Chữ ký số là gì? Doanh nghiệp có bắt buộc phải dùng chữ ký số không?

7:00 PM

        Chữ ký số là gì? Doanh nghiệp có bắt buộc phải dùng chữ ký số không?


VANTHONGLAW - Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, các giao dịch ngày càng được thực hiện phổ biến trên nền tảng Internet, từ đó dẫn đến điều tất yếu là các doanh nghiệp, tổ chức cần phải có con dấu cũng như là chữ ký điện tử để xác thực những văn bản, tài liệu trên môi trường điện tử. Chính vì vậy, đòi hỏi pháp luật phải quy định về một hình thức thống nhất, có giá trị pháp lý dùng để thay thế cho chữ ký, con dấu của doanh nghiệp, tổ chức là chữ ký số (token).

Bài liên quan:

Chữ ký số (token) được hiểu đơn giản dưới góc độ doanh nghiệp là một thiết bị mã hóa tất cả dữ liệu, thông tin định  của một doanh nghiệp, có giá trị pháp lý như là con dấu của doanh nghiệp và được dùng để ký thay cho chữ ký trong các văn bản và tài liệu số trên môi trường điện tử.

Chữ ký số được quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP như sau:

“Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;

b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.”

Theo đó, cũng trong Điều 3 Nghị định trên giải thích các thuật ngữ về “khóa”, “khóa công khai”, “khóa bí mật” và “hệ thống mật mã không đối xứng” như sau:

- "Khóa" là một chuỗi các số nhị phân (0 và 1) dùng trong các hệ thống mật mã.

- "Hệ thống mật mã không đối xứng" là hệ thống mật mã có khả năng tạo được cặp khóa bao gồm khóa bí mật và khóa công khai.

- "Khóa bí mật" là một khóa trong cặp khóa thuộc hệ thống mật mã không đối xứng, được dùng để tạo chữ ký số.

- "Khóa công khai" là một khóa trong cặp khóa thuộc hệ thống mật mã không đối xứng, được sử dụng để kiểm tra chữ ký số được tạo bởi khóa bí mật tương ứng trong cặp khóa.

Như vậy, theo quy định pháp luật, chữ ký số là chữ ký điện tử mà pháp luật công nhận và có giá trị thay thế chữ ký trên giấy trong các văn bản điện tử.

Từ định nghĩa và quy định trên, có thể thấy rằng, chữ ký số là một phần quan trọng trong các doanh nghiệp, giúp hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giao dịch trên nền tảng như phát hành hóa đơn, ký các hợp đồng điện tử, ngoài ra còn có vai trò trong việc thực hiện các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp, khai báo thuế cho doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử Quốc gia.

Giá trị pháp lý của chữ ký số được quy định cụ thể tại Điều 8 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP như sau:

“1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

3. Chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại Chương V Nghị định này có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp.”

Vậy có phải doanh nghiệp nào cũng phải đăng ký và sử dụng chữ ký số không?

Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng chữ ký số trong hoạt động kinh doanh. Theo đó, khoản 3 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. 

Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau thì pháp luật quy định doanh nghiệp phải sử dụng chữ ký số:

- Hóa đơn điện tử khi mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, khi sử dụng hóa đơn điện tử phải có phần chữ ký số (trừ trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điên tử với cơ quan thuế). Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 3 Nghị định 119/2018/NĐ-CP. Ngoài ra, hóa đơn điện tử cũng không bắt buộc phải có chữ ký điện tử đối với các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 68/2019/TT-BTC;

- Người nộp thuế thực hiện hoạt động kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật. Cơ sở pháp lý: khoản 10 Điều 17 Luật quản lý thuế 2019.

Bích Trâm
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Chữ ký số là gì? Doanh nghiệp có bắt buộc phải dùng chữ ký số không? Chữ ký số là gì? Doanh nghiệp có bắt buộc phải dùng chữ ký số không?
910 1

Bài viết Chữ ký số là gì? Doanh nghiệp có bắt buộc phải dùng chữ ký số không?

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »