Những lưu ý về thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong quan hệ lao động

6:00 PM

        


VANTHONGLAW - Một thực tế không thể phủ nhận là bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ có ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp, cụ thể đối với quan hệ lao động, tính chất công việc cho phép người lao động có quyền tiếp cận thậm chí là lưu trữ những bí mật đó. Vì vậy để bảo vệ doanh nghiệp, người sử dụng lao động thường dùng đến những quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong các văn bản hoặc trong chính Hợp đồng lao động để ràng buộc về mặt nghĩa vụ đối với người lao động. Hiện nay, pháp luật hoàn toàn cho phép tồn tại các thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, để cân bằng lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động và tránh trường hợp người sử dụng lao động lợi dụng quy định trên để đưa ra những điều khoản ràng buộc quá khắt khe đối với người lao động, Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 12/11/2020 quy định chi tiết một số nội dung trong Hợp đồng lao động, trong đó có quy định bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.

Bài liên quan:


1. Đối tượng tham gia thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ

Căn cứ theo quy định khoản 2 Điều 21 BLLĐ 2019:
“2. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.”
khoản 1 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH:
“Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận với người lao động về nội dung bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong hợp đồng lao động hoặc bằng văn bản khác theo quy định của pháp luật.”
Thì thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh được người sử dụng đặt ra đối với người lao động khi người lao động đó làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật tại nơi làm việc. Vì vậy, không phải người lao động nào cũng phải ký kết thỏa thuận này với người sử dụng lao động nếu không thuộc trường hợp nêu trên.
Bên cạnh đó, những thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ phải được ghi nhận dưới hình thức văn bản, có thể là văn bản thỏa thuận riêng hoặc có thể ghi nhận trực tiếp trong Hợp đồng lao động.
2. Nội dung thỏa thuận:
Thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ nên có những nội dung chủ yếu sau đây:
  • Danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
  • Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
  • Thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
  • Phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
  • Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
  • Xử lý vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.
Những nội dung trên càng rõ ràng, chặt chẽ sẽ càng dễ có căn cứ để xác định có hay không việc vi phạm thỏa thuận trên của người lao động, đồng thời cũng là căn cứ để người lao động bảo vệ quyền lợi của mình khi cần thiết.
Ngoài ra, người sử dụng lao động có thể thêm vào những quy định khác để phù hợp với tình hình hiện tại và xu hướng phát triển của doanh nghiệp sau này. Tuy nhiên, khi lập bản thỏa thuận, các bên nên lưu ý đến những quy định bảo vệ quyền lợi của người lao động được ghi nhận tại khoản 1 Điều 35 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”.
“Điều 10. Quyền làm việc của người lao động
1. Được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.
2. Trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm theo nguyện vọng, khả năng trình độ nghề nghiệp và sức khỏe của mình.”
3. Hình thức xử lý đối với người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh

Theo quy định của pháp luật, hình thức xử lý đối với người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh gồm:
  • Yêu cầu bồi thường theo thỏa thuận của hai bên.
  • Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.
Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại, căn cứ theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện như sau:
a) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động thì xử lý theo trình tự, thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều 130 của Bộ luật Lao động;
b) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.
Đối với việc áp dụng hình thức kỷ luật sa thải, căn cứ Điều 125 BLLĐ 2019 khi phát hiện người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động được quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định tại Điều 125 BLLĐ 2019:
“Điều 125. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:
….
2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
…”
Tùy vào từng trường hợp mà người sử dụng lao động có thể áp dụng một trong hai hoặc cả hai hình thức xử lý nêu trên sao cho phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể:

- Nếu đang trong giai đoạn hơp đồng có hiệu lực, nếu phát hiện người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, người sử dụng lao động có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải và yêu cầu bồi thường như hai bên đã thỏa thuận trong Thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trước đó.

- Nếu hợp đồng lao động đã chấm dứt hiệu lực và người sử dụng lao động phát hiện người lao động có hành vi vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì chỉ áp dụng hình thức yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của BLDS 2015.
Ánh Tuyết
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Những lưu ý về thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong quan hệ lao động Những lưu ý về thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong quan hệ lao động
910 1

Bài viết Những lưu ý về thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong quan hệ lao động

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »