng di sản vào việc thờ cúng” và bổ sung các trường hợp chấm dứt khác như Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản, thu hồi đất đai, tài sản bị hủy hoại… 

Những ví dụ và kiến nghị trên đây của nhóm tác giả phù hợp với thực tiễn xã hội hiện đại, là những vấn đề chưa được pháp luật dân sự quy định cụ thể về căn cứ và hệ quả chấm dứt sử dụng di sản thờ cúng. Vì vậy, cần có nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề chấm dứt sử dụng di sản thờ cúng để giải quyết những vấn đề tương tự như trên trong thực tiễn.

Trong một bài viết khác đăng trên tạp chí Khoa học kiểm sát số 03 năm 2015, tác giả Hồ Thị Vân Anh thông qua bài viết “Hoàn thiện quy định của pháp luật dân sự Việt Nam về quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng” có một kiến nghị đáng lưu ý là quyền yêu cầu Tòa án can thiệp vào việc chọn người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng. Việc yêu cầu Tòa án can thiệp vào các vấn đề liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng đã được quy định trong cổ luật Việt Nam trước đây nhưng hiện tại chưa được minh định một cách cụ thể trong Bộ luật dân sự hiện hành.

Trong nội dung phân tích của bài viết, tác giả có nhắc đến những bất cập liên quan đến việc“chấm dứt di sản cho việc thờ cúng” như sau một thời gian, những người thừa kế có quyền “phá hương hỏa” theo phong tục miền Nam hay không, khi di sản dùng vào việc thờ cúng chấm dứt thì vấn đề thuộc về người đang quản lý di sản cũng chưa được hiểu rõ ràng và cho rằng quy định này không có ý nghĩa trong trường hợp quy định của điều luật. Nhưng đáng tiếc trong phần kiến nghị, tác giả không đưa ra kiến nghị nào liên quan đến việc chấm dứt sử dụng di sản dùng vào việc thờ cúng. 

Mặc dù vậy, với kiến nghị cần có sự tham gia của Tòa án vào các vấn đề của di sản dùng vào việc thờ cúng là một kiến nghị mang tính khả thi và cần được nghiên cứu áp dụng phù hợp trong thực tiễn xây dựng pháp luật hiện nay.

Riêng với tác giả Trần Thị Huệ, tại bài viết “Bất cập trong quy định của Bộ luật dân sự về di sản thờ cúng” đăng trên tạp chí Nhà nước và pháp luật số 07 năm 2014, trình bày“vấn đề “mãn kết” di sản thờ cúng, tức là chấm dứt quyền quản lý đối với di sản thờ cúng vào một thời điểm nhất định” đã đưa ra quan niệm chỉ sử dụng di sản dùng vào việc thờ cúng đến đời thứ năm theo tục lệ cổ truyền có phù hợp thời điểm hiện nay hay không? Trong nội dung phân tích, tác giả cũng chỉ đặt vấn đề sau khi người quản lý di sản đời thứ năm mất đi, người “kế thế” hay “Chủ lễ thờ cúng có quyền tôn tạo, xây dựng mới nhà thờ cũng như tất cả các đồ thờ cúng theo luật tục Việt Nam” mà không đề cập đến việc chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng, tức di sản trở thành một tài sản bình thường, không còn chịu sự chi phối tại điều luật về di sản thờ cúng của Bộ luật dân sự. Việc áp dụng tục lệ năm đời – hay được gọi là “ngũ đại mai thần chủ” , là một hướng cần nghiên cứu chuyên sâu, cụ thể để đảm bảo tính khả thi và phù hợp đối với đời sống xã hội cũng như quy định của pháp luật hiện tại.

Những bài viết nêu trên đưa ra những nghiên cứu, đánh giá chung về các vấn đề liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng, đề cập đến trường hợp chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng và đưa ra kiến nghị cho trường hợp này nhưng chưa được cụ thể. Các tác giả xoay quanh việc xác định “một phần” khi lập di sản dùng vào việc thờ cúng là bao nhiêu, quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản, hình thức của việc lập di sản thờ cúng, giới hạn quyền định đoạt… và ít có những kiến nghị liên quan toàn diện đến vấn đề chấm dứt của di sản dùng vào việc thờ cúng.

Do đó, những bài viết từ các tạp chí khoa học nêu trên hiện chỉ mang tính chất nghiên cứu tổng quát, trao đổi quan điểm về vấn đề di sản dùng vào việc thờ cúng, và chưa đưa ra nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng.

Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu 

Đề tài hướng đến mục đích làm sáng tỏ các vấn đề về chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng, qua việc nghiên cứu pháp luật hiện tại và những văn bản luật từng xuất hiện trước đây trong lịch sử Việt Nam có điều chỉnh về vấn đề chấm dứt này.

Đồng thời, với chỉ một điều luật, Bộ luật dân sự hiện hành chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý liên quan đến vấn đề chấm dứt việc thờ cúng của di sản để giải quyết hoàn toàn vấn đề này trên thực tế. Đề tài với việc nghiên cứu pháp luật hiện hành, pháp luật cận đại, pháp luật cổ xưa và pháp luật một số quốc gia khác để đưa ra một góc nhìn toàn diện về vấn đề trên.

Thông qua những vấn đề được nghiên cứu cũng như nhìn nhận, đánh giá những bất cập từ quy định của pháp luật hiện tại, đề tài hướng đến việc đưa ra những kiến nghị nhằm giải quyết vấn đề chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng trên nguyên tắc tôn trọng, chọn lọc những giá trị sâu sắc, nhân văn của truyền thống văn hóa, đạo lý được truyền lại từ xa xưa của dân tộc kết hợp với những quan điểm dân chủ, tiến bộ của thời kỳ hiện đại.

Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

Luận văn xác định đối tượng nghiên cứu là di sản thờ cúng và các quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Vì phạm vi rộng lớn của vấn đề di sản thờ cúng, nội dung của luận văn chỉ tập trung nghiên cứu về khía cạnh chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng, những vấn đề khác như xác định phần di sản dùng vào việc thờ cúng, hình thức di chúc liên quan đến di sản thờ cúng, quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng, người thừa kế… sẽ không thuộc phạm vi nghiên cứu trong nội dung luận văn. Tuy nhiên, các vấn đề của di sản thờ cúng vẫn được trình bày trong luận văn nhằm mục đích bổ sung cho khía cạnh chấm dứt việc thờ cúng của di sản đã được xác lập vì mục đích thờ cúng.

Luận văn nghiên cứu vấn đề chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng trong pháp luật thời Nhà Hậu Lê, Nhà Nguyễn, các Bộ luật dân sự trước năm 1945 và vận dụng, đối chiếu với các quy định hiện nay nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về di sản thờ cúng tại Việt nam

Phương pháp nghiên cứu

Luận văn áp dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử cho nội dung phần Chương 1 của luận văn. Tác giả tiến hành nghiên cứu các quy định về hương hỏa trong các bộ cổ luật thời quân chủ, các Bộ luật dân sự trước năm 1945 và các quy định, Bộ luật dân sự sau năm 1945 để đưa ra các điểm khác biệt, kế thừa về chế định này trong từng thời kỳ lịch sử khác nhau. Từ phương pháp nghiên cứu lịch sử này, luận văn sẽ trình bày tổng thể các quy định về chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng từ xưa đến nay.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu từ Chương 1, tại các Chương 2 và Chương 3, luận văn áp dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu, phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh pháp luật với việc so sánh các quy định pháp luật trước và sau năm 1945 là vấn đề quan trọng nhất. Khi so sánh, tác giả luôn dựa trên tình hình thực tiễn của thời kỳ luật được ban hành, xu hướng phát triển của xã hội để đề xuất những kiến nghị phù hợp với thực tiễn hiện nay. Ngoài ra, tác giả còn nghiên cứu các tài liệu về vấn đề di sản thờ cúng, phân tích và tổng hợp các quan điểm đánh giá chung, quan điểm chưa thống nhất, hướng đề xuất, kiến nghị của những tác giả đã nghiên cứu trước và đưa ra nhận định, đề xuất riêng của luận văn.

Dựa vào các phương pháp nghiên cứu nêu trên, luận văn trình bày được đầy đủ vấn đề chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng từ truyền thống, luật pháp thời xưa cho đến pháp luật hiện đại và trình bày những bất cập, kiến nghị nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến di sản thờ cúng trong thực tiễn chưa được pháp luật hiện đại điều chỉnh.

Các điểm mới

Thông qua các nội dung được trình bày, luận văn liên kết quy định hiện tại của Bộ luật dân sự về di sản dùng vào việc thờ cúng với việc áp dụng trong thực tiễn và đưa ra những bất cập cụ thể cho từng nội dung quy định của điều luật. Các bất cập này tuy từng được đề cập trong một số công trình nghiên cứu đã công bố nhưng chưa được phân tích chi tiết, hay đưa ra kiến nghị giải quyết trong thực tế.

Dựa vào những cơ sở phân tích trên, luận văn đưa ra đề xuất những nội dung hướng dẫn cụ thể hơn đối với vấn đề chấm dứt dùng di sản vào việc thờ cúng. Những đề xuất này không mang tính chất đề nghị chung như một số công trình nghiên cứu đã công bố, nhưng đưa ra đề xuất cụ thể trên cơ sở một nghiên cứu chuyên biệt riêng, tập trung về vấn đề chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng.

Ngoài ra, dựa trên thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay, tác giả đề xuất cụ thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan có thẩm quyền phù hợp để ban hành văn bản quy phạm pháp luật giải quyết các bất cập mà luận văn đã chỉ ra. Đồng thời, tác giả cũng đề xuất cụ thể các nội dung hướng dẫn giải quyết các bất cập này đối với việc chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng trong thực tiễn.
---

Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT VẠN THÔNG

Địa chỉ: 284 Lê Văn Qưới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
Văn phòng giao dịch: VTL Bình Thạnh - 47/70/1 Nguyễn Văn Đậu, Phường 6, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Zalo: 096 924 0124
Tra cứu pháp luật miễn phí: www.tracuuphapluat.net
Pháp lý doanh nghiệp: dichvudoanhnghiep.net
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
LUẬT VẠN THÔNG
Được tạo bởi Blogger.