Tầm quan trọng của “công việc nội trợ” và những quy định pháp luật nhằm bảo vệ người làm việc nội trợ
Tầm quan trọng của “công việc nội trợ” và những quy định pháp luật nhằm bảo vệ
người làm việc nội trợ
VANTHONGLAW - Công việc nội trợ luôn là công việc cần thiết trong tất cả gia đình, tất cả thời đại. Tuy nhiên đây lại là công việc nhận nhiều tranh cãi, định kiến và cũng là nguyên nhân cho sự mâu thuẫn thế hệ, sự phân biệt, đối xử bất công trong gia đình. Bài viết này sẽ phân tích về những mặt tích cực của “công việc nội trợ”, giúp người đọc hiểu thêm về tầm quan trọng cũng như là cung cấp cho người đọc cái nhìn pháp lý về công việc này.
Bài liên quan:
1. Công việc nội trợ là gì?
“Nội”
có nghĩa là bên trong, “trợ” có nghĩa là trợ giúp. Như vậy, nội trợ được hiểu
là những công việc trong gia đình từ chăm sóc, giữ gìn nhà cửa, lo cơm nước cho
đến việc dạy dỗ con cái, chăm lo cho bố mẹ,... thậm chí là còn kiêm luôn các
công việc như vạch ra kế hoạch chi tiêu, dự trù kinh phí cho gia đình.
Nghe
qua thì rất nhiều người nghĩ rằng công việc này khá là đơn giản. Nhưng những ai
đã từng làm công việc nội trợ mới biết đây là một công việc nặng nhọc, chiếm
khá nhiều thời gian cũng như là tạo ra những áp lực vô hình cho người làm việc
bởi những định kiến và cái nhìn sai lệch của những người xung quanh
dành cho người làm công việc này.
Ngoài
ra, đây cũng không phải là công việc mà ai muốn làm cũng được như mọi người thường hiểu lầm. Thực chất, để đảm đương được công việc nội trợ, thì người đó phải
có những năng lực nhất định như khả năng vạch ra kế hoạch làm việc, khả năng
tính toán trong việc chi tiêu sao cho hợp lý. Bên cạnh đó, người làm công việc
này đòi hỏi phải có tình yêu thương và sự hy sinh vô cùng lớn đối với gia đình do
đây là công việc chiếm hầu như toàn bộ thời gian, cũng là công việc nhận lại nhiều định kiến từ người khác nhất.
Cụ
thể, không ít người sẵn sàng từ bỏ mọi công việc ở bên ngoài để quay về chăm sóc cho
tổ ấm của mình nhưng lại chỉ nhận được sự thiếu tôn trọng, sự trách móc bởi những
người xung quanh, có khi là chính vợ/chồng của mình vì chỉ ở nhà, không ra đường
kiếm tiền mang về cho gia đình, thậm chí trong một số trường hợp, họ còn bị
đánh đồng là chỉ biết ăn bám chồng/vợ,... Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng,
công việc nội trợ là một công việc có tầm quan trọng rất lớn trong xã hội. Sau
đây là một số phân tích về tầm quan trọng của công việc này.
2. Tầm quan trọng của công việc nội
trợ
Ngày
nay, khi xã hội phát triển, chế độ bình đẳng giữa nam và nữ ngày càng được chú
trọng, cả đàn ông và phụ nữ đều có nhiều cơ hội hơn để khẳng định bản thân,
theo đuổi các mục tiêu sự nghiệp. Vì vậy, những người lựa chọn làm công việc nội
trợ thường bị đánh đồng là không có tài năng, yếu đuối và bị đánh giá thấp nên rất ít người dám từ bỏ công danh, sự nghiệp bên ngoài để trở thành một
người nội trợ trong gia đình. Tuy nhiên, những phân tích dưới đây sẽ giúp cho
người đọc hiểu rõ tầm quan trọng của công việc này cũng như có cái nhìn khác
hơn đối với những người nội trợ.
a) Tầm
quan trọng đối với gia đình
Một
nghiên cứu đã chỉ ra rằng, gia đình có một người đảm đương các công việc nội trợ
sẽ làm tăng mức độ hạnh phúc của gia đình đó, góp phần giúp con cái trưởng
thành, phát triển tốt, có tâm sinh lý ổn định. Kết quả trên là hệ quả tất yếu của
quá trình chăm sóc nhà cửa, gia đình của người nội trợ.
Với những gia đình có một người đặt toàn vẹn thời gian để
chăm sóc, vun vén cho mái ấm thì tất yếu con cái sẽ luôn được yêu thương,
chăm sóc, dạy dỗ một cách tốt nhất. Những đứa trẻ khi nhận được tình yêu thương
từ gia đình sẽ là nền tảng giúp chúng hình thành nhân sinh quan tích cực, biết
yêu thương và sống tình cảm. Bên cạnh đó, khi có một người luôn bên cạnh đồng
hành, chăm sóc và lắng nghe những vấn đề của bản thân, những đứa trẻ cũng sẽ
không phải chịu đựng những vấn đề tâm lý tuổi mới lớn, bốc đồng tuổi dậy thì một
mình mà thay vào đó sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ bố mẹ. Từ đó, giúp trẻ có một trạng
thái tâm lý ổn định, vững vàng, hạn chế tối đa những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc.
Ngược
lại, đa số những đứa trẻ có bố mẹ dành nhiều thời gian ra ngoài xã hội kiếm
tiền sẽ luôn cảm thấy trống trải, cô đơn. Chúng sẽ dành phần nhiều thời gian
vào những chốn ồn ào, náo nhiệt và vui vẻ để xua tan cảm giác cô đơn, trống trải
và thiếu vắng trong lòng. Không nhận được sự quan tâm về phương diện tình cảm
và tinh thần nhiều từ bố mẹ dễ khiến chúng rơi vào trạng thái thường xuyên tiêu
cực. Thêm vào đó, không có người nâng đỡ về mặt tâm sinh lý khiến những đứa trẻ
khi bước vào giai đoạn mới lớn khó tìm được lối thoát cho những vấn đề cuộc sống.
Từ đó, dẫn đến những hệ lụy là có suy nghĩ, hành vi lệch lạc, tâm sinh lý không
vững vàng.
Ngoài
ra, khi bố mẹ không phải chịu áp lực nhiều từ công việc, không phải chịu đựng sự
mệt mỏi từ công việc thì cũng sẽ hạn chế được sự cáu gắt, áp lực với con cái. Một
nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng, khi một người cảm thấy áp lực, mệt mỏi, chán nản
thì họ đã vô tình gây áp lực, căng thẳng đối với những người xung quanh. Do đó,
không ít trường hợp bố mẹ vì áp lực công việc quá lớn mà vô tình làm ảnh hưởng
đến tâm sinh lý của con cái, cáu gắt vô cớ khiến chúng luôn trong tình trạng lo
sợ, dè dặt trước ánh mắt của bố mẹ.
b) Tầm
quan trọng đối với xã hội
Gia
đình là cái nôi của xã hội. Một gia đình hạnh phúc sẽ góp phần xây dựng nên một
xã hội tốt đẹp. Thực tế chứng minh, một gia đình hạnh phúc thì các thành viên
trong gia đình sẽ cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ và dễ dàng chia sẻ năng lượng này
đến với những người xung quanh. Khi một người tiếp xúc được với nguồn năng lượng
vui vẻ, hạnh phúc này thì họ cũng sẽ được ảnh hưởng từ nguồn năng lượng ấy.
Bên cạnh đó, khi có sẵn một nguồn năng lượng tích cực bên trong sẽ thúc đẩy
chúng ta có những hành động, suy nghĩ tích cực, dễ dàng giúp đỡ, cảm thông, sẻ
chia đối với mọi người. Từ đó xây dựng nên một xã hội tốt đẹp, văn minh hơn.
Theo
thống kê, trong khoảng thời gian gần đây, tình trạng người vị thành niên phạm tội
ngày càng tăng cao. Trong đó, các chuyên gia cũng như các nhà chức trách cho rằng
nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do các bậc phụ huynh dành ngày càng ít thời gian để chăm sóc, dạy dỗ con cái. Họ quy hết trách nhiệm cho nhà
trường và nhà nước trong việc phải dạy dỗ một đứa trẻ nên người. Tuy nhiên, họ
lại quên mất rằng nhà trường không thể nào dành sự tập trung, theo sát dạy dỗ từng
đứa trẻ một; trong khi đó, gia đình, bố mẹ, ông bà mới chính là những người bên
cạnh, tiếp xúc hàng ngày và có nhiều cơ hội gần gũi, lắng nghe nội tâm của đứa
trẻ hơn. Vì vậy, càng cho thấy rằng, công việc nội trợ là rất cần thiết bất kể
trong thời đại nào, thế hệ nào. Cho dù xã hội có ngày càng tân tiến như thế nào
thì cũng không thể phủ nhận được sự quan trọng của công việc này.
3. Quy định pháp luật nhằm bảo vệ người làm việc nội trợ trong gia đình
Hiện
nay, pháp luật hôn nhân và gia đình đã thể hiện tinh thần và quan điểm rằng nội
trợ là một công việc có đóng góp to lớn đối với gia đình và xã hội. Cụ thể, tại
khoản 2 Điều 26 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau:
“Việc giải quyết quan hệ tài sản phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.
Đồng
thời, Điều 29 Luật Hôn nhân gia đình 2014 cũng có quy định rằng:
“Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.”
Như
vậy, pháp luật nước ta đã có quy định cực kỳ hợp tình, hợp lý và hợp thời đại
khi xem công việc nội trợ là một công việc có đóng góp ngang với công việc có
thu nhập. Quy định trên nhằm đảm bảo quyền lợi của những người làm công việc nội
trợ trong gia đình, tránh các trường hợp xem thường, không tôn trọng những người
nội trợ vì không tạo ra thu nhập. Đồng thời thể hiện sự bình đẳng giữa các công
dân; sự bình đẳng giữa nam, nữ và sự bình đẳng trong công việc. Không một công
việc nào được xem là thấp hèn nếu đó là sự lao động chân chính, không trái pháp
luật.
Các
quy định trên cũng nhằm bảo vệ người làm công việc nội trợ trong những trường hợp
xấu nhất, ví dụ như: ly hôn, chia tài sản chung,... Thể hiện quan điểm của Nhà
nước khi xảy ra tranh chấp rằng người làm công việc nội trợ sẽ không phải chịu
thiệt do không tạo ra thu nhập.
4. Có nên từ bỏ sự nghiệp để quay
về làm nội trợ, chăm sóc gia đình?
Đây
là câu hỏi của một quý độc giả gửi đến. Nhưng câu hỏi này là một câu hỏi không
có câu trả lời chính xác. Bởi lẽ, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, chúng ta
không thể áp đặt bất cứ điều gì chúng ta cho là đúng lên người khác. Huống hồ,
bài viết này, tác giả cũng chỉ tập trung phân tích về tầm quan trọng của công
việc nội trợ và những quy định pháp luật để bảo vệ người nội trợ trong gia đình, nhằm giúp người đọc có cái nhìn khác hơn về công việc này. Tác giả
không hề khuyến khích bất kỳ ai bỏ các công việc ngoài xã hội để quay về làm người nội trợ
trong gia đình. Vì tác giả hiểu rằng không phải gia đình nào cũng có đủ khả
năng, điều kiện kinh tế để có người dành thời gian ở nhà chăm lo cho gia đình,
nhà cửa. Do đó, tùy vào từng hoàn cảnh mà mỗi gia đình sẽ có cách sắp xếp công
việc riêng. Tác giả cũng khẳng định rằng không ủng hộ và đồng tình với bất kỳ hành động ép buộc, gây sức ép nào để vợ/chồng phải gánh vác trách nhiệm công việc nội trợ.
Ngoài
ra, tác giả cũng không cho rằng làm nội trợ là sẽ phải từ bỏ sự nghiệp, bởi lẽ
sự nghiệp chính là thứ khiến chúng ta dốc lòng, dốc sức, dành trọn thời gian và
tinh thần để xây dựng mà không cảm thấy hối hận. Do đó, đối với nhiều người,
quan điểm sự nghiệp của bản thân họ chính là xây dựng nên một gia đình hạnh
phúc. Vì vậy, làm nội trợ chưa hẳn đã là từ bỏ sự nghiệp, mà chỉ đơn giản là họ
lựa chọn một sự nghiệp khác mà họ cảm thấy quan trọng hơn.
Bên
cạnh đó, tác giả đồng thời khuyến khích những người hiện đang làm công việc nội trợ
cũng nên dành thời gian chăm sóc, yêu thương bản thân và luôn phải học hỏi thêm
kiến thức mới. Bởi lẽ, chúng ta phải tự yêu bản thân thì mới có thể yêu thương
được những người xung quanh chúng ta.
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