Pháp luật về nghề luật sư và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp

12:35 AM
Công ty luật, luật sư uy tín, sách luật, văn phòng luật sư tphcm, hà nội, đà nẵng, uy tín, tranh chấp, di chúc thừa kế, nhà đất, thành lập doanh nghiệp, bảo vệ tại tòa án, lý lịch tư pháp, sách luật hay, thư viện trường học, ly hôn, phần mềm quản lý công ty luật, bình luận án lệ, COVID-19

VANTHONGLAW - Bài viết này giúp cho các luật sư hiểu được một cách tổng quát, vị trí, vai trò của Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư (gọi tắt là Quy tắc); Nâng cao ý thức tự giác của luật sư trong việc chấp hành các nghĩa vụ đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hành nghề và trong giao tiếp xã hội; Giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của nghề luật sư, góp phần xây dựng và củng cố sự tin cậy trong xã hội đối với nghề luật sư ở Việt Nam.

Bài liên quan

Bài 1 - TỔNG QUAN VỀ QUY TẮC ĐẠO ĐỨC VÀ ỨNG XỬ NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ 

I. MỤC ĐÍCH  

Giúp cho các luật sư hiểu được một cách tổng quát, vị trí, vai trò của Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư (gọi tắt là Quy tắc); Nâng cao ý thức tự giác của luật sư trong việc chấp hành các nghĩa vụ đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hành nghề và trong giao tiếp xã hội; Giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của nghề luật sư, góp phần xây dựng và củng cố sự tin cậy trong xã hội đối với nghề luật sư ở Việt Nam.  

II. YÊU CẦU  

- Nắm được khái niệm chung về Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư , phân biệt nghĩa vụ đạo đức với nghĩa vụ pháp lý của luật sư trong hành nghề; - Nắm được những quan điểm tư tưởng và yêu cầu của việc xây dựng bộ Quy tắc; - Nắm vững những nội dung cơ bản của bộ Quy tắc cũng như những tiêu chuẩn đạo đức trong quan hệ của luật sư với các chủ thể khác trong hành nghề. - Có sự chuyển hóa trong nhận thức và thực tiễn tuân thủ các quy định về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề của luật sư. 

III. HƯỚNG DẪN HỌC TẬP  

1. Khái niệm chung về Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.  

- Cho đến nay, về mặt khoa học pháp lý, chưa có một định nghĩa chính thức mang tính chất kinh điển về khái niệm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư. Trong nhiều bài viết, tham luận về vấn đề đạo đức nghề nghiệp luật sư, mỗi tác giả cũng đưa ra quan niệm của mình về vấn đề này bằng cách tiếp cận dưới các góc độ khác nhau.  

- Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư đã được Hội đồng luật sư toàn quốc thông qua cũng không đưa ra một định nghĩa về quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư. Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung của Quy tắc, có thể đưa ra một định nghĩa chung về Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư như sau : “Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư là những quy tắc xử sự được thể hiện dưới hình thức văn bản chứa đựng những quy phạm đạo đức và ứng xử nghề nghiệp do Hội đồng luật sư toàn quốc ban hành để điều chỉnh hành vi của các thành viên Liên đoàn luật sư Việt Nam trong quan hệ với các chủ thể có liên quan khi hoạt động nghề nghiệp và trong giao tiếp xã hội".  

- Trong đời sống thường nhật, luật sư tham gia vào các quan hệ xã hội, các quan hệ nghề nghiệp, trong đó có các quan hệ tố tụng trong các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại, lao động, hành chính. Trong các quan hệ tố tụng nêu trên lại diễn ra nhiều loại quan hệ giữa các chủ thể khác như: quan hệ giữa luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng qua các giai đoạn tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; quan hệ với khách hàng, với những người tham gia tố tụng khác, quan hệ với đồng nghiệp, v.v.. Với tư cách một chủ thể tham gia trong các quan hệ tố tụng, luật sư có những quyền và nghĩa vụ tố tụng nhất định theo quy định của pháp luật. Đó là những quyền và nghĩa vụ pháp lý luật sư phải tuân thủ và nếu vi phạm sẽ phải chịu các hình thức xử lý theo các chế tài đã được luật hóa.  

