Trường hợp công dân Việt Nam được phép mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền một chiều

8:30 AM

     Trường hợp công dân Việt Nam được phép mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền một chiều


VANTHONGLAW - Trong tiến trình hội nhập hóa ngày nay, việc thanh toán, chuyển tiền sang nước ngoài là nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, nhằm tránh những thành phần có ý định phá hoại Nhà nước lợi dụng việc chuyển tiền sang nước ngoài làm thất thoát, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách tiền tệ của nước ta, nhà nước ta đã quy định cụ thể về việc chuyển tiền một chiều từ Việt Nam sang nước ngoài trong Pháp lệnh ngoại hối cũng như trong các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Do đó, là công dân Việt Nam, ta cần phải chấp hành tốt các quy định về việc chuyển tiền từ Việt Nam sang nước ngoài. Bài viết này sẽ cung cấp cho độc giả các trường hợp mà pháp luật cho phép công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền một chiều để quý độc giả có cơ sở thực hiện việc chuyển tiền sang nước ngoài một cách hợp pháp. Bài viết này không bao gồm phạm vi các giao dịch vốn ra nước ngoài của cá nhân.

Bài liên quan:


1.     Khái niệm chuyển tiền một chiều

Chuyển tiền một chiều là một trong các hoạt động ngoại hối được định nghĩa tại khoản 8 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) là các giao dịch chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài qua ngân hàng, qua mạng bưu chính công cộng của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích mang tính chất tài trợ, viện trợ hoặc giúp đỡ thân nhân gia đình, sử dụng chi tiêu cá nhân không có liên quan đến việc thanh toán xuất khẩu, nhập khẩu về hàng hóa và dịch vụ.

Hoạt động ngoại hối là hoạt động của người cư trú, người không cư trú trong giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối. (Khoản 8 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối). Chuyển tiền một chiều thuộc hình thức giao dịch vãng lai trong hoạt động ngoại hối.

2.   Các trường hợp công dân Việt Nam được phép mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền một chiều

Căn cứ theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ-CP, công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích:

- Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;

- Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài;

- Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài;

- Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài;

- Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;

- Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài;

- Chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.

Nguồn ngoại tệ để chuyển, mang ra nước ngoài gồm 2 nguồn: (1) Nguồn tự có của cá nhân hoặc (2) mua ngoại tệ từ các ngân hàng được phép bán ngoại tệ.

3.   Mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài của công dân Việt Nam trong từng trường hợp (được quy định tại Chương III Thông tư 20/2022/TT-NHNN)

a)    Trường hợp học tập, chữa bệnh ở nước ngoài

Việc mua, chuyển, mang ngoại tệ do người cư trú là công dân Việt Nam thực hiện hoặc người đại diện hợp pháp của công dân Việt Nam thực hiện hoặc thân nhân của công dân Việt Nam đang học tập, chữa bệnh ở nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của ngân hàng được phép phù hợp với quy định của pháp luật.

Mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài cho các mục đích học tập, chữa bệnh được căn cứ vào các chi phí tại thông báo của phía nước ngoài.

Trường hợp không có thông báo của nước ngoài về các chi phí sinh hoạt và các chi phí khác có liên quan đối với các mục đích học tập, chữa bệnh, ngoài tiền học phí, viện phí và các chi phí khác đã được phía nước ngoài thông báo, các ngân hàng được phép quyết định mức mua, chuyển, mang thêm ngoại tệ cho các mục đích trên như sau:

Các ngân hàng được phép quyết định mức ngoại tệ mua, chuyển trên cơ sở nhu cầu hợp lý của cá nhân về các chi phí sinh hoạt và các chi phí khác có liên quan đối với mục đích học tập, chữa bệnh, ngoài tiền học phí, viện phí. Tuy nhiên, mức mua, chuyển ngoại tệ ở trường hợp này trong một năm không vượt quá thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của nước nơi người đó học tập, chữa bệnh. Định kỳ hàng năm, ngân hàng được phép cập nhật số liệu về thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của các nước được công bố tại thời điểm gần nhất trên trang tin điện tử của Ngân hàng Thế giới (World Bank) để làm cơ sở xác định mức này.

b)    Trường hợp đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài

Được quyết định trên cơ sở nhu cầu hợp lý của cá nhân nhưng trong một năm không vượt quá thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của nước nơi người đó công tác, du lịch, thăm viếng. Định kỳ hàng năm, ngân hàng được phép cập nhật số liệu về thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của các nước được công bố tại thời điểm gần nhất trên trang tin điện tử của Ngân hàng Thế giới (World Bank) để làm cơ sở xác định mức này.

c)     Trường hợp trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài

Mức ngoại tệ được phép mua, chuyển, mang ra nước ngoài căn cứ vào các chi phí tại thông báo của phía nước ngoài.

d)    Trường hợp trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài

Các ngân hàng được phép quyết định mức ngoại tệ mua, chuyển trên cơ sở nhu cầu hợp lý của cá nhân và phù hợp với mục đích hỗ trợ chi phí sinh hoạt, ổn định cuộc sống của người được trợ cấp ở nước ngoài;

Mức ngoại tệ mua, chuyển cho một người được hưởng trợ cấp ở nước ngoài trong một năm không vượt quá thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của nước nơi người được trợ cấp đang sinh sống. Định kỳ hàng năm, ngân hàng được phép cập nhật số liệu về thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của các nước được công bố tại thời điểm gần nhất trên trang tin điện tử của Ngân hàng Thế giới (World Bank) để làm cơ sở xác định mức ngoại tệ mua, chuyển cho mục đích trợ cấp thân nhân ở nước ngoài;

Việc mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích trợ cấp thân nhân không áp dụng đối với trường hợp thân nhân đang học tập, chữa bệnh, công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.

e)     Trường hợp chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài

Mức ngoại tệ được phép mua, chuyển, mang ra nước ngoài căn cứ vào giá trị tài sản mà người hưởng thừa kế được hưởng theo quy định pháp luật về thừa kế.

f)      Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài

Mức ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài sẽ căn cứ vào giá trị tài sản của người đi định cư được hình thành tại Việt Nam trước khi nhập quốc tịch nước ngoài hoặc trước khi được phép cư trú ở nước ngoài cho mục đích định cư theo quy định của nước sở tại.

Trường hợp chuyển tiền để thanh toán các chi phí liên quan đến thủ tục xin định cư ở nước ngoài (không bao gồm giá trị đầu tư để được phép có quốc tịch hoặc được định cư ở nước ngoài), mức ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài được căn cứ vào các chi phí tại thông báo của phía nước ngoài.

Bích Trâm
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG

Trường hợp công dân Việt Nam được phép mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền một chiều Trường hợp công dân Việt Nam được phép mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền một chiều
910 1

Bài viết Trường hợp công dân Việt Nam được phép mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền một chiều

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »