Những yêu cầu cần có trong đơn xin ly hôn đơn phương

8:00 AM

 Những yêu cầu cần có trong đơn xin ly hôn đơn phương

Công ty luật, luật sư uy tín, sách luật, văn phòng luật sư tphcm, hà nội, đà nẵng, uy tín, tranh chấp, di chúc thừa kế, nhà đất, thành lập doanh nghiệp, bảo vệ tại tòa án, lý lịch tư pháp, sách luật hay, thư viện trường học, ly hôn, phần mềm quản lý công ty luật, bình luận án lệ, COVID-19, luận văn, luận án



VANTHONGLAW - Hỏi: Tôi và chồng đã đăng ký kết hôn với nhau vào năm 2006. Sau một khoảng thời gian chung sống, tình cảm vợ chồng chúng tôi ngày càng trở nên lạnh nhạt. Nguyên nhân chủ yếu là do chồng tôi khi đi nhậu về thường không kiểm soát được hành vi, lời nói của mình với tôi và các con. Nay tôi muốn nhờ tư vấn về những yêu cầu trong đơn xin ly hôn đơn phương sao cho có thể đảm bảo được các quyền, lợi ích của tôi và các con!
 

Trả lời:

Chúng tôi xin gửi chị tham khảo mẫu đơn xin đơn phương ly hôn mới nhất. Theo mẫu đơn nêu trên, có 04 yêu cầu mà người làm đơn xin ly hôn đơn phương phải trình bày là về quan hệ hôn nhân, con chung, tài sản chung và nợ chung. Sau đây, chúng tôi xin tư vấn cụ thể về từng nội dung để chị có thể nắm rõ và đưa ra những yêu cầu phù hợp, đảm bảo được quyền lợi chính đáng của mình.

1.   Về quan hệ hôn nhân:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”

và khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: 

“Tòa án  giải quyết cho ly hôn khi có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”

Từ những quy định trên, chị hoàn toàn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết cho chị được đơn phương ly hôn. Tuy nhiên, để đảm bảo Tòa án có thể giải quyết cho chị được đơn phương ly hôn thì phải trình bày được căn cứ cho thấy hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Việc làm rõ các căn cứ trên có thể trình bày trong phần lý do ly hôn hoặc bản tự khai riêng. Để hiểu rõ thêm thế nào là  hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì chị có thể tham khảo tại đây.

2.   Về con chung:

Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

"...

2. Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thoả thuận khác phù hợp với lợi ích của con."

Như vậy, khi yêu cầu ly hôn nếu chị và chồng có thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi dưỡng thì Tòa án sẽ giải quyết theo thỏa thuận. Trường hợp chị và chồng không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi, căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con như sau:

- Đối với con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

- Đối với con trên 07 tuổi, ngoài căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, Toà án còn xem xét nguyện vọng của con. 

Việc xem xét nguyện vọng của con sẽ do Tòa án quyết định qua việc lấy lời trình bày trực tiếp của con hoặc trong đơn trình bày. Lưu ý rằng Tòa án chỉ xem xét chứ không căn cứ vào nguyện vọng của con để quyết định người trực tiếp nuôi con.

Trường hợp chị muốn mình là người có quyền trực tiếp nuôi con thì chị phải chứng minh được chị có đủ điều kiện để chăm lo tốt cho con. Trong mỗi vụ việc, cách chứng minh là khác nhau, nhưng về cơ bản cần chứng minh được những điều kiện sau:

• Điều kiện vật chất:

- Thu nhập ổn định;

- Công việc ổn định;

- Nơi ở ổn định.

• Điều kiện tinh thần: có đủ sức khoẻ, thời gian để dạy dỗ, chăm sóc, giáo dục con; tình cảm dành cho con; nhân cách đạo đức;...

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:

“Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”

Vì thế, trong trường hợp chị là người trực tiếp nuôi con thì có thể yêu cầu chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con một khoản hợp lý.

3.   Về tài sản chung:

Để có thể đưa ra yêu cầu về tài sản chung một cách hợp lý, chị có thể tham khảo nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó, pháp luật luôn đề cao sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp chị và chồng có thỏa thuận về giải quyết tài sản chung, chị có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo thỏa thuận đó.

Trường hợp không thỏa thuận được, chị có thể yêu cầu Tòa án giải quyết chia đôi tài sản chung nhưng có tính đến các yếu tố sau:

- Hoàn cảnh gia đình của vợ, chồng;

- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Để Tòa án dễ dàng xem xét, giải quyết tài sản chung, chị nên cung cấp những tài liệu để chứng minh được những yếu tố trên.

4.   Về nợ chung:

Theo quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ chồng phải có nghĩa vụ đối với các tài sản:

- Phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thoả thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật thì vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

- Do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

- Phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

- Phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

- Bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

- Các nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Quy định trên giúp xác định các khoản nợ được xem là khoản nợ chung mà vợ chồng phải có nghĩa vụ liên đới trả nợ. Như vậy, trường hợp chị và chồng có khoản nợ mà theo pháp luật quy định là khoản nợ chung phát sinh từ các căn cứ tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình thì chị hoàn toàn có thể yêu cầu chồng có nghĩa vụ liên đới trả nợ.

Lưu ý rằng đối với các yêu cầu giải quyết về con chung, tài sản chung, nợ chung mà chị không có nhu cầu nhờ Tòa án giải quyết thì trình bày là không có yêu cầu.

Trên thực tế, việc ly hôn đơn phương sẽ phát sinh nhiều vấn đề từ việc xác định tài sản chung, tài sản riêng và khoản nợ chung, nợ riêng. Mặc dù pháp luật đã có các quy định về cách xác định, nhưng việc chứng minh lại rất khó khăn, đòi hỏi sự hiểu biết cao về pháp luật. 

BÍCH TRÂM

---

Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:
 
CÔNG TY LUẬT VẠN THÔNG
 
Địa chỉ: 284 Lê Văn Qưới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com

BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ

LUẬT VẠN THÔNG
 

Những yêu cầu cần có trong đơn xin ly hôn đơn phương  Những yêu cầu cần có trong đơn xin ly hôn đơn phương
910 1

Bài viết Những yêu cầu cần có trong đơn xin ly hôn đơn phương

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »