Tư vấn về trường hợp thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự

9:00 AM

  Tư vấn về trường hợp thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự


VANTHONGLAW - Cho tôi hỏi, trước đây khi tôi nộp đơn khởi kiện đòi lại tiền, tôi không yêu cầu tính tiền lãi chậm trả. Vậy sau khi đơn khởi kiện của tôi được thụ lý, tôi muốn bổ sung yêu cầu tính lãi chậm trả có được không?

Bài liên quan:

Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là một trong những nguyên tắc cơ bản được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015). Nội dung của nguyên tắc trên là đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, chấm dứt, thay đổi yêu cầu trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự hoặc tự thỏa thuận với nhau. 

Theo quy định tại khoản 4 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 BLTTDS 2015 thì người khởi kiện có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc bổ sung, thay đổi yêu cầu khởi kiện là quyền cơ bản của nguyên đơn, thể hiện nguyên tắc tự định đoạt, quyết định của đương sự. Tuy nhiên, không phải trong bất kỳ trường hợp nào, nguyên đơn cũng có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện mà việc thay đổi, bổ sung yêu cầu đó phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, yêu cầu thay đổi, bổ sung cũng cần phải trong phạm vi pháp luật cho phép thì yêu cầu mới được thụ lý.

Thời điểm được quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện được quy định tại điểm b khoản 4 Điều 210, Điều 243 và Điều 244 BLTTDS 2015. Ngoài ra còn được quy định cụ thể tại Mục 7 Phần IV Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC của TAND Tối cao về Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ như sau:

“Theo quy định tại Điều 5, khoản 4 Điều 70, khoản 2 Điều 71, khoản 3 Điều 200, khoản 2 Điều 210, Điều 243 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì:

- Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

- Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.”

Và Mục 7 Phần II Công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của TAND Tối cao về Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ như sau:

“Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 235, khoản 1 Điều 236, khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự tại phiên tòa chỉ được Hội đồng xét xử chấp nhận nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu được thể hiện trong đơn khởi kiện của nguyên đơn, đơn phản tố của bị đơn, đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, khi được Chủ tọa hỏi có thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập hay không thì đương sự có quyền trình bày về việc thay đổi, bổ sung yêu cầu mà không phải làm lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phản tố, đơn yêu cầu độc lập và không phải nộp tiền tạm ứng án phí đối với phần yêu cầu thay đổi, bổ sung đó. Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Trường hợp Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu thay đổi, bổ sung của đương sự thì phải ghi rõ trong bản án.”

Từ những căn cứ pháp lý nêu trên, có thể rút ra kết luận: thời điểm nguyên đơn có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện là:

- Trước, trong và sau thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải;

- Tại phiên tòa sơ thẩm.

Tuy nhiên, theo Công văn hướng dẫn của TAND Tối cao thì khi bổ sung yêu cầu khởi kiện vào thời điểm trong hoặc sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải hay trong phiên tòa sơ thẩm thì yêu cầu bổ sung, thay đổi đó chỉ được chấp nhận khi không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu.

Có thể hiểu nguyên nhân có quy định trên xuất phát từ quá trình giải quyết vụ việc dân sự rất phức tạp, cần tốn nhiều thời gian để thu thập chứng cứ cũng như là xem xét, đánh giá các tình tiết của vụ việc. Vì vậy, việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nếu không bị giới hạn trong phạm vi khởi kiện ban đầu thì dễ dẫn đến tình trạng trong quá trình giải quyết vụ việc, nguyên đơn nhiều lần thay đổi, bổ sung yêu cầu khiến cho thời gian giải quyết kéo dài và không thống nhất. 

Mặc dù có quy định yêu cầu thay đổi, bổ sung tại giai đoạn trong hoặc sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải hay trong phiên tòa sơ thẩm thì phải không được vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu thì mới được thụ lý giải quyết. Nhưng pháp luật lại bỏ ngỏ, không quy định thế nào là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu. Chính vì vậy, việc xác định thế nào là “không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu” tồn tại rất nhiều quan điểm khác nhau. Một trong số đó là quan điểm:

(1) Không vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu là không được đưa thêm yêu cầu mới (trong Cuốn Bình luận Khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, do PGS. TS. Trần Anh Tuấn chủ biên);

(2) Không làm tăng thêm giá trị tranh chấp trong cùng quan hệ pháp luật tranh chấp mà Tòa án đang xem xét giải quyết (Bài viết của tác giả Dương Tấn Thanh: “Bàn về phạm vi khởi kiện và quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự theo BLTTDS năm 2015” đăng trên Trang điện tử Tạp chí Tòa án).

Nhưng từ quy định tại khoản 1 Điều 188 BLTTDS 2015 về phạm vi khởi kiện  thì phạm vi khởi kiện là khởi kiện về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án. Ta có thể hình dung được không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu nghĩa là không tạo ra một quan hệ pháp luật khác để giải quyết.

Mà quan hệ pháp luật là các quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật khác nhau, những quan hệ xã hội này xác lập, phát triển, tồn tại hay chấm dứt dựa trên quy định của pháp luật, các bên tham gia vào quan hệ đó là những chủ thể có quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý phát sinh được pháp luật quy định và Nhà nước sẽ bảo đảm thực hiện.

Đồng thời, trong bài viết “Bàn về việc thay đổi và bổ sung yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự” đăng trên Cổng thông tin điện tử VKSNDTC, tác giả Vũ Thị Bích Hải - Đinh Thu Thủy cho rằng:

“Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn tại phiên tòa sơ thẩm được xác định là không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu nếu việc chấp nhận thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

1. Không cần phải thu thập bổ sung chứng cứ và không cần phải tổ chức phiên họp kiểm tra việc tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

2. Không làm xuất hiện người tham gia tố tụng mới.

3. Không nhằm gây khó khăn hoặc trì hoãn việc giải quyết vụ án.”

Như vậy, có thể hiểu rằng, yêu cầu thay đổi, bổ sung “không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu” là yêu cầu mà khi Tòa án thụ lý giải quyết:

- Không cần bổ sung chứng cứ;

- Không làm xuất hiện thêm người tham gia tố tụng mới;

- Không làm xuất hiện quan hệ pháp luật mới;

- Không nhằm gây khó khăn hoặc trì hoãn việc giải quyết vụ án.

Đối với câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời như sau:

Bạn là nguyên đơn trong vụ án dân sự đang được Tòa án giải quyết nên bạn sẽ có các quyền của nguyên đơn, trong đó có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, thời điểm bạn bổ sung yêu cầu khởi kiện là khi nào trong 04 mốc thời gian sau:

(1) Trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải;

(2) Tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải;

(3) Sau thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải;

(4) Tại phiên tòa sơ thẩm.

Trường hợp, bạn bổ sung yêu cầu khởi kiện vào các thời điểm (2), (3), (4) thì yêu cầu bổ sung của bạn phải đáp ứng điều kiện là không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu thì Tòa án mới thụ lý và giải quyết yêu cầu đó.

Trên lý thuyết, yêu cầu ban đầu của bạn là đòi tiền nên quan hệ pháp luật giữa hai bên mà Tòa án thụ lý và giải quyết là quan hệ tranh chấp đòi tài sản (cụ thể là tiền). Việc bạn bổ sung yêu cầu tính lãi chậm trả phát sinh từ tranh chấp đòi tài sản nên không làm phát sinh quan hệ mới, không làm xuất hiện thêm người tố tụng mới. Ngoài ra, yêu cầu tính lãi chậm trả của bạn dựa trên yêu cầu đòi tiền, việc Tòa án thụ lý để giải quyết yêu cầu bổ sung của bạn sẽ dựa trên yêu cầu đòi lại tiền, do đó, không cần bổ sung chứng cứ. Bên cạnh đó, yêu cầu bổ sung của bạn không nhằm mục đích gây khó khăn hoặc trì hoãn việc giải quyết vụ án mà nhằm mục đích đòi lại quyền lợi của chính bản thân bạn.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng việc bạn bổ sung yêu cầu tính lãi chậm trả trong tranh chấp đòi lại tài sản là có cơ sở xem xét và chấp nhận.

Bích Trâm
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG

Tư vấn về trường hợp thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự Tư vấn về trường hợp thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự
910 1

Bài viết Tư vấn về trường hợp thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »