Thủ tục hồi hương - nhập quốc tịch Việt Nam cho người Việt kiều, người có quốc tịch nước ngoài

7:00 PM

Thủ tục hồi hương - nhập quốc tịch Việt Nam cho người Việt kiều, người có quốc tịch nước ngoài

Công ty luật, luật sư uy tín, sách luật, văn phòng luật sư tphcm, hà nội, đà nẵng, uy tín, tranh chấp, di chúc thừa kế, nhà đất, thành lập doanh nghiệp, bảo vệ tại tòa án, lý lịch tư pháp, sách luật hay, thư viện trường học, ly hôn, phần mềm quản lý công ty luật, bình luận án lệ, COVID-19, luận văn, luận án



VANTHONGLAW - Việt Kiều sau một thời gian dài sinh sống và làm việc tại nước ngoài có nhu cầu quay trở lại đất nước quê hương của mình để định cư; người có quốc tịch nước ngoài có nhu cầu được nhập quốc tịch Việt Nam. Họ cần phải thỏa những điều kiện nhất định và phải làm các thủ tục cần thiết để hồi hương hoặc nhập quốc tịch. Bài viết này sẽ làm rõ những điều kiện cũng như thủ tục hồi hương - nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam.

Bài liên quan:

1. Thế nào là người Việt kiều, người có quốc tịch nước ngoài

a)     Việt kiều:

Việt kiều (hay còn gọi là người Việt hải ngoại, người Việt Nam ở nước ngoài) là thuật ngữ được sử dụng phổ biến khi nói đến những người gốc Việt định cư ở nước ngoài. Việt kiều có thể là người mang quốc tịch Việt Nam nhưng cũng có thể là người mang quốc tịch tại nước nơi họ sinh sống (nước sở tại).

Dưới góc độ pháp lý, Luật Quốc tịch Việt Nam quy định:

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài;

- Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 có quy định: “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Như vậy, theo quy định của pháp luật, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người có quốc tịch hoặc đã từng có quốc tịch Việt Nam và hiện đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

b)      Người có quốc tịch nước ngoài:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam thì quốc tịch nước ngoài là quốc tịch ở một nước khác mà không phải quốc tịch Việt Nam. Như vậy, theo pháp luật Việt Nam người có quốc tịch nước ngoài được hiểu là người có quốc tịch tại nước khác không phải Việt Nam hiện đang sống, làm việc, học tập và định cư tại Việt Nam (bao gồm cả người gốc Việt có quốc tịch nước ngoài).

2. Thủ tục hồi hương - nhập quốc tịch Việt Nam cho người Việt kiều, người có quốc tịch nước ngoài

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, sự toàn cầu hóa diễn ra mạnh thì người dân tại các Quốc gia phải di chuyển đến Việt Nam để sinh sống, làm việc và học tập. Bên cạnh đó, cũng rất nhiều trường hợp người Việt Nam đã sinh sống, làm việc lâu năm tại nước ngoài muốn quay trở lại đất nước quê hương của họ. Khi đó, người nước ngoài muốn trở thành công dân Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam và Việt kiều khi muốn trở về nước để sinh sống và làm việc sau khoảng thời gian dài định cư ở nước ngoài phải thực hiện thủ tục. Trình tự của các thủ tục trên như sau:

a)     Thủ tục hồi hương của Việt kiều:

Hồi hương là việc công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài trở lại Việt Nam. Hồi hương phải được tiến hành theo ý nguyện của người hồi hương. Các trường hợp cưỡng ép hồi hương hay cấm hồi hương sẽ bị xem xâm phạm nhân quyền. Để hồi hương theo đúng quy định pháp luật, người hồi hương cần phải đảm bảo được các điều kiện hồi hương cũng như các thủ tục hồi hương mà pháp luật quy định.

       Điều kiện hồi hương:

- Có quốc tịch Việt Nam và mang hộ chiếu Việt Nam; nếu có quốc tịch Việt Nam, đồng thời mang hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu nước ngoài thì phải có xác nhận đã đăng ký công dân tại một cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;

- Thái độ chính trị rõ ràng: hiện tại không tham gia hoặc ủng hộ các tổ chức chống phá Tổ quốc, không có hành động chống đối Chính phủ Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài;

- Có khả năng bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam sau khi hồi hương;

- Có một cơ quan hoặc thân nhân ở Việt Nam nêu ở dưới đây bảo lãnh:

Trường hợp 1 - Cơ quan bảo lãnh: Cơ quan cấp Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo lãnh đối với các trường hợp xin hồi hương để tham gia xây dựng đất nước. Cơ quan bảo lãnh phải có văn bản khẳng định rõ người xin hồi hương có vốn đầu tư, có dự án khả thi hoặc tay nghề cao được cơ quan tiếp nhận làm việc và sẽ bố trí vào việc tương xứng với học vấn, tay nghề của người đó.

Trường hợp 2 - Thân nhân ở Việt Nam bảo lãnh phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Là người đủ 18 tuổi trở lên, có hộ khẩu thường trú ở Việt Nam không bị mất hoặc bị hạn chế quyền công dân;

+ Có quan hệ cùng dòng tộc với người được bảo lãnh, gồm quan hệ vợ chồng, cha, mẹ, con, ông bà nội ngoại, anh chị em ruột, cô, bác, chú, dì nội ngoại.

       Thủ tục hồi hương:

Bước 1: Nộp 02 bộ hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan đại diện (xem danh sách các cơ quan đại diện có chức năng lãnh sự để biết thông tin chi tiết về địa chỉ và thời gian nộp hồ sơ và nhận kết quả). Mỗi bộ hồ sơ gồm:

1- Đơn đề nghị về Việt Nam thường trú (theo mẫu); 03 ảnh cỡ 4×6 mới chụp, 02 ảnh dán vào đơn, 01 ảnh ghi rõ họ tên (mặt sau) để phục vụ cấp Giấy thông hành nếu được hồi hương;

2- Bản sao hộ chiếu nước ngoài hoặc bản sao giấy tờ thường trú của nước ngoài cấp (bản chụp và xuất trình bản chính để đối chiếu).

3- Bản sao một trong những giấy tờ có giá trị chứng minh có quốc tịch Việt Nam sau đây:

- Giấy khai sinh, trường hợp giấy khai sinh không ghi rõ quốc tịch Việt Nam thì kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch của cha mẹ;

- Giấy chứng minh thư nhân dân;

- Hộ chiếu Việt Nam;

- Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, quyết định nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi;

- Giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp xác nhận đương sự còn giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định của Việt Nam về quốc tịch.

4- Một trong những giấy tờ chứng minh có nhà ở hợp pháp tại Việt Nam sau đây:

- Đối với người đã được sở hữu nhà tại Việt Nam (nộp bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu): giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, giấy tờ về mua, bán, cho, tặng, đổi, nhận thừa kế nhà ở; đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán; giấy tờ của Tòa án hoặc của cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho sở hữu nhà đã có hiệu lực pháp luật;

- Đối với người có nhà ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân:

+ Bản sao hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cá nhân (hoặc bản chụp kèm theo bản chính để kiểm tra, đối chiếu);

+ Văn bản chứng minh ngôi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho người đó đăng ký thường trú;

+ Bản sao giấy tờ tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhà ở của người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ (hoặc bản chụp kèm theo bản chính để kiểm tra, đối chiếu).

5- Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài xin về thường trú ở thành phố trực thuộc Trung ương ngoài những giấy tờ trên trong hồ sơ còn phải có một trong các giấy tờ sau đây chứng minh đủ điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương (quy định tại khoản 1, 2 và 4 của Điều 20 Luật Cư trú):

-  Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có chỗ ở hợp pháp có một trong giấy tờ sau chứng minh đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 12 tháng trở lên:

+ Giấy tờ tạm trú có thời hạn hoặc xác nhận của công an phường, xã, thị trấn về thời hạn tạm trú;

+ Sổ tạm trú hoặc xác nhận của công an phường, xã, thị trấn về thời gian đăng ký tạm trú.

6- Đối với công dân định cư ở nước ngoài được người có hộ khẩu đồng ý cho nhập với hộ khẩu của mình phải có một trong giấy tờ sau chứng minh mối quan hệ ruột thịt giữa hai người:

- Vợ về ở với chồng, chồng về ở với với vợ, con về ở với cha mẹ, cha mẹ về ở với con;

- Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh chị, em ruột;

- Người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, không điều khiển được hành vi về ở với anh chị em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

- Người chưa thành niên, không còn cha, mẹ hoặc còn cha mẹ nhưng cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị em ruột, cô, dì, chú bác, cậu ruột người giám hộ;

- Ng­ười chưa thành niên độc thân về sống với ông bà nội ngoại.

(Trong trường hợp không còn giấy tờ chứng minh mối quan hệ ruột thịt thì người bảo lãnh phải có đơn giải trình và được UBND cấp xã nơi có hộ khẩu thường trú xác nhận.)

7- Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài về đăng ký thường trú tại cơ sở tôn giáo tại Việt Nam và hoạt động tôn giáo, thì phải có ý kiến bằng văn bản của người đứng đầu cơ sở tôn giáo đó đồng ý cho người đăng ký thường trú, kèm theo giấy tờ chứng minh là chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người người chuyên hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, và ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về tôn giáo chấp thuận cho người đó về Việt Nam hoạt động tôn giáo.

Bước 2: Cơ quan đại diện xem xét hồ sơ, nếu có những điểm chưa rõ cần xác minh thì điện về Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.

Bước 3: Nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở cơ quan đại diện hoặc qua bưu điện.

* Phí, lệ phí cấp Giấy thông hành hồi hương là 100USD.

b)     Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho người có quốc tịch nước ngoài:

Theo quy định tại Luật Quốc tịch Việt Nam và Điều 7 Nghị định 16/2020/NĐ-CP thì để một người được nhập quốc tịch Việt Nam phải thỏa các điều kiện sau:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam;

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;

- Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam là khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt;

- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được Cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú. Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú phải ít nhất là thường trú 05 năm liên tục trên lãnh thổ Việt Nam;

- Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

* Khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch còn quy định: người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện về ngôn ngữ, thường trú và khả năng đảm bảo cuộc sống, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

-  Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

- Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

       Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam:

Bước 1: Chuẩn bị 03 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật quốc tịch 2008 và Điều 10 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, gồm:

- Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;

- Giấy tờ khác có giá trị thay thế Giấy khai sinh, Hộ chiếu đối với người không quốc tịch xin nhập quốc tịch Việt Nam là giấy tờ có thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, có dán ảnh của người đó và đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;

- Bản khai lý lịch;

- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

- Giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt của người xin nhập quốc tịch Việt Nam là bản sao văn bằng, chứng chỉ để chứng minh người đó đã học bằng tiếng Việt tại Việt Nam ;

- Bản sao Thẻ thường trú: Một người xin nhập quốc tịch Việt Nam, phải có thời gian sinh sống làm việc trên lãnh thổ nước Việt Nam từ 05 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch;

- Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam: giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản; giấy xác nhận mức lương hoặc thu nhập do cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc cấp; giấy xác nhận của cơ quan thuế về thu nhập chịu thuế; giấy tờ chứng minh được sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam…

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi người đó cư trú:

- Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì Sở Tư pháp tiếp nhận và cấp cho người nộp hồ sơ Phiếu tiếp nhận hồ sơ;

- Trường hợp hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ hoặc không hợp lệ thì Sở Tư pháp thông báo ngay để người xin nhập quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Bước 3: Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin nhập quốc tịch Việt Nam trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người xin nhập quốc tịch.

Bước 4:  Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Bước 5: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp trong thời hạn 10 ngày.

Bước 6: Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ của người xin nhập quốc tịch Việt Nam, nếu xét thấy họ có đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định trong thời hạn 20 ngày.

Bước 7: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc đồng ý hay từ chối việc xin nhập quốc tịch Việt Nam cho người có yêu cầu.

* Ngoài ra, tại Điều 22 Luật Quốc tịch còn quy định trường hợp cho phép trường hợp người không quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân, nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật này có hiệu lực và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo trình tự, thủ tục và hồ sơ do Chính phủ quy định.

Bích Trâm
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Thủ tục hồi hương - nhập quốc tịch Việt Nam cho người Việt kiều, người có quốc tịch nước ngoài Thủ tục hồi hương - nhập quốc tịch Việt Nam cho người Việt kiều, người có quốc tịch nước ngoài
910 1

Bài viết Thủ tục hồi hương - nhập quốc tịch Việt Nam cho người Việt kiều, người có quốc tịch nước ngoài

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »