Các trường hợp có thể xảy ra nếu Ủy ban Tư pháp của Quốc hội "tham gia" vụ án Hồ Duy Hải?

4:02 PM
Ủy ban tư pháp của Quốc hội Khóa XIV. Ảnh quochoi.vn

VANTHONGLAW.COM - Theo các trang thông tin báo chí, sáng ngày 16/6/2020, Ủy ban tư pháp của Quốc hội đã mở phiên họp toàn thể nhằm xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm số 05/2020/HS-GĐT (QĐGĐT) trong vụ án Hồ Duy Hải. Chúng ta cần biết rằng, thông thường, Quyết định giám đốc thẩm hoặc Quyết định tái thẩm do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao (HĐTPTC) ban hành có thể được xem như "quyết định cuối cùng", tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 còn có quy định về việc Ủy ban tư pháp của Quốc hội (UBTP) được quyền yêu cầu xem xét lại Quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Thủ tục này được quy định từ Điều 404 đến Điều 412 BLTTHS 2015.

Bài liên quan

Vị trí của Ủy ban tư pháp của Quốc hội

Trước hết, chúng ta cần hiểu vị trí của Ủy ban tư pháp của Quốc hội là gì trong vai trò xem xét lại Quyết định của Tòa án - cơ quan thực hiện quyền tư pháp, và chính Quốc hội với những quy định cụ thể nào về quyền lực của Quốc hội đối với Tòa án.

Theo Hiến pháp 2013, tại Khoản 3 Điều 2, đã quy định:

Điều 2. 

1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội 2014, tại Điều 1 đã quy định:

Điều 1. Vị trí, chức năng của Quốc hội

1. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Tiếp theo, Điều 71 Luật tổ chức Quốc hội 2014 quy định:

Điều 71. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban tư pháp

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án; thẩm tra các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng.

3. Thẩm tra đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đề nghị của Chủ tịch nước về việc đại xá.

4. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp; giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

5. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

6. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan khác, các vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng.

Như vậy, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và giám sát tối cao đối với mọi hoạt động của Nhà nước, trong đó có hoạt động xét xử của Tòa án. Để thực hiện quyền lực của mình, Quốc hội thông qua các cơ quan chuyên môn với những nhân sự phù hợp với nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn đó, đưa ra những đánh giá, thẩm tra, xem xét và kiến nghị với Quốc hội. Trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình, Ủy ban tư pháp của Quốc hội là cơ quan có trách nhiệm giám sát hoạt động xét xử của Tòa án. 

Thành phần thành viên hiện tại của Ủy ban tư pháp của Quốc hội Khóa XIV

UBTP Khóa XIV có tất cả 39 người, trong đó có những vị đang giữ các chức danh như Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Việm kiểm sát nhân dân, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, Thành ủy viên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam... đều là các nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực tư pháp.


Ủy ban tư pháp của Quốc hội và vụ án Hồ Duy Hải

Đối với vụ án Hồ Duy Hải, UBTP đã thực hiện hoạt động giám sát từ năm 2015, thông qua đoàn giám sát do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trước đoàn, đã có báo cáo số 870/2015/BC-UBTVQH13 ngày 20/5/2015, trong đó có đánh giá vụ án Hồ Duy Hải có những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết luận điều tra, truy tố, xét xử (Nguồn: Xem tại đây). Sau 05 năm, UBTP của Quốc hội tiếp tục có quan điểm không thống nhất với Quyết định của TAND Tối cao. Chúng ta cần xác định, trong vụ án này, UBTP không khẳng định Hồ Duy Hải oan hay không oan, nhưng chỉ khẳng định quá trình điều tra, truy tố, xét xử có nhiều thiếu sót, vi phạm dẫn đến có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án.

Theo Khoản 3 Điều 404 BLTTHS 2015, UBTP có quyền kiến nghị trực tiếp với HĐTPTC xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm số 05/2020/HS-GĐT của vụ án Hồ Duy Hải. Khi đó, HĐTPTC sẽ xem xét kiến nghị đó của UBTP.

Còn theo Khoản 2 Điều 404, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, thì HĐTPTC phải xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm số 05/2020/HS-GĐT. Lúc này, những căn cứ, tình tiết trong QĐGĐT sẽ được xem xét trực tiếp mà không chỉ là xem xét kiến nghị của UBTP.

Như vậy, là một cơ quan chuyên môn của Quốc hội, UBTP có thể trực tiếp đề nghị HĐTPTC hoặc đề xuất ý kiến cuối cùng của mình với Ủy ban Thường vụ của Quốc hội để Thường vụ xem xét yêu cầu HĐTPTC.

Kết quả cuối cùng sau khi UBTP thực hiện quyền giám sát vụ án Hồ Duy Hải

Trước hết, Quốc hội, UBTP và HĐTPTC đều hoạt động theo quy định cho phép và giới hạn của pháp luật. Vì vậy, trong trường hợp này, dù QĐGĐT của HĐTPTC có bị xem xét lại theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ của Quốc hội đi chăng nữa, nếu HĐTPTC vẫn giữ nguyên quan điểm của mình theo QĐGĐT của vụ án Hồ Duy Hải đã phán quyết, thì đó vẫn là quyền được pháp luật cho phép. Vì Khoản 2 Điều 411 BLTTHS 2015 đã quy định:

Điều 411. Thủ tục và thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải tham dự phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và phát biểu quan điểm về việc có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có hay không có tình tiết mới quan trọng làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và quan điểm về việc giải quyết vụ án.

2. Sau khi nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao báo cáo, nghe ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự (nếu có), Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định:

a) Không chấp nhận yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và giữ nguyên quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

b) Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật và quyết định về nội dung vụ án;

c) Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

d) Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.

3. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao biểu quyết tán thành.

Do đó, trong vụ án Hồ Duy Hải, trước hết chúng ta cần hiểu và biết những quy trình, quy định của pháp luật trong việc xét xử - kết án - quyết định số phận của một con người - một công dân, từ đó, chúng ta mới có cách nhìn nhận đúng đắn về sự việc mình quan tâm. Ngoài ra, cần biết về việc Tố tụng là gì và Tố tụng có quan trọng hay không (Xem bài viết tại đây) trong không chỉ vụ án hình sự của Hồ Duy Hải mà cả quá trỉnh xét xử của Tòa án. Chỉ khi nào người dân hiểu biết những quy định của pháp luật, thì quyền lợi của chính mình mới được đảm bảo và các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm cũng đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.

LUẬT VẠN THÔNG
Các trường hợp có thể xảy ra nếu Ủy ban Tư pháp của Quốc hội "tham gia" vụ án Hồ Duy Hải? Các trường hợp có thể xảy ra nếu Ủy ban Tư pháp của Quốc hội "tham gia" vụ án Hồ Duy Hải?
910 1

Bài viết Các trường hợp có thể xảy ra nếu Ủy ban Tư pháp của Quốc hội "tham gia" vụ án Hồ Duy Hải?

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »