Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản thông qua cơ chế kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản thông qua cơ chế kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
VANTHONGLAW - Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đưa ra khái niệm: “Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là việc xem xét, đánh giá, kết luận về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được kiểm tra và xử lý văn bản trái pháp luật".
Bài liên quan
Về bản chất, kiểm tra văn bản là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 165, Điều 166, Điều 167 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thực hiện việc xem xét, đánh giá và kết luận về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản sau khi ban hành nhằm phát hiện, đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật. Hoạt động kiểm tra văn bản được thực hiện kết hợp giữa việc tự kiểm tra văn bản của cơ quan, người ban hành văn bản với việc kiểm tra văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền.
Theo quy định tại Điều 111 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) thì cơ quan, người có thẩm quyền tự kiểm tra, kết luận tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản gồm: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tự kiểm tra văn bản do mình ban hành hoặc liên tịch ban hành ngay sau khi văn bản được ban hành hoặc nhận được yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó, việc giúp cơ quan, người có thẩm quyển tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được quy định như sau:
- Người đứng đầu tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là đầu mối giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện việc tự kiểm tra thông tư, thông tư liên tịch do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.
- Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp là đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện việc tự kiểm tra thông tư, thông tư liên tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.
- Người đứng đầu tổ chức pháp chế cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với tổ chức pháp chế thuộc bộ mà Bộ trưởng bộ đó đã ban hành văn bản thuộc lĩnh vực hoạt động của cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc tự kiểm tra văn bản;
- Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân giúp Hội đồng nhân dân thực hiện việc tự kiểm tra văn bản của Hội đồng nhân dân;
- Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp, người đứng đầu cơ quan được Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt giao là đầu mối giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện việc tự kiểm tra văn bản;
- Công chức tư pháp - hộ tịch giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc tự kiểm tra văn bản;
- Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, người đứng đầu tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước để tự kiểm tra thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Kiểm tra theo thẩm quyền là xem xét, đánh giá và kết luận về tính hợp pháp của văn bản được kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền ở bộ, ngành, địa phương đối với các văn bản có quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành, địa phương mình. Kiểm tra văn bản theo thẩm quyền nhằm bảo đảm nội dung của văn bản đã ban hành phù hợp với pháp luật về lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành có liên quan trong văn bản đó. Hoạt động kiểm tra theo thẩm quyền thực chất là sự “kiểm soát chéo” giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện pháp luật và có thể, từ hoạt động này mà những nội dung không phù hợp với pháp luật không được phát hiện ở giai đoạn tự kiếm tra sẽ được xem xét, đánh giá lại, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của văn bản.
Theo quy định tại Điều 113 và Điều 114 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) thì các chủ thể sau có thẩm quyền kiểm tra văn bản:
(i) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ kiểm tra văn bản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành về những nội dung có liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.
(ii) Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện thẩm quyền kiểm tra văn bản theo quy định tại mục (i) nêu trên và giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; nội dung quy định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ trong thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiểm tra các văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
(iii) Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thực hiện thẩm quyền kiểm tra theo quy định tại mục (i) nêu trên và giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; nội dung quy định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp trong thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
(iv) Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh kiểm tra văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã. Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có thể được xem là hoạt động bảo vệ Hiến pháp có tính đặc thù.
Tính đặc thù của phương thức này thể hiện ở điểm, kiểm tra văn bản được thực hiện bởi các cơ quan, người có thẩm quyền trong nội bộ hệ thống cơ quan hành chính nhà nước để xem xét tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của các văn bản từ cấp Bộ trưởng trở xuống sau khi văn bản được ban hành. Đồng thời, hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có tác động mạnh mẽ trở lại hoạt động xây dựng pháp luật, giúp nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật ban hành văn bản, góp phần bảo đảm chất lượng của hệ thống pháp luật; tác động sâu sắc đến hoạt động thi hành pháp luật, bảo đảm chỉ đưa vào thực hiện trong đời sống xã hội những văn bản hợp hiến, hợp pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước và xã hội.
Theo quy định tại Điều 104 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, nội dung kiểm tra văn bản tập trung xem xét, đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản được kiểm tra, bao gồm: - Kiểm tra về thẩm quyền ban hành văn bản gồm kiểm tra thẩm quyền về hình thức và kiểm tra thẩm quyền về nội dung; - Kiểm tra về nội dung văn bản; kiểm tra về căn cứ ban hành; thể thức, kỹ thuật trình bày; - Kiểm tra về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản. Trong đó, xem xét nội dung văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật, cụ thể:
(i) Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao , Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải phù hợp với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết, nghị quyết liên tịch của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
(ii) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải phù hợp với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết, nghị quyết liên tịch của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tô quốc Việt Nam, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, thông tư liên tịch của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ;
(iii) Nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương và văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dần cấp tỉnh;
(iv) Nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã phải phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương và văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện;
(v) Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt phải phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn văn băn được kiểm tra. Các văn bản dùng làm căn cứ pháp lý để xác định nội dung trái pháp luật của văn bản được kiểm tra phải đang có hiệu lực tại thời điểm ban hành văn bản được kiểm tra hoặc chưa có hiệu lực tại thời điểm ban hành văn bản được kiểm tra nhưng đã được thông qua hoặc ký ban hành và sẽ có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản được kiểm tra. Việc xem xét, đánh giá một nội dung, quy định của văn bản có bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong quá trình kiểm tra cũng chính là việc trả lời các câu hỏi nhằm xem xét tính hợp hiến, hợp pháp trong quá trình thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), quy trình kiểm tra văn bản theo thẩm quyền gồm các bước như sau:
- Bước 1: Tiếp nhận văn bàn thuộc đối tượng kiểm tra;
- Bước 2: Thủ trưởng cơ quan kiểm tra văn bản phân công người kiểm tra văn bản;
- Bước 3: Người kiểm tra văn bản tiến hành xem xét, đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản được kiểm tra;
- Bước 4: Báo cáo kết quả kiểm tra văn bản và đề xuất hướng xử lý:
- Bước 5: Kết luận kiểm tra văn bản:
+ Thủ trưởng cơ quan kiểm tra văn bản xem xét, kết luận theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, kết luận về nội dung trái pháp luật của văn bản;
+ Kết luận kiểm tra phải có các nội dung cơ bản sau đây: tên văn bản được kiểm tra; tên và nội dung văn bàn làm cơ sở pháp lý để xác định nội dung trái pháp luật của văn bản được kiểm tra: ý kiến về nội dung trái pháp luật của văn bản được kiểm tra; yêu cầu cơ quan, người đã ban hành văn bản xem xét, xử lý và thông báo kết quả xử lý văn bản theo quy định của pháp luật, đồng thời kiến nghị việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người đã tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật đó;
+ Kết luận kiểm tra được gửi cho cơ quan,, người đã ban hành văn bản để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Khi phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, cơ quan, đơn vị thực hiện việc tự kiểm tra theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 111 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) có trách nhiệm lập hồ sơ kiểm tra văn bản và báo cáo ngay kết quả kiểm tra văn bản với cơ quan, người đã ban hành văn bản đó để xem xét xử lý đình chỉ thi hành, bãi bỏ hoặc đính chính theo quy định tại Điều 130 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) quy định cụ thể hình thức xử lý văn bản trái pháp luật, văn bản có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật. Như vậy, hoạt động kiểm tra văn bản của các chủ thể có trách nhiệm, thẩm quyền kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đối với văn bản ngay sau khi được ban hành là phương thức “hậu kiểm" quan trọng nhằm kiểm soát tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật khi đưa vào thực tế áp dụng, hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra.
//
Các cơ chế này bao gồm:
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:
Địa chỉ: 284 Lê Văn Qưới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG