Quy trình công chứng hợp đồng ủy quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến di sản thừa kế tại Việt Nam do người Việt Nam định cư ở nước ngoài ủy quyền cho người trong nước

9:00 AM

   Quy trình công chứng hợp đồng ủy quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến di sản thừa kế tại Việt Nam do người Việt Nam định cư ở nước ngoài ủy quyền cho người trong nước


VANTHONGLAW - Trong trường hợp người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài là người được nhận di sản thừa kế tại Việt Nam thì việc họ phải đi đi về về giữa 02 quốc gia để thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến di sản thừa kế tại Việt Nam sẽ tốn rất nhiều thời gian cũng như công sức. Do đó, thông thường những người này sẽ ủy quyền cho một người ở Việt Nam để thực hiện các công việc liên quan đến di sản thừa kế của họ. Để việc ủy quyền được xem là có hiệu lực thì phải đáp ứng điều kiện về công chứng theo quy định pháp luật.

Bài liên quan:


Theo đó, tại Điều 55 Luật Công chứng 2014 có quy định trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền sẽ yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền. Khi đó, thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền sẽ hoàn tất và việc ủy quyền đó sẽ có giá trị pháp lý.

Tuy nhiên, pháp luật quy định trong trường hợp bên ủy quyền là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện công chứng ở nước ngoài thì phải bắt buộc do cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài công chứng.

Điều 78 Luật Công chứng 2014 quy định việc công chứng của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài như sau:

“1. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền và các hợp đồng, giao dịch khác theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam.

2. Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao được giao thực hiện công chứng phải có bằng cử nhân luật hoặc được bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng.

3. Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao thực hiện công chứng theo thủ tục quy định tại Chương V của Luật này, có quyền quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 và nghĩa vụ quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 2 Điều 17 của Luật này.”

Như vậy, để việc công chứng hợp đồng ủy quyền do người Việt Nam định cư ở nước ngoài ủy quyền cho người trong nước thì phải thực hiện như sau:

Bước 1: Người ủy quyền đến cơ quan đại diện đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài để công chứng hợp đồng ủy quyền.

Căn cứ quy định tại Điều 4 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì cơ quan đại diện ngoại giao là Đại sứ quán và cơ quan đại diện lãnh sự là Tổng Lãnh sự quán và Lãnh sự quán.

Bước 2: Gửi hợp đồng ủy quyền bản chính có dấu công chứng của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam cho bên được ủy quyền.

Bước 3: Bên được ủy quyền đến Văn phòng công chứng nơi họ cư trú để công chứng tiếp vào bản chính hợp đồng ủy quyền.

* Ngoài ra, trong trường hợp người Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ có thông tin hướng dẫn việc công chứng hợp đồng ủy quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến di sản thừa kế tại Việt Nam trên Cổng thông tin điện tử như sau:

“Trong trường hợp không thể có mặt tại trụ sở Đại sứ quán, quý vị có thể gửi qua đường bưu điện Hợp đồng ủy quyền và các giấy tờ như yêu cầu nêu trên để được chứng thực lãnh sự. Tuy nhiên, trên Hợp đồng ủy quyền cần có:

- Xác nhận của Công chứng viên (Notary Public) hoặc Lục sự Quận (County Clerk) đối với chữ ký của quý vị; và

- Xác nhận của Bộ Ngoại giao Tiểu bang (State-level Secretary of State or its Authentication Office) đối với chữ ký của Công chứng viên hoặc Lục sự Quận đó. 

Lệ phí:  Trả bằng Money Order hoặc Cashier’s Check cho “Embassy of Vietnam”. 

Thời gian giải quyết:  Năm ngày làm việc kể từ khi Đại sứ quán nhận được đầy đủ hồ sơ.

Gửi trả kết quả: Đại sứ quán có thể gửi trả kết quả qua đường bưu điện bằng dịch vụ có tracking number USPS Express Mail hoặc FEDEX.  Quý vị cần cung cấp bì thư đã trả tiền cước phí của dịch vụ trên và ghi rõ địa chỉ người nhận để Đại sứ quán gửi trả. Vì sự an toàn của giấy tờ của quý vị, xin đề nghị KHÔNG sử dụng các dịch vụ phát chuyển thư khác.

Quý vị cần ghi lại tracking number của bì thư gửi đi và gửi trả kết quả để thuận lợi cho việc tra cứu kết quả.”

Như vậy, đối với bên ủy quyền là người Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ thì Đại sứ quán Hoa Kỳ đã có thông tin hỗ trợ để giúp người dân thuận tiện hơn trong việc công chứng hợp đồng ủy quyền mà không cần thiết phải đến Đại sứ quán.

Bích Trâm
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG

Quy trình công chứng hợp đồng ủy quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến di sản thừa kế tại Việt Nam do người Việt Nam định cư ở nước ngoài ủy quyền cho người trong nước Quy trình công chứng hợp đồng ủy quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến di sản thừa kế tại Việt Nam do người Việt Nam định cư ở nước ngoài ủy quyền cho người trong nước
910 1

Bài viết Quy trình công chứng hợp đồng ủy quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến di sản thừa kế tại Việt Nam do người Việt Nam định cư ở nước ngoài ủy quyền cho người trong nước

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »