Nghĩa vụ về thuế đối với người chuyển nhượng phần vốn góp.

        Nghĩa vụ về thuế đối với người chuyển nhượng phần vốn góp.

VANTHONGLAW -  Chuyển nhượng vốn góp là trường hợp một thành viên trong công ty thực hiện việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Vậy người chuyển nhượng phần vốn góp có nghĩa vụ thuế như thế nào khi theo quy định của pháp luật hiện hành? Xin mời quý độc giả theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết.

Bài liên quan:


 1. Nghĩa vụ về thuế:


Chuyển nhượng phần vốn góp bao gồm: 

  • Chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), 
  • Chuyền nhượng vốn góp trong công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác.

Theo quy định tại Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân thì thu nhập từ việc chuyển nhượng phần vốn góp là đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân và làm phát sinh nghĩa vụ đóng thuế của người chuyển nhượng phần vốn góp của mình. 

“Điều 3. Thu nhập chịu thuế

4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm:

a) Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế;

…”

Vì vậy, khi thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác thực hiện việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.


2. Căn cứ tính thuế:


Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp là thu nhập tính thuếthuế suất theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài Chính. 


Theo đó, thu nhập được tính thuế được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Trong đó:  

  • Giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn. Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
  • Giá mua của phần vốn chuyển nhượng là trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng vốn. Trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng bao gồm: trị giá phần vốn góp thành lập doanh nghiệp, trị giá phần vốn của các lần góp bổ sung, trị giá phần vốn do mua lại, trị giá phần vốn từ lợi tức ghi tăng vốn.
  • Các chi phí liên quan được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của hoạt động chuyển nhượng vốn là những chi phí hợp lý thực tế phát sinh liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn, có hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20%.

 

Tóm lại, cách tính thuế thu nhập cá nhân được thể hiện bằng công thức như sau:


Thuế thu nhập cá nhân phải nộp =  Thu nhập tính thuế × Thuế suất 20%


3. Trường hợp nào có thể không phải đóng thuế thu nhập cá nhân:


Dựa theo căn cứ tính thuế thu nhập như đã trình bày thì khi xác định được thu nhập tính thuế thì mới có căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân. Thu nhập tính thuế được tính bằng cách lấy Giá chuyển nhượng trừ đi Giá mua của phần vốn góp, nên nếu Giá chuyển nhượng bằng với Giá mua của phần vốn góp thì không tạo ra thu nhập đối với việc chuyển nhượng phần vốn góp. Vì vậy, người chuyển nhượng phần vốn góp không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. 


Người thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp tuy không phải nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng có nghĩa vụ thực hiện việc kê khai thuế thu nhập cá nhân tại cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của BTC.


4. Địa điểm và hình thức nộp thuế: 


Người nộp thuế nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước tại một trong các nơi sau đây:

  • Tại Kho bạc Nhà nước;
  • Tại cơ quan quản lý thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế;
  • Thông qua tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế;
  • Thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.

5. Thời hạn đóng thuế:


Thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân gồm thời hạn khai và nộp theo tháng hoặc theo quý và thời hạn quyết toán thuế theo năm. Trong đó, thời hạn khai, nộp thuế theo tháng/quý được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

  • Đối với trường hợp nộp thuế thu nhập cá nhân theo tháng: Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
  • Đối với trường hợp nộp thuế thu nhập cá nhân theo quý: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

6. Mức phạt đối với hành vi chậm nộp thuế:


Theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019 thì khi người có nghĩa vụ chậm nộp thuế thì phải đóng phạt tiền chậm nộp thuế với mức tính tiền chậm nộp tiền thuế thu nhập cá nhân được xác định như sau:

Số tiền chậm nộp 01 ngày = 0,03% x Số tiền chậm nộp


Ánh Tuyết
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Powered by Blogger.