Trường hợp doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế


VANTHONGLAW - Sự ra đời của hóa đơn điện tử là một giải pháp hữu hiệu cho doanh nghiệp hiện nay bởi loại hóa đơn này giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy; giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế; khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy;... Theo quy định pháp luật, có hai loại hóa đơn điện tử, gồm: hóa đơn điện tử có mã số thuế và hóa đơn điện tử không có mã số thuế. Vậy trường hợp nào doanh nghiệp phải sử dụng hoá đơn điện tử có mã số thuế, kính mời quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết. 

 Bài liên quan:


1. Hóa đơn điện tử có mã số thuế là gì?

Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua. Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 90 Luật Quản lý thuế thì cơ quan thuế cấp mã trên hóa đơn cho doanh nghiệp dựa trên thông tin của doanh nghiệp lập trên hóa đơn vì thế nên doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên hóa đơn. 

2. Lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã số thuế:

Đối với doanh nghiệp, việc sử dụng hóa đơn điện tử đem lại những lợi ích sau:
  • Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế có độ chính xác và tính bảo mật cao nên giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và nhân lực trong những công tác liên quan đến thuế của doanh nghiệp.
  • Tổ chức, doanh nghiệp không cần phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn khi đăng ký sử dụng hóa đơn có mã của cơ quan thuế nên tránh được việc nộp chậm, không nộp báo cáo dẫn đến bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn.
  • Mã số xác thực có trên mỗi hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế giúp doanh nghiệp tăng độ uy tín khi giao dịch với khách hàng. Bằng cách tra mã xác thực trên hóa đơn tại website của cơ quan thuế, doanh nghiệp và khách hàng có thể biết được nguồn gốc hóa đơn.
3. Trường hợp phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã số thuế:

Trường hợp doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 91 Luật Quản lý thuế như sau:
Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này.

Như vậy, doanh nghiệp khi bán hàng, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp được dùng hóa đơn điện tử không có mã số thuế thì phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. 

Nếu doanh nghiệp không thuộc đối tượng được phép sử dụng hóa đơn điện tử không có mã số thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Quản lý thuế nhưng sử dụng hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế thì được xem là hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP Quy định về hóa đơn, chứng từ là hành vi bị cấm theo điểm a khoản 2 Điều 5 tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP: 

"Điều 5. Hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ

1. Đối với công chức thuế

a) Gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ;

b) Có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp;

c) Nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.

2. Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan

a) Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn;

b) Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ;

c) Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ;

d) Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính."

 Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 125/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp này, doanh nghiệp sẽ bị xử lý như sau:

  • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, trừ trường hợp vượt quá phạm vi sử dụng không hợp pháp nhằm mục đích trốn thuế hoặc sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định 

  • Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.

 
Ánh Tuyết
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Powered by Blogger.