Những điều người dân cần biết khi tham gia Tố tụng tại Tòa án.

1:00 AM
VANTHONGLAW.COM - Theo Hiến pháp năm 2013, tại Điều 102, cơ cấu, vị trí và nhiệm vụ của Tòa án trong bộ máy quản lý của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Việt Nam) được quy định cụ thể như sau:

Điều 102.

1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

2. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định.

3. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bài liên quan

Quy định trên được Hiến định theo Hiến pháp năm 2013. Bằng một sự khẳng định cụ thể, chính thức thông qua Hiến pháp, tại Việt Nam, cũng giống như hầu hết các quốc gia dân chủ trên thế giới, Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền xét xử và là cơ quan có thẩm quyền cũng như vị trí "chốt chặn" cuối cùng, cao nhất, quan trọng nhất trong việc duy trì một trật tự xã hội công bằng và tôn trọng quyền con người. Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 chính là cơ sở và đường lối cao nhất, duy nhất, chung nhất cho Tòa án thực hiện sứ mệnh bảo vệ công lý trong xã hội và công bằng cho người dân.

Tuy nhiên, nếu người dân không biết, không hiểu những quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, thì dù hệ thống pháp luật Việt Nam có tiến bộ đến đâu chăng nữa, quyền lợi người dân biết để tự bảo vệ mình vẫn không được đảm bảo một cách đầy đủ. Qua phương tiện thông tin đại chúng như Thanh Niên, Người Lao Động, Nhân Dân, Tuổi Trẻ... trong thời gian đã qua, chúng ta nhận thấy nhiều vụ án - mà bản chất chính là việc xét xử của Tòa án, gây ra nhiều dư luận khác nhau trong xã hội, được phản ánh không chỉ qua báo chí nêu trên mà còn trong không gian mạng xã hội. Việc người dân, xã hội ngày càng chú trọng hiểu biết pháp luật hơn chính là thành quả cho nỗ lực cải cách tư pháp mà Quốc hội, Chính phủ đã cố gắng thực hiện từ trước đến nay.

Người dân cần hiểu biết những đặc tính, quy định, khái niệm của pháp luật để từ đó có thể hành xử và tự bảo vệ mình trong quá trình tìm kiếm công lý thông qua Tòa án.

1. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 - Vậy, Tố tụng là gì?

Tố tụng - hiểu đơn giản, là trình tự, thủ tục mà Nhà nước thông qua hai bộ luật này, bắt buộc Tòa án, cơ quan nhà nước và người dân khi tham gia xét xử phải tuân theo và không được phép làm trái.

Tố tụng có quan trọng hay không? - Tố tụng cực kỳ quan trọng và tố tụng chính là thành quả vĩ đại nhất của nhân loại trên hành trình xây dựng nền Dân chủ. Khi tham gia Tố tụng, bất kể người tham gia là ai, cũng phải tuân thủ trình tự này và chỉ có khi tuân theo trình tự này, sự thật, công bằng và công lý mới được đảm bảo.

Tố tụng hình sự có vai trò như thế nào so với Tố tụng dân sự? - Câu hỏi này không mang tính chất so sánh, nhưng nguyên tắc xét xử của Tòa án nếu vụ án dân sự có yếu tố hình sự thì bắt buộc phải chuyển phần hoặc toàn bộ vụ án sang xét xử theo trình tự của Bộ luật Tố tụng hình sự. Ngược lại, nếu có yếu tố dân sự như bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự, thì hoàn toàn có thể giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự mà không phải tách riêng. Điều này để nói lên rằng, hình sự bao hàm dân sự.

2. Dân sự và Hình sự khác nhau như thế nào?

Sự phân biệt giữa dân sự và hình sự có thể được xem như một thành quả to lớn của quá trình lập pháp nói chung của nhân loại. Vì thông qua sự phân định này, trách nhiệm của người dân, Nhà nước trong xã hội được xem xét ở hai mức khác nhau: phạm tội hay không phạm tội, chịu hình phạt tù hay không chịu hình phạt tù.

Nói nôm na, vụ án hình sự thì Nhà nước tước quyền tự do của người phạm tội thông qua hình phạt tù hoặc tương tự, còn vụ án dân sự, Nhà nước điều chỉnh dựa trên thỏa thuận của những người tham gia vụ án, cùng những quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự, điều chỉnh quyền sở hữu, tài sản hay nghĩa vụ của người dân.

3. Nguyên tắc nào cần biết trong vụ án dân sự và hình sự?

Trong vụ án dân sự:

BLDS 2015 áp dụng triệt để hơn những Nguyên tắc cơ bản trong quan hệ dân sự, trong đó có lẽ công bằng. Lẽ công bằng, bao hàm sự tự do, tự nguyện thỏa thuận của người dân khi thực hiện một hành vi hay giao dịch dân sự nhất định. Khi áp dụng lẽ công băng vào việc xét xử, Tòa án phải xác định sự công bằng đó cho tất cả các đương sự tham gia vụ án. 

Ngoài ra, người dân cần biết nguyên tắc đặc biệt này, trong mọi trường hợp, Tòa án không được quyền từ chối nhận đơn khởi kiện của người dân, dù vấn đề khởi kiện có luật điều chỉnh hay chưa, Tòa án vẫn phải nhận. Sau khi nhận đơn, nếu cần bổ sung thêm chứng cứ, Tòa án sẽ ra thông báo và ấn định khoảng thời gian 15 ngày để người nộp đơn kiện phải bổ sung chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án. Trong trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể tự mình thu thập và cung cấp chứng cứ Tòa án yêu cầu, người nộp đơn kiện có quyền yêu cầu Tòa án phải thu thập chứng cứ đó thay cho mình. Tất cả những điều này được quy định vì quyền lợi của người dân và để bảo đảm mọi vấn đề đều được Tòa án giải quyết.

Trong vụ án hình sự:

Có những điều rất quan trọng mà bất cứ một người dân nào cũng cần biết nếu có liên quan đến vụ án hình sự. Vì bản án hình sự cuối cùng sẽ tước đoạt quyền tự do, quyền công dân và cả quyền sống (tử hình) của một người, nên nếu không hiểu, người dân sẽ không thể đảm bảo quyền lợi của mình được tôn trọng và được bảo vệ một cách đúng đắn.

- Không ai bị coi là tội phạm nếu không bị Tòa án xét xử và tuyên bản án có hiệu lực pháp luật. - Như vậy, thậm chí trong trường hợp phạm tội quả tang, người đó vẫn chưa phải tội phạm, chỉ đến khi Tòa án ra bản án tuyên bố người này là tội phạm và phạm những điều được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người đó mới là tội phạm.

- "Không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình" - Đây là nguyên tắc quan trọng trong BLHS 2015. Theo đó, kể cả người phạm tội quả tang, không buộc phải đưa ra hay thừa nhận hành vi phạm tội của mình, nhưng những chứng cứ mà Cơ quan điều tra thu thập, Tòa án công khai khi xét xử và được thu thập đúng trình tự quy định của Tố tụng Hình sự đã chứng minh cho hành vi phạm tội của người đó thì đây là cơ sở kết tội người đó đã phạm tội.

4. Vì sao trong vụ án hình sự, người [phạm tội] có quyền im lặng?

"Quyền im lặng" là cách gọi về bản chất, theo BLHS 2015, thì đây là việc người bị tình nghi phạm tội (chưa đưa ra xét xử trước Tòa án) có quyền không khai báo bất cứ điều gì với Cơ quan điều tra. Thậm chí, khi đứng trước Tòa án trong phiên xét xử chính thức, người này vẫn có "quyền im lặng", nhưng không phải lúc nào sử dụng quyền này cũng mang lại lợi ích cho người bị cáo buộc phạm tội.

Trước hết, quyền này nhằm đảo bảo quyền con người phải được tôn trọng tuyệt đối và những người thực thi "sứ mệnh bảo vệ công lý" sẽ là những người trước tiên phải tôn trọng quyền công dân. Kết quả cuối cùng của vụ án hình sự có thể là tử hình hoặc vĩnh viễn cả cuộc đời sống trong trại giam, điều này liên quan đến số phận của một con người và cả những người có liên quan đến điều đó, nên không thể chỉ dựa vào lời khai hay thừa nhận mà kết tội, kết luận ngay lập tức về một người được. Điều này có thể dẫn đến oan sai, lạm quyền, sai lầm trong xét xử, điều tra và gây ra hậu quả không thể khắc phục được, không chỉ cho người dân mà cả sự nghiệp, danh tiếng của những người nhân dân pháp luật và công lý mà bảo vệ sự bình yên của xã hội cũng bị ảnh hưởng.

5. Nếu người phạm tội sử dụng "quyền im lặng" không đúng bản chất của quyền này thì sao?

BLHS 2015 đã quy định về những hành vi để được xem xét giảm trách nhiệm hình sự (giảm hình phạt tù), trong số đó, quan trọng nhất chính là hành vi thành khẩn khai báo hoặc tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra để giải quyết vụ án, khắc phục hậu quả. Cơ quan điều tra hoặc Tòa án hoàn toàn có quyền suy luận một người có động cơ phạm tội thật sự nếu người này không tích cực cung cấp lời khai về hành vi, hành động của mình trong thời điểm xảy ra vụ án, tất nhiên chứng cứ vẫn là yếu tố quyết định. Do đó, Cơ quan điều tra hoàn toàn có thể dựa trên những chứng cứ được thu thập khách quan để làm bằng chứng chứng minh hành vi phạm tội của một người.

Và Tòa án sẽ hoàn toàn có bản án thích đáng dành cho những người không tôn trọng "quyền im lặng" mà sử dụng quyền này để chối bỏ, trốn tránh tội lỗi của mình.

6. Qúa trình xét xử tại Tòa án như thế nào?

Tại Việt Nam, tất cả các vụ việc dân sự hoặc hình sự đều phải được xét xử qua 02 (hai) cấp trừ quy định khác. Trong đó, cấp 1 gọi là Sơ thẩm, cấp 2 gọi là Phúc thẩm và bản án Phúc thẩm có hiệu lực ngay tại phiên tòa, trừ trường hợp khác đối với người không tham gia phiên tòa. Tùy bản chất, vụ việc mà xác định Tòa án nào xét xử sơ thẩm. Ví dụ, vụ án về tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hai người dân và có yêu cầu phải hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một bên, thì thông thường sẽ do Tòa án cấp Tỉnh (bao gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) xét xử lần 1 (sơ thẩm) hoặc vụ án có liên quan tới người nước ngoài, thì sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh.

Nếu Tòa án cấp tỉnh xét xử sơ thẩm, tùy thuộc vào tỉnh đó thuộc vùng địa lý Bắc - Trung - Nam nào mà sẽ có Tòa án tương đương ở cấp cao hơn xét xử Phúc thẩm. Hiện nay có ba Tòa án đặt tại ba miền là Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng và Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. HCM. Việc xét xử của các Tòa án đều đã được quy định cụ thể trong BLTTDS 2015 và BLTTHS 2015.

Ngoài hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm trên, người dân có quyền yêu cầu xét xử thêm một cấp nữa nhưng mang tính chất đặc biệt hơn là Giám đốc thẩm và Tái thẩm. Hai cấp này thường sẽ do Tòa án nhân dân Cấp cao hoặc Tòa án nhân dân Tối cao xét xử tùy thuộc vào Tòa án ra quyết định phúc thẩm.

- Giám đốc thẩm được xét xử khi vụ án giải quyết không đúng quy định của pháp luật, nhận định của Tòa án phúc thẩm hoặc sơ thẩm sai lầm, không đúng sự thật khách quan của vụ án. Như vậy, nếu có Giám đốc thẩm diễn ra và kết luận phải hủy hoặc sửa một hoặc hai bản án đã có hiệu lực, nghĩa là Tòa án trực tiếp xét xử người dân đã sai lầm trong việc xét xử.

- Tái thẩm diễn ra nếu có một chứng cứ, sự việc khách quan diễn ra bây giờ mới được biết và làm thay đổi toàn bộ vụ án thì sẽ diễn ra phiên tòa Tái thẩm. Nếu diễn ra phiên tòa Tái thẩm, nghĩa là Tòa án xét xử trước đó không sai.

7. Vai trò của hiểu biết pháp luật trong hoạt động xã hội hiện nay.

Ngày nay, người dân tham gia vào rất nhiều các hoạt động trong xã hội nhằm mục đích không chỉ bảo vệ bản thân mà còn làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Với những người dân có điều kiện, có hiểu biết pháp luật thì có thể tự bảo vệ mình khi tham gia vào quá trình xét xử của Tòa án. Nếu người dân không thực sự am hiểu về pháp luật, về thủ tục Tố tụng tại Tòa án - mà thủ tục này bắt buộc Tòa án phải thực hiện đúng, thì người dân có hai cách để bảo vệ quyền lợi của mình:

- Người dân liên hệ trực tiếp với Tòa án, Sở Tư pháp hoặc Đoàn Luật sư tại địa phương của mình để đề nghị cử người bảo vệ hoặc cùng mình tham gia phiên Tòa. Tùy theo quy định của pháp luật mà người dân sẽ được trợ giúp pháp lý miễn phí hay phải trả phí theo quy định.

- Người dân có thể liên hệ các Văn phòng Luật sư, Công ty Luật để yêu cầu các tổ chức này cử Luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Tùy theo tính chất từng vụ việc, vụ án khác nhau mà mỗi Văn phòng hoặc Công ty Luật sẽ đưa ra mức phí khác nhau khi đảm nhận vụ việc của khách hàng.



Khách hàng có nhu cầu "Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại Tòa án", vui lòng liên hệ:
Địa chỉ: 284 Lê Văn Qưới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
Luật Vạn Thông
Những điều người dân cần biết khi tham gia Tố tụng tại Tòa án. Những điều người dân cần biết khi tham gia Tố tụng tại Tòa án.
910 1

Bài viết Những điều người dân cần biết khi tham gia Tố tụng tại Tòa án.

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »