Tội trộm cắp tài sản từ thực tiễn quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.
VANTHONGLAW - Nhìn lại ba mươi năm đổi mới kể từ năm 1986, đất nước ta do Đảng lãnh đạo đã đạt được những thành quả to lớn, toàn diện trên tất các các mặt của đời sống xã hội. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, Đảng ta chủ trương giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh những thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được, vẫn còn những khuyết điểm, yếu kém và không ít vấn đề bức xúc nảy sinh chưa được giải quyết đó là sự tha hóa, biến chất về đạo đức, lối sống thực dụng và hưởng thụ của một bộ phận con người trong xã hội làm phát sinh tệ nạn xã hội, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt là tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Để bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, từ Bộ luật hình sự năm 1985 lần đầu tiên được pháp điển hóa cho đến Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 và Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, pháp luật hình sự Việt Nam đều dành một chương riêng trong phần các tội phạm để quy định về các tội xâm phạm sở hữu, trong đó có tội trộm cắp tài sản. Thực tiễn công tác đấu tranh, phòng chống và xử lý tội phạm cho thấy, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tiến hành tố tụng, chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử ngày càng được nâng cao.
Số vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn quận Đống Đa đã được phát hiện chiếm tỷ lệ cao và được đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm nói chung, tội trộm cắp tài sản nói riêng trên địa bàn quận Đống Đa vẫn còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân là do ý thức tự bảo vệ tài sản của mình và tham gia bảo vệ tài sản của người khác trong quần chúng nhân dân còn chưa cao; các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế mặc dù có điều kiện về kinh tế nhưng công tác bảo vệ tài sản còn nhiều hạn chế, mất cảnh giác, không quan tâm trang bị các phương tiện khoa học kỹ thuật để phục vụ cho việc phòng ngừa và chống tội phạm; số đối tượng bị phạt tù sau khi chấp hành xong hình phạt tù để tái hòa nhập cộng đồng còn chưa được quản lý chặt chẽ, chưa được tạo điều kiện để họ tái hòa nhập cộng đồng và chưa được tạo điều kiện về công ăn việc làm, do đó số đối tượng này không có việc làm còn nhiều nên tỷ lệ tái phạm còn cao.
Đặc biệt, quá trình áp dụng pháp luật hình sự đối với tội trộm cắp tài sản của các cơ quan bảo vệ pháp luật của Quận Đống Đa còn có những hạn chế, một số vụ việc chưa đánh giá hết tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nên việc định tội danh và áp dụng hình phạt còn chưa thật chính xác; việc áp dụng một số quy định của pháp luật còn chưa thống nhất, dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Chính vì vậy, Tác giả lựa chọn đề tài “Tội trộm cắp tài sản từ thực tiễn quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội” làm luận văn Thạc sĩ với mong muốn trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn xử lý loại tội này sẽ góp phần bảo đảm việc áp dụng đúng pháp luật hình sự, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội trộm cắp tài sản tại quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội..
Nguyễn Thế Thanh
Xem toàn văn tại đây hoặc liên hệ Facebook VanThongLaw
Luật Vạn Thông st