Công ty luật, luật sư uy tín, sách luật, văn phòng luật sư tphcm, hà nội, đà nẵng, uy tín, tranh chấp, di chúc thừa kế, nhà đất, thành lập doanh nghiệp, bảo vệ tại tòa án, lý lịch tư pháp, sách luật hay, thư viện trường học, ly hôn, phần mềm quản lý công ty luật, bình luận án lệ, COVID-19
Nữ luật sư tương lai. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, trong các quan hệ nêu trên, vẫn còn có những trường hợp, tình huống nảy sinh trong thực tiễn giao tiếp không nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật mà thuộc phạm trù đạo đức và ứng xử nghề nghiệp phải được điều chỉnh bằng các quy định đạo đức tương ứng. Đó là các quy định về căn cứ, chuẩn mực đã được xác định trong bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Các quy định này cũng hàm chứa các nghĩa vụ đạo đức mang tính chất cấm đoán hay bắt buộc luật sư phải tuân thủ hoặc các quy phạm mang tính chất khuyến khích luật sư áp dụng trong quá trình hành nghề cũng như trong lối sống, giao tiếp khi tham gia các quan hệ xã hội khác.  

2. Vị trí, vai trò của quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư  

- Nghề luật sư là một nghề có truyền thống cao quý, gắn liền với số phận pháp lý của con người. Thông qua hoạt động của mình, luật sư thực hiện chức năng xã hội cao cả: Bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.  

- Cũng như sông có nguồn, cây có gốc, nhà có nền, đạo đức nghề nghiệp có ý nghĩa là nguồn, là gốc, là nền tảng cơ bản của nghề luật sư. Không có đạo đức nghề nghiệp, nghề luật sư không thể tồn tại, phát triển. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và tự chịu trách nhiệm cá nhân về uy tín nghề nghiệp của mình, với mục tiêu phụng sự công lý, tôn trọng và dựa trên pháp luật thì trước hết phải xuất phát từ một nền tảng đạo đức. Nếu không xuất phát từ nền tảng này thì luật sư khó có thể có ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật khi hành nghề.  

- Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư có giá trị là các chuẩn mực đạo đức của giới luật sư, tạo cơ sở để luật sư tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong sinh hoạt và hành nghề; là thước đó giúp luật sư giữ gìn phẩm chất, uy tín của mỗi cá nhân; từ đó khiêm tốn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề, góp phần nâng cao uy tín nghề nghiệp của giới luật sư trong xã hội. Đây cũng chính là một văn bản mang tính quy phạm nội bộ thể hiện rõ nét nhất cơ chế quản lý theo phương thức “tự quản kết hợp với quản lý nhà nước” của Liên đoàn luật sư Việt Nam.  

3. Quan điểm tư tưởng và yêu cầu của việc xây dựng bộ Quy tắc  

Việc xây dựng bộ Quy tắc phải thể hiện quan điểm tư tưởng và các yêu cầu sau đây:  

1. Trong thời đại hòa nhập với khu vực và thế giới, bộ Quy tắc phải phù hợp với thông lệ quốc tế về nghề luật sư; 

2. Phạm trù đạo đức nghề nghiệp luật sư rất rộng, để tạo cơ sở cho việc quản lý và tự giác thực hiện của từng luật sư, bộ quy tắc phải cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức và hành vi ứng xử nghề nghiệp luật sư; 

3. Nội dung bộ Quy tắc phải phù hợp với trình độ phát triển của nghề luật sư Việt Nam, trên nền tảng thể chế chính trị - xã hội, hệ thống pháp luật, đạo đức và văn hóa của đất nước Việt nam; 

4. Phát huy truyền thống tốt đẹp về đạo đức con người của dân tộc Việt Nam. 

5. Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện bộ Quy tắc là một công việc thường xuyên, lâu dài trong quá trình phát triển của nghề luật sư Việt Nam.  

4. Xác định phạm vi và các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp  

- Khái niệm đạo đức bao giờ cũng được thể hiện trong mối quan hệ giữa người với người. Đạo đức nghề nghiệp luật sư chính là tổng hợp các mối quan hệ giữa luật sư với các chủ thể có liên quan trong hoạt động nghề nghiệp và các mối quan hệ xã hội khác khi luật sư tham gia trong sinh hoạt xã hội. Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư bao gồm các quy phạm mang tính chất tùy nghi để luật sư có thể lựa chọn trong ứng xử hoặc mang tính chất cấm đoán, bắt buộc luật sư phải nghiêm chỉnh thi hành.  

- Quy tắc có những quy tắc chung mang tính chất là những nghĩa vụ đạo đức cơ bản của luật sư và các quy tắc cụ thể điều chỉnh hành vi của luật sư khi tham gia các nhóm quan hệ xã hội trong hành nghề gồm : quan hệ với khách hàng; quan hệ với đồng nghiệp; quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác. Việc điều chỉnh về mặt đạo đức các nhóm quan hệ này chính là những yếu tố cấu thành nội dung cơ bản của Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư Việt Nam.  

- Dựa trên cơ sở đặc thù nghề nghiệp luật sư, bộ Quy tắc đã xác định các tiêu chuẩn sau đây :  

* Các tiêu chuẩn chung về mặt đạo đức nghề nghiệp luật sư:  

Các tiêu chuẩn này liên quan đến chức năng xã hội của luật sư, với sứ mệnh cao cả là bảo vệ công lý, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; tuân thủ và trung thành với Hiến pháp, pháp luật; độc lập, ngay thẳng, tôn trọng sự thật và góp phần vào việc phát triển hệ thống pháp luật, tích cực tham gia các hoạt động công ích.  

* Các tiêu chuẩn đạo đức trong quan hệ với khách hàng:  

Đây là các tiêu chuẩn quan trọng nhất trong Bộ quy tắc. Bởi vì mối quan hệ với khách hàng chính là “lửa thử vàng” đối với cá nhân luật sư. Uy tín, lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp luật sư, sự tiêu cực/hay không tiêu cực của luật sư đều xuất phát từ nền tảng quan hệ này và tác dụng của nó có ý nghĩa chi phối các hành vi ứng xử khác trong “tổng hòa các quan hệ xã hội” của luật sư. Các tiêu chuẩn này liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của luật sư đối với khách hàng; Bao gồm việc tận tâm thực hiện hết khả năng và trách nhiệm với khách hàng trong khuôn khổ pháp luật cho phép và phạm trù đạo đức nghề nghiệp; tuân thủ bí mật quốc gia và bí mật của khách hàng; ngăn ngừa các thủ đoạn hành nghề không lương thiện, tự giác thực hiện các nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích, việc nhận thù lao, v.v..  

* Các tiêu chuẩn đạo đức trong mối quan hệ với đồng nghiệp luật sư:  

Pháp luật về luật sư có rất ít quy phạm điều chỉnh mối quan hệ này. Bởi vì quan hệ đồng nghiệp, về thực chất là những quan hệ đạo đức, trong đó chủ yếu là thái độ ứng xử với nhau trong giới luật sư. Tiêu chuẩn này đòi hỏi mỗi luật sư phải coi uy tín của đồng nghiệp và uy tín của giới là uy tín của chính mình. Điều mình không muốn thì không được làm với đồng nghiệp.  

* Các tiêu chuẩn đạo đức trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội…  Thực ra, điều chỉnh mối quan hệ này, pháp luật đã có các quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với chủ thể - luật sư, với tư cách “Người tham gia tố tụng” hoặc tư cách chủ thể khác tương ứng. Các tiêu chuẩn đạo đức trong phạm vi quan hệ này có ý nghĩa bổ trợ cho thái độ ứng xử của cá nhân luật sư.  

* Các tiêu chuẩn về kỷ luật nghề nghiệp luật sư:

Các tiêu chuẩn này chính là những điều cấm (không được làm) đối với luật sư khi hành nghề. Luật sư sẽ phải chịu các chế tài kỷ luật đối với các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư. Áp dụng các biện pháp chế tài này đòi hỏi phải quy phạm hóa các tiêu chuẩn kỷ luật – thuộc chức năng tự quản nghề nghiệp của Liên đoàn theo Điều lệ, làm căn cứ cho việc xử lý kỷ luật đối với từng cá nhân luật sư.  

5. Nội dung cơ bản của bộ Quy tắc 

1. Lời nói đầu : 
2. Các chương : 
- Chương I. Quy tắc chung. 
- Chương II : Quan hệ với khách hàng. 
- Chương III. Quan hệ với đồng nghiệp. 
- Chương IV. Quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng. 
- Chương V. Quan hệ với các cơ quan nhà nước khác. 
- Chương VI. Các quy tắc khác.  

IV. HƯỚNG DẪN TỰ NGHIÊN CỨU  

1. Mối quan hệ giữa quy phạm pháp luật và quy phạm đạo đức trong việc điều chỉnh hành vi ứng xử của luật sư trong hoạt động nghề nghiệp. 
2. Phân biệt đạo đức nghề nghiệp và ứng xử nghề nghiệp luật sư. 
3. Anh (chị) có nhận xét gì về ý kiến cho rằng “Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư” có ý nghĩa như là một Bộ luật về đạo đức nghề nghiệp luật sư ? 
4. “Luật sư là một bác sĩ chữa những căn bệnh pháp lý cho thân chủ”. Hãy bình luận ý kiến này.  

Luật sư Nguyễn Minh Tâm 
Ủy viên Ban Thường vụ, Phó tổng thư ký Liên đoàn
Pháp luật về nghề luật sư và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Pháp luật về nghề luật sư và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp
910 1

Bài viết Pháp luật về nghề luật sư và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »