Khi nào thì công dân Việt Nam được phép có hai quốc tịch?

8:30 AM

    Khi nào thì công dân Việt Nam được phép có hai quốc tịch?


VANTHONGLAW - Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định công dân Việt Nam là những người có quốc tịch Việt Nam, được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm các quyền và nghĩa vụ công dân. Về nguyên tắc, Luật Quốc tịch Việt Nam quy định Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Tuy nhiên, tại Điều 12 Luật Quốc tịch Việt Nam cũng quy định về việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài. Như vậy, Nhà nước Việt Nam đã thừa nhận việc công dân Việt Nam được phép có hai quốc tịch, tuy nhiên, việc mang 2 quốc tịch phải phù hợp với các quy định của pháp luật. 

Bài liên quan:


Các trường hợp mà pháp luật quy định công dân Việt Nam được phép có 02 quốc tịch:

1.   Công dân Việt Nam đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng chưa làm thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam

Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam, người có quốc tịch Việt Nam bao gồm:

- Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này;

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

Đồng thời, tại Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định căn cứ mất quốc tịch Việt Nam gồm:

- Được thôi quốc tịch Việt Nam;

- Bị tước quốc tịch Việt Nam;

- Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam không rõ cha mẹ là ai đã có quốc tịch Việt Nam chưa đủ 15 tuổi mà tìm thấy cha mẹ hoặc chỉ thấy cha hoặc mẹ mà người đó chỉ có quốc tịch nước ngoài (khoản 2 Điều 18);

- Con chưa thành niên sinh sống cùng cha mẹ mất quốc tịch Việt Nam do cha mẹ hoặc chỉ cha hoặc mẹ thôi quốc tịch Việt Nam (Điều 35);

- Theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Như vậy, công dân Việt Nam khi nhập quốc tịch nước ngoài sẽ không đương nhiên bị mất quốc tịch Việt Nam trừ trường hợp họ tự thôi quốc tịch Việt Nam, có hành vi vi phạm dẫn đến bị tước quốc tịch Việt Nam hoặc mất quốc tịch theo quy định tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do đó, nếu họ không thuộc trường hợp bị mất quốc tịch Việt Nam thì họ vẫn giữ được quốc tịch Việt Nam và đồng thời có quốc tịch nước ngoài (song tịch).

2.  Người xin nhập quốc tịch Việt Nam trong trường hợp đặc biệt, được Chủ tịch nước cho phép không phải thôi quốc tịch nước ngoài

Xin nhập quốc tịch Việt Nam là hình thức công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam.

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam và hướng dẫn tại Điều 9 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, thì người xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài được coi là trường hợp đặc biệt và được trình Chủ tịch nước xem xét việc cho nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

(1) Về chủ thể: Thuộc một trong các trường hợp sau:

- Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

- Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(2) Điều kiện khác:

- Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam (được quy định tại khoản 1 Điều 19);

- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

- Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó;

- Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng;

- Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh

Như vậy, nếu người xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên và được Chủ tịch nước chấp nhận thì người đó sẽ có hai quốc tịch (được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch nước ngoài).

3.   Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam trong trường hợp đặc biệt,  được Chủ tịch nước cho phép không phải thôi quốc tịch nước ngoài

Xin trở lại quốc tịch Việt Nam là việc người đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam khi thuộc một trong những trường hợp sau:

- Xin hồi hương về Việt Nam;

- Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;

- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

- Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Thực hiện đầu tư tại Việt Nam;

- Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam và Điều 14 Nghị định 16/2020/NĐ-CP thì người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài được coi là trường hợp đặc biệt để trình Chủ tịch nước xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

(1) Về chủ thể: Thuộc một trong các trường hợp sau:

- Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

- Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(2) Điều kiện khác:

Có đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam (được quy định tại  Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam);

- Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó;

- Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng;

- Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, khi đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật thì người đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước khác vẫn có thể trở lại quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước đã nhập. Khi đó, công dân Việt Nam sẽ có hai quốc tịch.

Tóm lại, Nhà nước ta vẫn công nhận công dân Việt Nam được phép có hai quốc tịch, tuy nhiên phải đáp ứng các quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam. Việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài sẽ được giải quyết theo Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trường hợp chưa có Điều ước quốc tế thì được giải quyết theo tập quán và thông lệ quốc tế.

Bích Trâm
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG

Khi nào thì công dân Việt Nam được phép có hai quốc tịch? Khi nào thì công dân Việt Nam được phép có hai quốc tịch?
910 1

Bài viết Khi nào thì công dân Việt Nam được phép có hai quốc tịch?

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »