Hộ kinh doanh nộp thuế như thế nào?

5:55 PM

       

VANTHONGLAW - Pháp luật về thuế là một trong những lĩnh vực tương đối phức tạp với hệ thống văn bản pháp luật dày đặc để điều chỉnh đối với lĩnh vực này. Trong khi đó, hộ kinh doanh được thành lập bởi các cá nhân kinh doanh, thực hiện cùng các thành viên trong gia đình nên việc có thể tìm hiểu, nắm bắt những quy định về thuế là khá khó khăn. Bài viết dưới đây xin được trình bày cụ thể các vấn đề: định nghĩa pháp lý về hộ kinh doanh; các nguyên tắc, phương pháp tính thuế cùng với thời hạn nộp thuế đối với loại hình kinh doanh này. Kính mời quý độc giả đón xem.

Bài liên quan:


1. Hộ  kinh doanh là gì?


Hộ cá nhân kinh doanh được định nghĩa theo các văn bản của pháp luật như sau:

“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”

  • Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021:

“Hộ kinh doanh” là cơ sở sản xuất, kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ theo quy định tại Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).….”

Từ hai định nghĩa nêu  trên, có thể rút ra những đặc điểm cơ bản về hộ cá nhân như sau:

  • Là cơ sở sản xuất, kinh doanh;

  • Do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập;

  • Người thành lập chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản đối với hoạt động kinh doanh của hộ;

2. Nguyên tắc tính thuế


Hộ kinh doanh mặc dù là cơ sở sản xuất, kinh doanh có tạo ra thu nhập và cung ứng hàng hóa trên thị trường nhưng không mặc định chịu thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế mà việc xác định nghĩa vụ đóng thuế đối với hộ kinh doanh được tuân thủ theo nguyên tắc tại Điều 4 Thông tư số 40/2021/TT-BTC như sau:

  • Hộ kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.

  • Hộ kinh doanh kinh doanh theo hình thức hộ gia đình, mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế. 

Như vậy, hộ kinh doanh mà có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 100 triệu đồng trở xuống, tính theo năm dương lịch thì không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật. Tuy không phải nộp thuế nhưng hộ kinh doanh có nghĩa vụ phải thực hiện khai thuế chính xác, trung thực và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Đối với hộ kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở lên thì thuộc trường hợp phải nộp thuế GTGT và phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật.


3. Phương pháp tính thuế


Có 03 phương pháp nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế như sau:

Phương pháp kê khai: là phương pháp khai thuế, tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu thực tế phát sinh theo kỳ tháng hoặc quý.

Phương pháp khoán: là phương pháp tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu khoán do cơ quan thuế xác định để tính mức thuế khoán theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế.

Phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh: là phương pháp khai thuế, tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu thực tế từng lần phát sinh.

Tuy nhiên, đối với hộ kinh doanh chỉ áp dụng 02 phương pháp tính thuế là: Phương pháp kê khai và phương pháp khoán. Phương pháp nộp thuế đối với hộ gia đình được trình bày dưới bảng sau:


Phương pháp tính thuế

Đối tượng áp dụng 

Thời gian khai thuế

Phương pháp kê khai

- Hộ kinh doanh quy mô lớn

- Hộ kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu kinh doanh lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai;

- Khai thuế theo tháng

- Khai thuế theo quý (nếu đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý)

Phương pháp khoán

- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai;

- Khai thuế theo năm

- Trường hợp sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng số thì khai thuế riêng đối với doanh thu phát sinh trên hóa đơn đó theo từng lần phát sinh.


4. Thời hạn nộp thuế:


 a.  Đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai:


Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót. Trong đó, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế được quy định như sau: 

  • Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo tháng chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế. Ví dụ: Hộ kinh doanh A phải nộp thuế theo phương pháp kê khai theo tháng theo quy định của pháp luật. Nếu hộ kinh doanh A muốn nộp thuế cho tháng 01/2013 thì hộ kinh doanh A phải nộp hồ sơ kê khai thuế và thuế chậm nhất là vào ngày 20/02/2023 để không bị trễ hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật. 

  • Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo quý chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu quý tiếp theo liền kề quý phát sinh nghĩa vụ thuế. Ví dụ: Hộ kinh doanh B nộp thuế theo phương pháp kê khai theo quý muốn nộp thuế cho Quý I của năm 2013 thì phải thực hiện việc nộp hồ sơ khai thuế và thuế chậm nhất là vào 30/04/2023 - tháng đầu của Quý II theo quy định của pháp luật. 

Tóm lại, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo tháng thì thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo phát sinh nghĩa vụ thuế. Còn hộ kinh doanh nộp thuế phương pháp kê khai theo quý thì thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu quý tiếp theo phát sinh nghĩa vụ thuế.


b. Đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (hộ khoán):


Căn cứ Thông báo nộp tiền, hộ khoán nộp tiền thuế GTGT, thuế TNCN theo thời hạn trên Thông báo nộp tiền mẫu số 01/TB-CNKD ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. 

Trường hợp hộ khoán có sử dụng hóa đơn cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh của cơ quan thuế thì thời hạn nộp thuế đối với doanh thu trên hóa đơn là thời hạn khai thuế đối với doanh thu trên hóa đơn - chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh doanh thu có yêu cầu sử dụng hóa đơn.

Ánh Tuyết
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Hộ kinh doanh nộp thuế như thế nào? Hộ kinh doanh nộp thuế như thế nào?
910 1

Bài viết Hộ kinh doanh nộp thuế như thế nào?

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »