Sắc lệnh cải tổ tổ chức tư pháp ở Nam Kỳ trong thời kỳ thuộc địa Pháp.

11:12 AM
Công ty luật, luật sư uy tín, sách luật, văn phòng luật sư tphcm, hà nội, đà nẵng, uy tín, tranh chấp, di chúc thừa kế, nhà đất, thành lập doanh nghiệp, bảo vệ tại tòa án, lý lịch tư pháp, sách luật hay, thư viện trường học, ly hôn, phần mềm quản lý công ty luật, bình luận án lệ, COVID-19, luận văn, luận án

VANTHONGLAW - Nam Kỳ là khu vực người Pháp chiếm được sớm nhất tại Việt Nam và là thuộc địa do người Pháp trực tiếp cai trị với một hệ thống luật pháp khác hẳn hệ thống được áp dụng tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Ngày 25 tháng 7 năm 1864, thực dân Pháp ban hành Sắc lệnh đầu tiên về tổ chức tư pháp ở Nam Kỳ. 

Bài liên quan

Theo đó, có 2 hệ thống song song tồn tại: 

1. Hệ thống toà Tây án: chuyên xét xử người Pháp do quan toà chuyên nghiệp phụ trách, xét xử theo luật của nước Pháp. Các quan toà chuyên nghiệp trực thuộc viên Tổng Biện Lý. Tổng Biện lý đặt dưới quyền chỉ đạo của Thống đốc Nam Kỳ. 

2. Hệ thống toà Nam án: chuyên xét xử người Việt và người Âu cư trú tại Nam Kỳ do các quan cai trị-chủ tỉnh thực dân phụ trách, xét xử theo thể chế của triều Nguyễn lúc bấy giờ. Các quan chủ tỉnh trực thuộc Giám đốc Nha Nội chính. 

Cho đến ngày 17 tháng 6 năm 1889, Tổng thống Pháp ký ban hành Sắc lệnh cải tổ tổ chức tư pháp tại Nam Kỳ. Sắc lệnh gồm 8 phần, 146 điều, trong đó có một số điều khoản chính như sau: 

Phần I. Quy định sơ bộ 

Điều 1. Tại Nam Kỳ thuộc Pháp, quyền xét xử thuộc về toà án hoà giải, toà sơ thẩm và thương mại, toà Phúc thẩm Đông Dương và các toà đại hình. 

Điều 2. Phiên toà xét xử các vụ án dân sự và hình sự diễn ra công khai, trừ khi việc công khai này gây nguy hại đến trật tự trị an và phong tục tập quán. Trong trường hợp này, toà án buộc phải đưa ra một bản án hoặc một quyết định trước đó. Trong mọi trường hợp, các bản án hoặc quyết định đều mang tính công khai và phải đưa ra được lý do, nếu không, xem như không có giá trị. 

Phần II. Toà Hoà giải 

Điều 3. Phạm vi toà Hoà giải Sài Gòn bao gồm: thành phố Sài Gòn, các tiểu khu Chợ Lớn, Gia Định và Bà Rịa. 

Điều 4. Thành phần toà Hoà giải Sài Gòn gồm: 1 thẩm phán hoà giải, 1 lục sự và 1 tham tá, nếu cần. 

Điều 5. Thẩm quyền và hoạt động của toà Hoà giải Sài Gòn thực hiện theo quy định quản lý các toà hoà giải ở Pháp. 

Phần III. Các toà sơ thẩm và thương mại 
Chương I. Thành phần và trụ sở 

Điều 6. Phạm vi của toà Sơ thẩm Sài Gòn gồm: thành phố Sài Gòn, các tiểu khu Chợ Lớn, Gia Định và Bà Rịa. 

Điều 7. Tại những tiểu khu khác ở Nam Kỳ, mỗi tiểu khu được bố trí một toà sơ thẩm. 

Điều 8. Những toà sơ thẩm nằm trong khu vực Nam Kỳ được chia làm 3 hạng: 2 toà sơ thẩm hạng 1: Mỹ Tho và Vĩnh Long; 4 toà sơ thẩm hạng 2: Bến Tre, Biên Hoà, Sa Đéc và Châu Đốc; 8 toà sơ thẩm hạng 3: Cần Thơ, Trà Vinh, Long Xuyên, Tân An, Gò Công, Sóc Trăng, Tây Ninh và Bạc Liêu. 

Điều 9. Thành phần của toà Sơ thẩm Sài Gòn bao gồm: 1 chánh thẩm phán; 1 phó thẩm phán; 8 thẩm phán dự khuyết; 1 biện lý; 1 thẩm phán thay biện lý; 1 lục sự; 1 hay nhiều tham tá. 

Điều 10. Thẩm phán dự khuyết thay thế quan toà trong trường hợp vắng mặt. 

Điều 11. Các toà sơ thẩm nằm trong khu vực Nam Kỳ có thành phần như sau: 1 thẩm phán; 1 biện lý; 1 lục sự và 1 tham tá, nếu cần. Viên lục sự giữ chức công chứng viên kiêm uỷ viên đấu giá. 

Điều 12. Những thông ngôn biệt phái đến toà án được Toàn quyền phân bổ bằng nghị định, theo đề nghị của Chưởng lý – Chánh Sở Tư pháp Đông Dương, tuỳ theo nhu cầu công việc. 

Điều 13. Chức năng của Viện Công tố do biện lý và thẩm phán thay biện lý đảm nhiệm trước Toà án Sài Gòn và do biện lý đảm nhiệm trước các toà án nằm trong khu vực Nam Kỳ. 

Điều 14. Quan cai trị Côn Đảo giữ chức thẩm phán và thư ký của ông ta tại tiểu khu đảm nhiệm vị trí viên chức Viện Công tố tại hòn đảo này.    

Chương II. Thẩm quyền của các toà sơ thẩm 
Đoạn 1 

Điều 15. Pháp luật An Nam quản lý các vụ vi phạm, tranh chấp dân sự và thương mại giữa người bản xứ với người châu Á. Tuy nhiên, những người này buộc phải khai báo bằng văn bản theo quy định của Luật pháp Pháp. 

Điều 16. Luật pháp Pháp quản lý mọi vi phạm, tranh chấp dân sự và thương mại giữa người Âu với nhau, hoặc giữa người Âu với người Á, hoặc những người có quyền lợi tương đương (personnes assimilées). 

Đoạn 2 
Điều 17. Về dân sự, các toà sơ thẩm có thẩm quyền xét xử sơ chung thẩm những vụ kiện liên quan đến cá nhân và động sản có trị giá gốc lên đến 1500 phơ răng và những vụ kiện liên quan đến bất động sản trị giá 100 phơ răng lợi tức được xác định theo lời khai của các bên, hoặc trong trường hợp bất đồng, vụ kiện được xác định theo đánh giá của Chánh tổng tại địa điểm xảy ra tranh chấp liên quan đến bất động sản và không mất phí. Về thương mại, thẩm quyền của các toà án này được quy định tại phần II, quyển IV Bộ Luật Thương mại. Về tiểu hình, những toà án án này có thẩm quyền xét xử mọi loại tội phạm. 

Điều 18. Thẩm phán các toà án trong khu vực Nam Kỳ đảm nhiệm chức năng và thực hiện quyền giám hộ trao cho thẩm phán hoà giải theo Luật của nước Pháp, như: niêm phong và bóc niêm, chứng thư công tri và tất cả những giấy tờ khác vì quyền lợi của các gia đình. Họ cũng là thẩm phán vi cảnh, có thẩm quyền xét xử chung thẩm lỗi vi cảnh. Ngoài ra, thẩm phán các toà trong khu vực Nam Kỳ còn thụ lý các vụ án hình sự như quy định tại điều 52 dưới đây.   

Phần IV. Chương I – Toà Phúc thẩm 

Điều 19. Toà Phúc thẩm Đông Pháp có trụ sở tại Sài Gòn. Thành phần của toà Phúc thẩm gồm: 1 chánh án, 1 phó chánh án, 7 cố vấn, 1 lục sự và một số tham tá lục sự. Chức năng của Viện Công tố cạnh Toà Phúc thẩm Đông Dương do chưởng lý đảm nhiệm, với sự hỗ trợ của 1 luật sư trưởng và 2 thẩm phán thay biện lý. 

Điều 20. Toà Phúc thẩm gồm 2 ban. Chánh án là người phân chia công việc giữa các ban. Ban Tiểu hình xét xử các vụ án nêu tại điều 22, 23 và 24. Công việc của ban Tiểu hình không liên quan tới công việc của ban Dân sự.   

Điều 21. Về dân sự và thương mại, Toà Phúc thẩm có thẩm quyền xét xử: 10 Đơn kháng cáo đối với những bản án sơ thẩm của toà sơ thẩm và thương mại Nam Kỳ. 20 Đơn kháng cáo đối với những bản án sơ thẩm của các cơ quan xét xử của Pháp tại khu vực Viễn Đông, hoặc tại những nước đặt dưới chế độ bảo hộ của Pháp, hoặc các toà lãnh sự Pháp. 

Điều 22. Về tiểu hình, toà Phúc thẩm có thẩm quyền xét xử đơn kháng cáo đối với bản án của các toà tiểu hình Nam Kỳ và các cơ quan xét xử của Pháp tại những nước đặt dưới chế độ bảo hộ của Pháp ở Đông Dương. 

Điều 23. Theo Luật ngày 28 tháng 4 năm 1869, toà Phúc thẩm có thẩm quyền xét xử: 10 Đơn chống án đối với các bản án dân sự, thương mại và tiểu hình của các toà  thương mại Pháp đặt tại Trung Hoa, Vương quốc Xiêm và Nhật Bản. 20 Các vụ trọng án do những người mang quốc tịch Pháp gây ra tại khu vực trên. 

Điều 24. Những bản án chung thẩm liên quan đến người bản xứ do các toà vi cảnh, toà sơ thẩm xét xử có thể được xét xử lại tại toà Phúc thẩm theo thể thức và điều kiện quy định tại Sắc lệnh ngày 25 tháng 6 năm 1879. 

Điều 25. Ban Dân sự và ban Tiểu hình chỉ đưa ra quyết định khi có ít nhất 3 thẩm phán tham gia. Khi toà Phúc thẩm xét xử đơn xin huỷ bỏ, ít nhất 5 thành viên phải có mặt. Tại phiên toà xét xử, có ít nhất 5 quan toà được đưa ra quyết định của mình. 

Điều 26. Cuộc họp thường kỳ (đại hội đồng) của toà Phúc thẩm có sự tham gia của toàn bộ thành viên toà án. Toà chỉ ra quyết định khi có tối thiểu 5 thẩm phán tham gia. Các quyết định được đưa ra với đa số phiếu tán thành. Trường hợp số phiếu bằng nhau, thẩm phán trẻ tuổi nhất phải rút lui. 

Điều 27. Cuộc họp thường kỳ của toà Phúc thẩm không công khai và chỉ diễn ra theo lệnh triệu tập của chánh án với sự nhất trí của Chánh Sở Tư pháp, hoặc theo yêu cầu của chưởng lý, hoặc theo lệnh của Toàn quyền. Viên lục sự Toà Phúc thẩm có quyền dự họp và giữ chức thư ký. Chương II. Các toà đại hình 

Điều 28. Những vụ trọng án xảy ra tại thuộc địa Nam Kỳ Pháp được xét xử tại toà đại hình Sài Gòn, Mỹ Tho và Vĩnh Long. 

Điều 29. Toà đại hình Sài Gòn xét xử những vụ trọng án do người Pháp hoặc những người Âu khác trên đất Cao Miên hoặc người châu Á quốc tịch Pháp gây ra đối với người Pháp, hoặc người Âu, hoặc người châu Á. 

Điều 30. Phạm vi toà Đại hình Sài Gòn bao gồm các tiểu khu: Chợ Lớn, Gia Định, Tây Ninh, Biên Hoà, Bà Rịa và Côn Đảo. Phạm vi toà Đại hình Mỹ Tho gồm tiểu khu: Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre và Trà Vinh. Phạm vi của toà Đại hình Vĩnh Long gồm tiểu khu: Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên, Sóc Trăng và Bạc Liêu. 

Điều 31. Không tính đến số lục sự hoặc tham tá của toà, toà Đại hình Sài Gòn có thành phần như sau: 
1. 3 cố vấn tại toà trong đó 1 người giữ chức chánh án. Trường hợp do nhu cầu công việc, Toàn quyền có quyền chỉ định 1 lục sự sơ thẩm thay cho một trong hai cố vấn hội thẩm theo đề nghị của Chưởng lý. 
2. 2 hội thẩm được chỉ định bằng hình thức rút thăm dựa trên danh sách 20 kỳ hào Pháp sống tại tiểu khu Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định, khi xét xử các bị cáo người Âu. Khi xét xử các bị cáo An Nam hoặc châu Á, hội thẩm viên phải là người bản xứ. 3 phiếu bầu là con số cần thiết để tiến hành kết án. 

Điều 32. Danh sách hội thẩm người Âu do một uỷ ban gồm: 

Chánh Sở địa phương hoặc Phó Toàn quyền, Chánh án, chánh Toà Sơ thẩm, 1 thành viên Hội đồng thuộc địa và 1 thành viên Hội đồng thành phố lập vào 2 tuần cuối cùng của tháng 12 hàng năm. 

Điều 33. Hàng năm, danh sách hội thẩm viên bản xứ do Chánh Sở địa phương lập vào cùng thời điểm như trên, theo đề nghị của biện lý xét xử. 

Điều 34. Một danh sách bổ sung gồm 10 kỳ hào được lập trong cùng điều kiện trên cho mỗi loại bị cáo. Trường hợp danh sách chính không đủ số kỳ hào quy định do chết, không đủ quyền hoặc vắng mặt tại thuộc địa, Chánh án Toà Đại hình sẽ thay thế danh sách đó bằng một quyết định. Chánh án bổ sung danh sách 20 kỳ hào theo thứ tự đăng ký trong danh sách bổ sung. 

Điều 35. Những thành viên trên được đăng ký vô thời hạn vào danh sách lập hàng năm. Chỉ những người có đầy đủ quyền dân sự và chính trị mới được ghi danh vào danh sách kỳ hào. 

Điều 36. Người giữ chức hội thẩm không được kiêm nhiệm chức uỷ viên Hội đồng Tư mật, uỷ viên tư pháp, linh mục hay quân nhân đang quân dịch trong lực lượng lục quân và hải quân. 

Điều 37. Thành phần của Toà Đại hình bao gồm: 

1. 1 cố vấn tại Toà Phúc thẩm giữ chức chánh án; 
2. Thẩm phán xét xử của Toà Đại hình; 
3. 1 thẩm phán do chưởng lý chỉ định trong số thẩm phán hoặc thẩm phán dự khuyết; 
4. 2 hội thẩm được lựa chọn bằng hình thức rút thăm trên danh sách 20 kỳ hào bản xứ theo quy định tại điều 32 và 36 trên đây. Khi xét xử các bị cáo người Âu, có sự tham gia của hai hội thẩm được chỉ định bằng hình thức rút thăm trên danh sách các kỳ hào Pháp tại Sài Gòn; 
5. Lục sự xét xử của Toà Đại hình. 

Điều 38. Chức năng của Viện Công tố cạnh các toà đại hình do:
 
1. Chưởng lý hoặc thẩm phán thay biện lý đảm nhiệm tại Sài Gòn; 
2. Chưởng lý, 1 trong những thẩm phán thay biện lý, hoặc biện lý xét xử của Toà Đại hình đảm nhiệm trong khu vực Nam Kỳ. 

Điều 39. 3 tháng một lần, toà Đại hình nhóm họp tại mỗi thủ phủ có thẩm quyền xét xử được chỉ dẫn tại điều 28. 

Điều 40. Sau khi có ý kiến của Hội đồng Tư mật, Toàn quyền có thể lệnh cho Toà Đại hình họp tại một địa điểm khác, ngoài địa điểm họp thường xuyên. Toàn quyền có quyền yêu cầu các toà đại hình nhóm họp tại phiên họp bất thường. 

Điều 41. Nghị định của Toàn quyền ấn định thời gian diễn ra khoá họp hàng quý, sau khi có ý kiến của Hội đồng Tư mật và theo đề nghị của Chưởng lý. 

Điều 42. Toàn quyền bổ nhiệm Cố vấn-Chánh án và các lục sự-hội thẩm của Toà Đại hình, theo đề nghị của Chưởng lý. 

(Còn nữa) 


Hoàng Hằng - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I 

Tài liệu tham khảo: J 992- Journal officiel de l’Indochine 1889, tr. 778-784
Sắc lệnh cải tổ tổ chức tư pháp ở Nam Kỳ trong thời kỳ thuộc địa Pháp. Sắc lệnh cải tổ tổ chức tư pháp ở Nam Kỳ trong thời kỳ thuộc địa Pháp.
910 1

Bài viết Sắc lệnh cải tổ tổ chức tư pháp ở Nam Kỳ trong thời kỳ thuộc địa Pháp.

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »