Đã nhận cầm cố tài sản nhưng cho người cầm cố mượn lại có vi phạm pháp luật?

4:30 PM

 


VANTHONGLAW - Hiện nay, cầm đồ là một trong những giao dịch khá được ưa chuộng bởi thủ tục nhanh gọn và tiện lợi mà nó mang lại. Bởi chỉ cần có tài sản thuộc sở hữu hợp pháp, người vay đã có thể nhận được khoản tiền vay một cách nhanh chóng mà không phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp như khi vay ở ngân hàng. Bên cạnh đó, nhằm thu hút thêm nhiều khách hàng, các nơi kinh doanh dịch vụ cầm đồ còn có chính sách cho khách hàng của mình mượn lại tài sản đã đi cầm để tiếp tục sử dụng như bình thường mà không buộc phải lưu giữ tại nơi cầm cố. Vậy việc cho mượn lại tài sản đã mang đi cầm như trên có vi phạm pháp luật không? Để giải đáp cho câu hỏi này, kinh mới quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây. 

Bài liên quan:


1. Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là gì?

Theo quy định pháp luật, dịch vụ cầm đồ là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện được phân vào nhóm ngành Các hoạt động cấp tín dụng khác được quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018. Đây được xem là hoạt động dịch vụ tài chính bởi nó liên quan đến việc hình thành các khoản cho vay nhưng bên cho vay không phải là các trung gian tiền tệ như là các công ty đầu tư vốn mạo hiểm, các ngân hàng chuyên doanh, các câu lạc bộ đầu tư. 

Hiểu một cách đơn giản, bản chất của dịch vụ cầm đồ là cho vay bằng cách:
  • Bên cho vay sẽ giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc lẫn lãi;
  • Bên vay sẽ giao lại cho bên cho vay tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình để bảo đảm cho khoản vay này.
Vì dịch vụ cầm đồ thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên khi muốn thực hiện ngành nghề kinh doanh này, hộ gia đình hoặc doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư 2020. Tuy nhiên, Luật Đầu tư chỉ quy định về điều kiện thành lập loại hình kinh doanh đối với dịch vụ cầm đồ này nhưng không quy định cụ thể nội dung hoạt động gồm những gì nên dịch vụ cầm đồ hiện chỉ được thực hiện theo các quy định về hợp đồng vay tài sản và cầm cố tài sản của BLDS 2015.

2. Cầm cố tài sản khi thực hiện dịch vụ cầm đồ:

Việc cầm cố tài sản được định nghĩa tại Điều 309 BLDS 2105 như sau:
“Điều 309. Cầm cố tài sản
Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”
Hợp đồng cầm cố hay còn gọi là giao dịch cầm cố có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Và khi thuộc một trong các trường hợp sau đây thì việc cầm cố tài sản sẽ được chấm dứt:
  1. Nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt.
  2. Việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
  3. Tài sản cầm cố đã được xử lý.
  4. Theo thỏa thuận của các bên.
Sau khi việc cầm cố chấm dứt và không thuộc trường hợp chấm dứt do “tài sản cầm cố đã được xử lý” thì thì tài sản cầm cố, giấy tờ liên quan đến tài sản cầm cố được trả lại cho bên cầm cố. Hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản cầm cố cũng được trả lại cho bên cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Có được cho mượn lại tài sản cầm cố? 

Việc cho mượn lại tài sản cầm cố được hiểu là bên nhận cầm cố và bên cầm cố đã hoàn tất các thủ tục cầm cố tài sản theo quy định và bên nhận cầm cố cho bên cầm cố mượn lại tài sản đã cầm cố đó để sử dụng lại mà không buộc phải bị lưu giữ tại nơi cầm cố. Việc cho mượn này có tính phí tùy thuộc vào nhu cầu và thỏa thuận của các bên. 
Theo quy định tại Điều 314 BLDS 2015, bên nhận cầm cố có các quyền như sau:
“Điều 314. Quyền của bên nhận cầm cố
1. Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó.
2. Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận.
4. Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.”
Từ quy định trên có thể thấy, bên nhận cầm cố cho bên cầm cố mượn lại tài sản đã cầm cố là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 314 BLDS 2015 và không vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, pháp luật cũng không cấm người cầm cố mượn lại tài sản cầm cố để tiếp tục sử dụng nên việc cho mượn lại và mượn lại tài sản cầm cố trong giao dịch này là phù hợp và không vi phạm pháp luật.

Thực tế hiện nay, sự tiện lợi của dịch vụ này là điều không thể phủ nhận bởi bên cầm cố vừa có thể vay được một khoản tiền, vừa có thể giữ lại tài sản cầm cố để tiếp tục sử dụng tạo ra thu nhập để có thể trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, bản chất của việc cho mượn là một giao dịch không tính phí nhưng trên thực tế việc cho mượn lại trong trường hợp này đều có tính phí, thậm chí tính phí khá cao do pháp luật không có quy định về mức phí đối với việc cho mượn lại tài sản cầm cố này và giao dịch này được xác lập dựa trên thỏa thuận của các bên, đồng thời việc tính phí đối với việc cho mượn lại tài sản cầm cố cũng không thuộc trường hợp trái quy định pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, người dân khi đi cầm cố tài sản và có mượn lại tài sản để sử dụng thì nên lưu ý về những chi phí không cần thiết có thể phát sinh, cụ thể là khi đã mượn lại tài sản để sử dụng thì có thể phải trả thêm phí mượn lại nhưng những loại phí như: phí lưu kho bãi, phí bảo quản tài sản,... là hoàn toàn vô lý và mang tính áp đặt lên người cầm cố tài sản. Và người cầm cố có thể không trả những loại phí phát sinh vô lý như trên. 

Vì vậy, người có nhu cầu cầm đồ để vay tiền cần có sự suy xét cẩn trọng và nên chọn nơi cung cấp dịch vụ cầm đồ uy tín, có lãi suất vay phù hợp theo quy định của pháp luật, đồng thời những chi phí phát sinh khác: phí thẩm định tài sản, mượn lại, thuê, bảo quản tài sản,...phải hợp lý để người cầm cố có khả năng chi trả. Nên tránh những nơi cầm đồ dù lãi suất cho vay phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng khi người cầm cố ký kết hợp đồng thì những chi phí phát sinh lại bị thổi lên rất cao (ví dụ: phí thẩm định điều kiện cho vay (1,4%/tháng), quản lý tài sản cầm cố (2-3%/tháng nếu để tài sản tại nơi cầm cố, 5%/tháng đối với người có nhu cầu mượn lại tài sản), đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo…) khiến cho người cầm cố không có khả năng thanh toán khoản nợ cùng với những chi phí kèm theo.

Ánh Tuyết
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Đã nhận cầm cố tài sản nhưng cho người cầm cố mượn lại có vi phạm pháp luật? Đã nhận cầm cố tài sản nhưng cho người cầm cố mượn lại có vi phạm pháp luật?
910 1

Bài viết Đã nhận cầm cố tài sản nhưng cho người cầm cố mượn lại có vi phạm pháp luật?

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »