Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản thông qua hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

12:00 AM
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản thông qua hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
VANTHONGLAW - Ngoài kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng là một phương thức "hậu kiểm" có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật. Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định: “Rà soát văn bản quy phạm pháp luật là việc xem xét, đối chiếu, đánh giá các quy định của văn bản được rà soát với văn bản là căn cứ để rà soát, tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp". 

Như vậy, mục đích cuối cùng của rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng chính là nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản được rà soát quy định tại Điều 137 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP gồm các văn bản quy định tại Điều 4 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, trừ Hiến pháp. Nguyên tắc rà soát văn bản quy phạm pháp luật quy dịnh tại Điều 138 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, cụ thể: 
Việc rà soát văn bản phải dược tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát; không bỏ soát văn bản thuộc trách nhiệm rà soát; kịp thời xử lý kết quả rà soát; tuân thủ trình tự rà soát. 
Đối với hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật, người thực hiện rà soát các nội dung sau: Hiệu lực của văn bản, căn cứ ban hành của văn bản, thẩm quyền ban hành văn bản, nội dung của văn bản, đối tượng điều chỉnh của văn bản, hình thức văn bản, quan hệ xã hội mới cần được điều chỉnh bằng văn bản quy phạm pháp luật (Điều 147, Điều 148 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP). Trong hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật, việc xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản, người rà soát văn bản phải xem xét sự phù hợp về thẩm quyền ban hành văn bản được rà soát (thẩm quyền về hình thức và thẩm quyền về nội dung) với quy định của văn bản là căn cứ để rà soát và đánh giá nội dung của văn bản được rà soát để xác định quy định trái, chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ rà soát. 

Thẩm quyền về hình thức được xác định theo quy định về hình thức (tên loại) văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của cơ quan, người có thẩm quyền. Thẩm quyền về nội dung được xác định theo quy định về phân công, phân cấp, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước cụ thể của từng cơ quan, từng cấp, từng ngành đối với từng lĩnh vực.  

Khi xem xét, đánh giá nội dung văn bản được rà soát, người rà soát cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa các quy định trái pháp luật trong hoạt động rà soát và các quy định trái pháp luật trong hoạt động kiểm tra văn bản. Theo đó, trong hoạt động kiểm tra, tính hợp pháp của văn bản cân được xem xét, đối chiếu với các quy định tại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên kể từ thời điểm văn bản được ban hành. Tuy nhiên, trong hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tính hợp pháp của văn bản được rà soát cần xem xét, đối chiếu với các quy định của văn bản là căn cứ để rà soát. 

Về bản chất, văn bản là căn cứ để rà soát được ban hành mới làm cho văn bản được rà soát không phù hợp, mâu thuẫn, lạc hậu. Trong đó, trường hợp các văn bản là căn cứ để rà soát có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dung quy định của văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, nếu các văn bản là căn cứ để rà soát do một cơ quan ban hành thì áp dụng văn bản được ban hành sau. Việc xem xét các nội dung của văn bản được rà soát phù hợp hay không phù hợp với Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên được thực hiện như đối với hoạt động xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản trong thẩm định dự thảo văn bản, giám sát, kiểm tra văn bản. 

Tuy nhiên, hậu quả pháp lý của văn bản trái pháp luật trong rà soát khác với hậu quả pháp lý của văn bản khi kiểm tra phát hiện trái pháp luật. Đồng thời, đối với văn bản qua rà soàt phát hiện trái, chồng chéo, mâu thuẫn thì không đặt ra trách nhiệm pháp lý của người ban hành văn bản, trong khi đó, việc xem xét văn bản trái pháp luật trong hoạt động kiểm tra cần gắn với xem xét trách nhiệm của người ban hành văn bản trái pháp luật. Theo đó, căn cứ vào kết quả rà soát, các cơ quan có trách nhiệm rà soát thực hiện xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý văn bản trái, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật. 

Các hình thức xử lý văn bản được rà soát quy định tại Điều 143 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP).  Để xác định một nội dung của văn bản không phù hợp với quy định hay tinh thần (quy định gián tiếp) của Hiến pháp, người làm công tác xây dựng, giám sát, kiểm tra, rà soát văn bản (sau đây gọi tắt là người làm công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật) cần hiểu rõ các quy định của Hiến pháp liên quan đến lĩnh vực điều chỉnh của văn bản đó. Đối với các quy định mang tính trực tiếp trong Hiến pháp, người làm công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật cần đối chiếu, so sánh các văn bản quy phạm pháp luật với các quy định của Hiến pháp. Từ đó, xem xét văn bản quy phạm pháp luật có đặt ra những quy định mới, hạn chế quá trình thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân hay không nhằm mục đích xác định tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật.  

Đối với những quy định gián tiếp của Hiến pháp, người làm công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật cần so sánh, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật mà Hiến pháp dẫn chiếu, giao quy định (thường bao gồm các luật và các văn bản dưới luật liên quan đến ngành, lĩnh vực đó). Trường hợp phát hiện văn bản được xem xét, kiểm tra, rà soát có những nội dung không phù hợp thì có thể hiểu văn bản đó không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Xem xét sự phù hợp của văn bản được giám sát, kiểm tra, rà soát với tinh thần của Hiến pháp là việc làm khó bởi những quy định này không thể hiện rõ ràng, đòi hỏi người thực hiện xem xét, kiểm tra, rà soát văn bản phải hiểu rõ các quy định của Hiến pháp cũng như quy định của các văn bản pháp luật có liên quan.  

Như vậy, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là một nguyên tắc đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013, đồng thời tiếp tục được khẳng định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Khoản 1 Điều 5). 

Việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật không chủ được thực hiện trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà còn được thực hiện trong quá trình thi hành, hoàn thiện pháp luật như cơ chế giám sát, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản. Việc xem xét, đánh giá về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật cần được thực hiện theo các tiêu chí khoa học, rõ ràng trên cơ sở quy định pháp luật như đã nêu. 
---

Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:
Địa chỉ: 284 Lê Văn Qưới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản thông qua hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản thông qua hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
910 1

Bài viết Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản thông qua hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »